Sau khi Ngân hàng nhà nước (NHNN) đưa ra thông điệp giảm lãi suất, các ngân hàng lớn đã bắt đầu rục rịch thông báo hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất thực chất mới chỉ dành cho một số đối tượng hẹp và mức giảm cũng được xem là không nhiều. Hiện, nhiều người cho rằng, hành động này vẫn chưa có tín hiệu “mở cửa” cho ngành bất động sản.
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất

Nối gót theo các ông lớn, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc Tế (VIB) vừa công bố dành 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong các ngành gạo, thủy sản, dệt may, gỗ, cà phê… Trong đó, VIB dành 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn trung bình 1,5% so với lãi suất cho vay thông thường, 50 triệu USD cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay với mục đích giải ngân tài trợ vốn lưu động, chiết khấu chứng từ - với tỉ lệ tài trợ cao lên đến 95%. VIB cũng đã thông báo hạ lãi suất cho vay 1% đối với các hộ sản xuất, kinh doanh.

Trước đó ngày 22-2, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã chính thức giảm đồng loạt lãi suất cho vay VND từ 1% đến 1,5%/năm đối với mọi đối tượng khách hàng.

ANZ Việt Nam cũng công bố giảm lãi suất xuống 2%/năm, còn 17,5%/năm đối với các khoản vay mua nhà, thế chấp nhà dành cho khách hàng nộp hồ sơ vay mới từ nay đến hết ngày 31-5 và giải ngân trước ngày 30-6.

Lãi suất cho vay thấp nhất 14,5% một năm là mức lãi suất mà Ngân hàng BIDV công bố tài trợ cho nhóm xuất khẩu, nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng của bão lũ thời gian qua. Còn Vietcombank công bố lãi suất đối với sản xuất kinh doanh là 16%-17% một năm.

Trong khi đó Vietinbank cũng vừa hạ lãi suất thấp nhất từ 16% đến 17% xuống còn 15,5% một năm. Như vậy ở một số ngân hàng này có mức lãi suất cho vay thấp nhất gần như chỉ chênh với lãi suất tiền gửi không nhiều.

Riêng Vietinbank đã tuyên bố hạ lãi suất cho vay đầu tư chứng khoán, bất động sản trước đó là trên 20% thì bây giờ giảm xuống 20% một năm.

Theo một phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tp.HCM, giảm lãi suất cho vay là dấu hiệu đáng mừng để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ làm sao để doanh nghiệp có thể vay được nhiều hay không.

Hạ lãi suất vay: Bất động sản vẫn “hẹp cửa”

Việc giảm lãi suất chưa đủ sức lan tỏa ra toàn hệ thống ngân hàng. Ảnh minh họa


“Ngóng” tín dụng cho bất động sản

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù các ngân hàng lớn đã có động thái giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn vẫn là bài toán khó bởi nhiều lý do: thủ tục, “quan hệ”, điều kiện cam kết. Điều đó lại càng không dễ dàng đối với doanh nghiệp bất động sản.

Vào đầu tháng 3/2011, NHNN có chỉ thị về việc thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó yêu cầu các ngân hàng thương mại phải giảm cả tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay. Lộ trình NHNN đề ra là, đến 30/6, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất (trong đó có chứng khoán và bất động sản) so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31/12 tỷ trọng này tối đa là 16%.

Theo số liệu từ NHNN tính đến hết năm 2011, tỷ trọng dư nợ phi sản xuất toàn hệ thống NHTM ở mức 11,3% (cá biệt một số trường hợp vượt quá 16% nhưng NHNN đã có biện pháp kiểm soát kịp thời). Trong đó tỷ trọng cho vay bất động sản từ 10% giảm xuống 9%, tốc độ tăng trưởng dư nợ vay bất động sản giảm còn 15%.

Từ những số liệu trên có thể cho thấy rằng, để đạt con số như lộ trình đã đề ra, NHNN phải đưa ra chính sách thắt chặt tiền tệ. Chính vì thế, nguồn vốn vào bất động sản hạn chế khiến nhiều dự án bị ngừng trệ.

Cụ thể, trong năm 2011, lãi suất cho vay luôn treo cao ở mức ngất ngưởng từ 20- 25%/năm khiến hàng vạn doanh nghiệp điêu đứng, phá sản và cũng có hàng vạn doanh nghiệp khác đang thoi thóp. Theo nhiều doanh nghiệp, mức lãi suất 15-16%/năm đã là quá sức chịu của họ, nhưng mức lãi suất cho vay lên tới trên 20%/năm thì việc phá sản là khó tránh khỏi.

Với mức lãi suất cao ngất ngưỡng, cũng trong năm 2011, ít nhất hai lần Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “giảm ngay lãi suất” để phục hồi kinh tế, cứu doanh nghiệp. Tuy nhiên, vào cuối tháng 11/2011, trong một lần trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định “Chỉ cần lạm phát duy trì dưới 1% là có cơ sở để hạ lãi suất” nhưng thực tế suốt những tháng cuối năm 2011, tỷ lệ lạm phát đã liên tục nằm dưới mức 1%, nhưng mặt bằng lãi suất vẫn không hề được NHNN kéo giảm.


Bước sang năm 2012, NHNN vẫn giới hạn tỷ lệ dự nợ ở lĩnh vực không khuyến khích (chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng) không quá 16%. Điều này cho thấy “room” cho bất động sản xem như đã cạn.

Nhìn về thực tế, vốn huy động của hệ thống NHTM là vốn ngắn hạn, chủ yếu 3-6 tháng, trong khi tín dụng bất động sản là vốn trung dài hạn 5-10 năm. Nhưng năm nay NHNN đưa ra những yêu cầu về cơ cấu lại nguồn vốn huy động và cho vay, chắc chắn các NHTM sẽ tiếp tục siết lĩnh vực cho vay trung dài hạn, ưu tiên vốn ngắn hạn.

Mới đây, việc hạ lãi suất có vẻ lại được lùi lại chưa biết đến bao giờ khi Thống đốc NHNN tuyên bố: Thanh khoản của hệ thống ngân hàng chỉ có thể giải quyết sớm nhất trong quý 2/2012, thậm chí còn có thể kéo sang cả quý 3/2012. Như vậy, tín dụng bất động sản càng khó có khả năng tăng trưởng cao.

Từ những phân tích trên cho thấy, câu chuyện giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thời gian gần đây cũng giống như hành động trấn an trong bối cảnh ngân hàng liên tục chịu sức ép giảm lãi suất. Và việc mở cửa tín dụng cho bất động sản có xảy ra trong năm nay hay không luôn được các doanh nghiệp “ngóng” từng ngày.

Thảo Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.