26/08/2011 10:24 AM
Công trình cao nhất địa phương được rầm rộ triển khai xây dựng không phép nhưng chính quyền địa phương vẫn cho qua, làm như không hề hay biết.
Hà Nội: Dân khổ vì chủ công trình cậy quen chính quyền

Gần 1 năm nay, người dân ở thị trấn Thường Tín mỗi lần đi qua tiểu khu Trần Phú đều không khỏi lo ngại cho số phận của 2 gia đình sống trong 2 ngôi nhà 3 tầng số 67 và 71. Chen giữa 2 ngôi nhà này là hố móng sâu hoắm của ngôi nhà 10 tầng không phép, khiến 2 ngôi nhà liền kề đang ngày một rạn nứt và đổ nghiêng vào nhau.

Để chống lại thảm họa, chủ công trình đành dùng 8 thanh sắt chữ I, bản rộng 20cm, chống giữa 2 ngôi nhà, trông thật mỏng manh. Một năm qua, tiếng kêu cứu từ 2 “khổ chủ” đã vọng đến các cấp chính quyền. Nhưng mọi việc dường như không có lối thoát khi chủ công trình thì “cò kè bớt một thêm hai” trong việc đền bù, còn cán bộ chính quyền thì không biết giải quyết thế nào để vừa đúng với pháp luật, vừa ngăn được thảm họa đổ nhà đang đến từng ngày...

Tòa nhà “top ten” không cần giấy phép xây dựng

Ngày 14/11/2010, trung tâm thị trấn Thường Tín rộn lên khi ông Vũ Xuân Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và dịch vụ thương mại Nam Tiến tập kết 1.100m dài cọc bê tông cùng xe máy chuyên dụng thường dùng trong các công trình xây dựng lớn để khởi công xây dựng tòa nhà 10 tầng ngự tại số 69 tiểu khu Trần Phú. Nếu trót lọt, đây sẽ là tòa nhà “top ten” cao nhất từ trước đến nay tại thị trấn Thường Tín, có tầng hầm tương đối hiện đại…

Chỉ trong một thời gian ngắn, hố móng sâu hút của Tòa nhà đã hoàn tất, cùng với toàn bộ cọc bê tông được ép xuống với độ sâu 13 - 14m.

Mọi việc diễn ra rầm rộ, gấp gáp giữa “thanh thiên bạch nhật”, không ai ngờ rằng, chủ công trình đồ sộ kể trên đang là một giám đốc doanh nghiệp xây dựng lại tiến hành thi công mà không hề có giấy phép xây dựng. Cũng không ai ngờ rằng, công trình cao nhất địa phương được rầm rộ triển khai xây dựng không có giấy phép nhưng chính quyền địa phương vẫn cho qua, làm như không hề hay biết. Chỉ đến khi, việc đào móng và ép cọc công trình làm lún, nứt, kéo nghiêng hai ngôi nhà liền kề, chủ 2 ngôi nhà này phải làm đơn kêu cứu thì Thanh tra Xây dựng thị trấn Thường Tín mới xuất hiện.

Ngày 17/12/2010, Biên bản vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng mới được lập, yêu cầu ngừng thi công, đưa máy móc ra khỏi khu vực móng, và xác định công trình không có giấy phép xây dựng. Có nghĩa, sau hơn 1 tháng, kể từ khi khởi công, công trình cao nhất địa phương mới bị Thanh tra Xây dựng phát hiện không có gấy phép xây dựng nhờ người dân tố cáo vì gây thảm họa cho ngôi nhà của họ.

Nếu không gây lún nứt nhà dân, 2 hộ dân không làm đơn tố cáo, liệu Thanh tra Xây dựng có xuất hiện hay không? Gặp chúng tôi, Giám đốc Vũ Xuân Thủy cho hay, ông đã có hơn 20 năm làm nghề xây dựng, từng tham gia xây dựng rất nhiều công trình trên địa bàn huyện Thường Tín, trong đó có thị trấn Thường Tín. Khi được hỏi, tại sao không có giấy phép xây dựng mà ông đã xây dựng công trình? Ông Thủy đã hồn nhiên: “Tôi cũng không ngờ sự việc lại xảy ra như thế. Tôi hơi chủ quan vì có sự quen biết với chính quyền. Có người bảo tôi cứ làm đi, làm đến đâu thì lo đến đó...”.

Như vậy, không thể không đặt ra đây những câu hỏi: Ông Thủy “quen biết với chính quyền” đến độ nào mà dám tự tin tiến hành xây dựng tòa nhà 10 tầng cao ngất nghểu ở địa phương theo kiểu “làm đến đâu thì lo đến đó”? Chữ “lo” của ông Thủy cần được hiểu như thế nào? Bây giờ, công trình có nguy cơ làm đổ nhà dân, ông Thủy sẽ “lo” sao đây để được xây dựng tiếp? Vì sao, đã gần 1 năm nay mọi việc vẫn “dẫm chân tại chỗ”?

