31/05/2012 5:08 PM
Với hơn 500 sàn giao dịch bất động sản (BĐS) ở Hà Nội, từ năm 2011 trở lại đây thì có tới 122 sàn ngừng hoạt động, trên 200 sàn không có giao dịch thành công. Sàn có giao dịch thì số lượng cũng rất khiêm tốn chỉ một vài sản phẩm.

Ông Trần Hợp Dũng - Trưởng phòng Quản lý Kinh tế, Sở Xây dựng Hà Nội vừa cho biết thông tin nói trên hôm 31/5 sau khi trực tiếp thu thập, tổng hợp, thống kê từ hai nguồn chính thống là các sàn giao dịch BĐS và cơ quan thuế thuộc 29 quận huyện của Hà Nội.

122 sàn ngừng hoạt động trong số này là những sàn không tìm được địa chỉ, không tồn tại dù đăng ký kinh doanh vẫn còn. Con số giao dịch qua sàn thành công trong năm 2011 và quý I năm 2012 cũng rất khiêm tốn.

Số liệu tổng hợp kết quả khảo sát về giao dịch mua bán BĐS quý I/2012 qua tổng hợp các sàn cho thấy, nhà ở chung cư chỉ có 37 giao dịch thành công; trong khi giao dịch không qua sàn là 842 trường hợp.

Với nhà ở riêng lẻ, biệt thự, liền kề, qua sàn chỉ ghi nhận được 27 giao dịch, trong khi con số không qua sàn là 2.203 trường hợp.

Các giao dịch BĐS không phân bố đều các quận, huyện, mà chỉ tập trung vào một số nơi có hạ tầng đồng bộ hoặc có định hướng, quy hoạch phát triển tốt trong tương lai gần. Tập trung chủ yếu tại 4 quận là Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân và Hà Đông.

Giao dịch mua bán BĐS qua sàn tại Hà Nội hiện nay chưa nhiều. Đa số giao dịch qua sàn là sản phẩm của chủ đầu tư dự án thực hiện. Ở khía cạnh này, các sàn có báo cáo và số liệu tương đối đầy đủ, tuy nhiên giá giao dịch thực tế và giá giao dịch qua sàn khi đối chiếu vẫn có sự chênh lệch giữa giá ký hợp đồng của chủ đầu tư so với giá người mua chấp nhận trả bổ sung cho người bán.

Đối với giao dịch trực tiếp, không qua môi giới thì hầu như không thể lấy được thông tin giao dịch, hoặc có lấy được thì thông tin hoàn toàn không có kiểm chứng và xác nhận. Ngay cả khi có số liệu cụ thể từ các chi cục thuế cung cấp thì độ trễ của thông tin, cũng như tính chính xác của số liệu khác rất xa các số liệu thông tin giao dịch trên thị trường.

Đó là chưa kể, các giao dịch về thuê văn phòng, gồm cả các văn phòng được xếp hạng, văn phòng do các tổ chức, cá nhân cho thuê cũng chưa có đầu mối để tổng hợp số liệu.

Mặc dù nỗ lực đưa ra các con số nhằm phản ánh phần nào bức tranh của thị trường, tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng cũng khẳng định các con số nói trên chưa phản ánh chính xác số lượng giao dịch, diễn biến hoạt động của các sàn trong thực tế. Công tác thu thập, xây dựng số liệu đầu vào gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc.

Đơn cử, số liệu kê khai của các sàn chưa được kiểm chứng; độ trễ của số liệu khi đã giao dịch mua bán BĐS nhưng sàn chưa tổng hợp được hoặc có tổng hợp nhưng chưa gửi báo cáo; nhiều giao dịch mua bán BĐS không phải qua sàn đồng thời chưa tới thời điểm phải nộp thuế nên chưa được ghi nhận tại cơ quan thuế.

Hiện nay trên thị trường có các báo cáo của nhiều hãng tư vấn tiếp thị. Đại diện Sở Xây dựng nhận xét, thông tin đưa ra của các đơn vị này có thể chấp nhận được, song số liệu lại rất hạn chế về khối lượng giao dịch, tính phổ biến và đại diện của sản phẩm BĐS. Đôi lúc, tính chính xác của số liệu cũng bị ảnh hưởng bởi hai hạn chế nêu trên. Vì thế, tiến tới xây dựng chỉ số giá BĐS một cách chính thống và hệ thống đang được các bên có liên quan nghiên cứu, phối hợp xây dựng và thí điểm áp dụng trong thực tế.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.