Chị Lan Anh, quận Bình Tân cho hay, từ đầu năm đến nay, chị đã đáo hạn 2 lần sổ tiết kiệm 500 triệu đồng, kỳ hạn 3 tháng, lãi suất chỉ 4,6% và giờ quyết định gửi luôn kỳ hạn 12 tháng, hưởng mức lãi 7,2%.
Theo lý giải của chị Anh, đây là tiền nhàn rỗi chẳng dùng làm việc gì, mặt khác các ngân hàng yếu kém đã được xử lý, không còn sợ rủi ro nên quyết định gửi luôn kỳ hạn 9 tháng để được hưởng mức lãi cao gấp rưỡi. "Nếu so với mức lãi gửi kỳ hạn 3 tháng lúc trước, giờ tôi được hưởng tiền lời cao hơn tới 2,6% một năm, tức với 500 triệu, được nhận lãi cao hơn tầm 13 triệu đồng", chị nói.
Tiền gửi tiết kiệm dài hạn đang tăng lên.
Chị Hương, quận 6, TP HCM đang gửi tiền tại một ngân hàng cổ phần có trụ sở trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận cũng cho hay, sau khi sổ tiết kiệm 3 tháng đáo hạn, chị liền gửi luôn 9 tháng, hưởng lãi suất 6,8% một năm. "Lúc đáo hạn sổ, cô nhân viên tư vấn ngân hàng vừa tăng lãi suất kỳ hạn dài khá mạnh. Hơn nữa, lạm phát của Việt Nam năm nay khá thấp nên giá trị tiền đồng ắt được đảm bảo nên tôi quyết định gửi dài", chị chia sẻ.
Sau nhiều tháng liên tục đi xuống, lãi suất huy động tại các ngân hàng bắt đầu đảo chiều tăng hầu hết các kỳ hạn từ cuối tháng 5, tuy nhiên, mức tăng của các kỳ hạn dài cao hơn nhiều so với ngắn. Như tại HDBank, lãi suất kỳ hạn một tháng chỉ tăng 0,3% lên 5%, trong khi đó, nếu gửi kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng mạnh nhất, với bước nhảy 0,5%, tức lên 7% một năm. Eximbank cũng tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 5,4% một năm, kỳ hạn 9 tháng lên 5,6% một năm và kỳ hạn 12 tháng lãi suất tăng mạnh nhất, từ 5,8% lên 6,2% một năm....
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần phía nam cho biết, từ đầu tháng 4 đến nay, người gửi tiền ở nhà băng này có xu hướng dịch chuyển kỳ hạn tiền gửi ngắn hạn 1-3 tháng sang 6-12 tháng. "Đây là điều đáng mừng đối với hệ thống ngân hàng hiện nay. Trước đó, nhà băng có đến 70-80% các khoản tiền gửi chủ yếu ở kỳ hạn 1-3 tháng. Thậm chí, lúc thanh khoản của một số đơn vị căng thẳng, người dân còn gửi tiền theo ngày", ông nói.
Chuyên gia này phân tích, yếu tố đầu tiên tác động lên tâm lý người gửi tiền, là kinh tế vĩ mô đã dần nhìn thấy dấu hiệu ổn định. CPI tháng 5 của cả nước tăng 0,16% so với tháng trước và bình quân năm tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước chỉ tăng 0,83%. "Đây là cơ sở để người dân tin vào khả năng kiểm soát lạm phát và bảo đảm giá trị tiền đồng nên đã gửi kỳ hạn dài hơn", ông nói.
Còn nếu so sự hấp dẫn với USD, hiện nay lãi suất tiết kiệm kỳ hạn sáu tháng giữa VND (tầm 6% một năm) và USD (0,75% một năm), mức chênh lệnh đã lên tới hơn 5% mỗi năm. Trong khi đó, nếu đúng theo cam kết của Thống đốc thì tỷ giá chỉ tăng 2% trong năm.
Với chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước như hiện nay, có cơ sở để tin rằng, mức mất giá của VND so với USD năm nay sẽ không quá lớn, trường hợp bất khả kháng sẽ không vượt quá 3%. Những ưu thế này khiến việc gửi tiền VND hiện nay và ít nhất là đến cuối năm vẫn là kênh sinh lời tốt với những người có tiền muốn cất giữ.