Hà Nội: Dân khổ vì chủ công trình cậy quen chính quyền

Ông Vũ Xuân Thuỷ trả lời phỏng vấn phóng viên VOV

Sống trong sợ hãi

Đó là tình cảnh của 2 gia đình sống trong 2 ngôi nhà liền kề với công trình không phép 10 tầng.

Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ ngôi nhà 3 tầng tại số nhà 67, tiểu khu Trần Phú cho biết: Vợ chồng chị dành dụm cả đời mới xây được căn nhà, ở chưa hết mùi sơn; vậy mà giờ đây tường nhà chị ngày càng xuất hiện nhiều vết rạn nứt. Trước đó một tuần, khoảng cách khe nứt chỉ khoảng 5 - 7cm. Sau trận mưa vừa rồi, khe nứt lên đến 20cm so với tường nhà bên cạnh. Và hiện nay đang là mùa mưa, cứ sau một đêm ngủ dậy, chị và người nhà lại thêm lo lắng về tình trạng nghiêng, lún, nứt ngôi nhà của mình.

Anh Phạm Ngọc Quyên, chủ ngôi nhà số 71 trình bày: “Nền đất ở đây rất yếu, vốn xưa là đầm ao. Ông Thủy ép cọc bê tông quá nhiều. Ông ấy chỉ muốn tốt cho nhà ông ấy; không tính toán đến móng nhà của chúng tôi, làm nhà của chúng tôi nghiêng, nứt, nền nhà bị phồng lên. Mức độ nghiêng của hai nhà ngày càng tăng lên, các thanh sắt chống giữa hai nhà biến dạng ngày càng lớn. Một năm nay, chúng tôi ngày nào cũng sống trong nỗi lo âu, sợ hãi. 8 thanh sắt ông Thủy chống giữa 2 nhà là chỉ có thể đánh lừa trẻ con. Chuyện 2 căn nhà của chúng tôi đổ ập vào nhau là chuyện nhãn tiền. Thiệt hại về kinh tế còn có thể khắc phục, chứ thiệt hại về nhân mạng thì không thể lấy gì khắc phục nổi. Tôi mong ông Thủy cũng như cán bộ chính quyền quan tâm đến vấn đề này?”.

Để chống cho hai nhà khỏi bị đổ, ông Vũ Xuân Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Nam Tiến phải dùng 8 thanh sắt chữ I, rộng khoảng 20cm, đặt nằm ngang, chống sang tường của hai nhà. Hiện tại một số thanh sắt chữ I đã cong vênh, biến dạng do 2 ngôi nhà tiếp tục nghiêng, lún. Cần lưu ý rằng, 2 ngôi nhà 3 tầng của chị Hoa và anh Quyên có trọng lượng mỗi nhà hàng chục tấn, đang có chiều hướng đổ ụp vào nhau... vậy 8 thanh sắt chữ I kia làm sao có thể chống được? Trong khi đó, cùng với những cơn mưa, tình trạng nghiêng lún của 2 ngôi nhà đang ngày một tăng.

Nhận được đơn kêu cứu của 2 hộ dân, UBND thị trấn Thường Tín đã vào cuộc giải quyết. Đã cho ngừng thi công công trình không phép, ra quyết định xử phạt 2 triệu đồng đối với ông Thủy. Tuy nhiên, việc tiến hành giải quyết bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng không phép gây nên đã không thành, do ông Thủy không chấp nhận mức yêu cầu của gia đình bị hại. Đến nay, đã gần 1 năm trôi qua, mọi việc vẫn chưa có hướng giải quyết.

Sau gần 1 năm sống trong sợ hãi và chờ đợi, hai gia đình bị hại đành làm đơn kêu cứu gửi tới cơ quan báo chí. Điều tra của nhóm phóng viên VOV cho thấy, với chính quyền địa phương, đây là “một trường hợp mới đối với công tác trật tự xây dựng trên địa bàn” nên chưa có hướng giải quyết, thực tế đã phải làm công văn xin chỉ thị của cấp trên.

Thực tế cũng cho thấy, để đảm bảo an toàn cho 2 ngôi nhà liền kề, phương án tối ưu vẫn là tiếp tục cho chủ công trình thi công hoàn thành công trình. Nhưng cái khó là tòa nhà 10 tầng này chưa có giấy phép xây dựng, vừa khởi công đã gây họa và đang bị khiếu kiện, cơ quan nào có thẩm quyền cho phép tiếp tục thi công? Còn nếu tiếp tục để nguyên trạng với biện pháp chằng chống tạm thời như gần 1 năm nay thì tai họa ngày một đến gần, phải giải quyết sao đây?

Những cái khó “dở khóc dở cười” kể trên có nguyên nhân cán bộ quản lý trong lĩnh vực xây dựng ở thị trấn Thường Tín không những không làm tốt trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý mà còn có biểu hiện yếu kém trong xử lý vi phạm xảy ra.
Theo Quốc Hưng - Quang Tuấn (Báo TNVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.