CafeLand - UBND TP. Hà Nội vừa có báo cáo về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Trong đó, báo cáo đã điểm tên hàng loạt dự án vi phạm của nhiều doanh nghiệp bất động sản có tiếng trên thị trường.

Khu đô thị hai bên đường Lê Trọng Tấn (An Khánh, Hoài Đức) góp mặt trong danh sách của Hà Nội.

Báo cáo có nhắc đến loạt dự án của các tên tuổi lớn như FLC, Tập đoàn Hà Đô, Geleximco, HUD và KBC.

Cụ thể, dự án Khách sạn Hoa Sen của Công ty TNHH MTV PT Khách sạn Hoa Sen được giao 45.983 m2 đất tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Tại kết luận thanh tra 1262 ngày 17/5/2019 nêu rõ dự án chưa có quyết định chủ trương đầu tư, đề xuất UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án.

Được biết, Công ty TNHH MTV Phát triển Hoa Sen được Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) thành lập năm 2016, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Tháng 6/2017, Công ty Hoa Sen được KBC chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Đầu tư Mặt Trời Mọc.

Đến tháng 1/2020, KBC lại công bố đã nhận chuyển nhượng lại Công ty Hoa Sen từ Công ty TNHH thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh và cử người đại diện phần vốn góp của KBC tại Công ty Hoa Sen là ông Lê Huy Vũ. Giá trị nhận chuyển nhượng 1.854 tỉ đồng.

Dự án Diamond Rice Flower (tên cũ là Lotus hotel) có diện tích khoảng 4,2ha cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia bao gồm tổ hợp 1 tòa nhà 100 tầng (chiều cao khoảng 400m), 1 tòa cao 80 tầng (cao 320m) và 1 tòa 15 tầng.

Nếu được xây dựng, dự án này sẽ trở thành toà tháp cao nhất Việt Nam.

Ngoài dự án nêu trên còn có hàng loạt dự án được điểm tên do các vi phạm như chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai theo quy định, tự ý cho thuê, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, liên doanh, liên kết không đúng quy định.

Các dự án có nguyên nhân khách quan như được xem xét điều chỉnh dự án, điều chỉnh quy hoạch hoặc các dự án chậm tiến độ nhưng chưa đến thời hạn phải xử lý theo quy định của Luật đất đai 2013. Sở Tài nguyên Môi trường kiến nghị và đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể tại kết luận thanh tra với từng dự án.

Cụ thể, của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội - Geleximco diện tích 407ha, được giao đất từ năm 2007.

Theo Kết luận số 1418 ngày 24/5/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, dự án chưa xây dựng và hoàn thiện 124 căn nhà ở thấp tầng.

Thành phố Hà Nội yêu cầu doanh nghiệp liên hệ ngay Sở TN&MT để xác định tiền thuê đất (bổ sung) theo quy định đối với diện tích 20.015,9m2 đất để xây dựng trường học nhà trẻ đồng thời liên hệ với Cục thuế để nộp tiền thuê đất.

Dự án Khu đô thị mới An Khánh - An Thượng (Nam An Khánh mở rộng khu 1 - A) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô được giao đất năm 2007 diện tích 300ha.

Ngày 24/10/2018 có quyết định điều chỉnh quy hoạch tổng thể. Kết luận Thanh tra tháng 7/2019 nêu rõ dự án chưa điều chỉnh quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Nội Yêu cầu công ty hoàn thiện hồ sơ để được xem xét, thẩm định trình UBND thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, khẩn trương đầu tư xây dựng công trình theo đúng quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Dự án Khu đô thị mới Việt Hưng (phường Việt Hưng, Đức Giang, Giang Biên, Phúc Lợi, Long Biên) của Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (BXD). Dự án đang điều chỉnh quy hoạch cục bộ theo phân khu N10.

Theo báo cáo, dự án chuyển nhượng cho 9 đơn vị thứ phát. Đến nay có 6/9 đơn vị chưa hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, quy hoạch, đất đai.

Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư dự án liên hệ với Sở quy hoạch kiến trúc để điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thực hiện GPMB; đôn đốc các chủ đầu tư thứ cấp hoàn thành dự án.

Bị điểm tên nhiều nhất trong danh sách các chủ đầu tư có dự án vi phạm phải kể đến hàng loạt dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD). Điển hình như Dự án Khu đô thị Nam An Khánh; ô đất CC3 và CC1 khu đô thị Mỹ Đình 2; Khu đô thị mới Vân Canh (Vân Canh, Di Trạch, Hoài Đức); Khu đô thị Mê Linh – Đại Thịnh; Khu đô thị Thanh Lâm – Đại Thịnh 1.

Một ông lớn khác trên thị trường bất động sản cũng có tên trong danh sách dự án vi phạm của Hà Nội là Công ty CP Tập đoàn FLC (Công ty CP Đầu tư Địa ốc Alaska) với Dự án khu chức năng đô thị Alaska (Khu chức năng đô thị Đại Mỗ) phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm.

Kết luận số 1265 ngày 15/5/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, dự án chưa đầu tư xây dựng 2 ô quy hoạch HH-01 và HH-02.

Sở yêu cầu hoàn thành công tác GPMB để thi công hoàn thiện dự án; tiếp tục hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng để đầu tư xây dựng hoàn thiện toàn bộ dự án theo quy định của pháp luật.

UBND Thành phố cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các dự án chậm triển khai đã thanh tra nhưng chủ đầu tư không khắc phục, chưa đưa đất vào sử dụng theo dự án đầu tư được phê duyệt.

Các tổ chức, cá nhân vi phạm nhưng chây ỳ, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm sẽ chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

  • Loạt dự án của Tập đoàn Nam Cường vào tầm ngắm thu hồi

    Loạt dự án của Tập đoàn Nam Cường vào tầm ngắm thu hồi

    CafeLand - Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn mới đây đã chỉ đích danh một số dự án đang “mắc cạn” của Tập đoàn Nam Cường.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.