Trước nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng nếu tiếp tục phá dỡ phần sai phép, chủ đầu tư 8B Lê Trực vừa có văn bản gửi Chính phủ và Hà Nội đề xuất thay đổi phương án xử lý sai phạm.
Lo ngại xảy ra sự cố nghiêm trọng nếu tiếp tục phá dỡ
Công ty Cổ phần May Lê Trực vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính Phủ và Bí thư Thành ủy Hà Nội đề xuất giải pháp xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình xây dựng số 8B Lê Trực, Hà Nội.
Theo Ban lãnh đạo Công ty cổ phần May Lê Trực, với những hậu quả khủng khiếp phải gánh chịu trong suốt thời gian qua, Ban lãnh đạo công ty đã nhận thấy rõ lỗi vi phạm trật tự xây dựng của mình.
Công ty cổ phần May Lê Trực xin lỗi Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành của Nhà nước và Thành phố, nghiêm túc thực hiện xin tự phá dỡ phần công trình sai phép sớm hơn quy định.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty này, sau khi xem xét, đánh giá thấy việc phá dỡ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng an toàn chịu lực và tuổi thọ của công trình.
Tòa nhà 8B Lê Trực
Cụ thể, căn cứ vào báo cáo của nhà thầu phá dỡ và thực tế kiểm tra công tác phá dỡ tại công trình cho thấy việc phá dỡ tầng 19 đã gây ra hiện tượng rung chấn rất mạnh đến kết cấu tầng 1 và cả các tầng hầm cũng như toàn bộ hệ thống tường xây gạch, trần, gạch đá ốp lát, hệ khung kính mặt ngoài của công trình đã thi công xong.
“Hiện tượng rung chấn mạnh do quá trình phá dỡ này ảnh hưởng nặng nề đến khả năng an toàn chịu lực và tuổi thọ của công trình còn lại sau khi đưa vào sử dụng, mang đến những nguy cơ gây sự cố nghiêm trọng cho người sử dụng mà không ai có thể lường trước, không thể biết sự cố sẽ xảy ra bất cứ lúc nào.
Hiện tượng rung chấn mạnh này cũng đã gây ra những nguy cơ mất an toàn cho khu cư dân liền kề, xung quanh công trình; nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông và người đi đường Trần Phú trong suốt thời gian phá dỡ” - văn bản của Công ty Cổ phần may Lê Trực nêu rõ.
Công ty Cổ phần may Lê Trực cho biết thêm, công trình vi phạm về số tầng nằm trong quy hoạch khu dân cư đã ổn định, không ảnh hưởng đến các công trình lân cận.
Bên cạnh đó, việc phải phá dỡ phần công trình đã xây dựng hoàn thành gây ra lãng phí của cải vật chất cho xã hội, thiệt hại về mặt kinh tế trong khi đất nước vẫn đang cần nhiều cơ sở phục vụ cho sự phát triển của xã hội.
Với những lý do trên, Công ty cổ phần May Lê Trực đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội xem xét, cho phép được thực hiện một trong 3 phương án.
Phương án 1: Công ty cổ phần May Lê Trực được nhận hình thức xử phạt bằng tài chính như một số các công trình vi phạm trật tự xây dựng khác và cho phép tồn tại phần công trình đã xây dựng không đúng với Giấy phép xây dựng.
Phương án 2: Dừng việc phá dỡ phần công trình vi phạm đang thực hiện để Nhà nước, Thành phố dùng phần công trình xây dựng này vào mục đích công ích có lợi cho cộng đồng hoặc phục vụ công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Phương án 3: Cho phép Công ty cổ phần May Lê Trực được chủ động liên hệ với Hội Chữ Thập Đỏ để dùng phần công trình xây dựng sai phép vào mục đích từ thiện.
“Chúng tôi đã nhận thức rất rõ sai phạm của mình và đang phải trả giá rất đắt bằng những gì khủng khiếp đã, đang trải qua.
Với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại, tập thể cán bộ công nhân viên Công ty CP May Lê Trực chúng tôi tha thiết kính mong Thủ tướng; các đồng chí Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cùng các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan liên quan nhìn nhận, giải quyết sự việc có lý, có tình để chúng tôi có cơ hội sửa chữa sai lầm, khuyết điểm,” - văn bản của Công ty cổ phần May Lê Trực ghi rõ.
Công trình ảnh hưởng tới hàng nghìn lao động
Trong khi đó, tập thể cán bộ công nhân viên, người lao động và các cổ đông của Công ty Cổ phần May Lê Trực cũng đã có đơn cầu cứu trình lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Nội dung đơn cho biết, dự án 8B Lê Trực được thực hiện đến giai đoạn này là kết quả nỗ lực chung của toàn thể cán bộ công nhân viên và hàng nghìn công nhân lao động trực tiếp ngày đêm trên công trường.
Việc dự án bị tạm đình chỉ, cưỡng chế phá dỡ phần diện tích sai phép đã ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, thu nhập đời sống của tập thể cán bộ công nhân viên, gây ra rất nhiều khó khăn trong cuộc sống của công nhân lao động.
“Tương lai của Dự án số 8B phố Lê Trực cũng gắn liền với cuộc sống và tương lai của tập thể cán bộ công nhân viên, lao động Công ty chúng tôi.
Chính vì vậy, tập thể cán bộ công nhân viên, lao động chúng tôi khẩn thiết cầu cứu và kính mong Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các Cơ quan chức năng giải quyết, xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Dự án số 8B phố Lê Trực một cách hợp lý, hợp tình, có lợi cho xã hội, không phải phá dỡ phần vi phạm, bớt lãng phí tài sản vật chất đã được tạo dựng lên.
Đồng thời, chúng tôi mong muốn Dự án số 8B phố Lê Trực sớm được tiếp tục triển khai thi công xây dựng hoàn thành, để giảm bớt những khó khăn về việc làm và thu nhập đời sống cho tập thể cán bộ công nhân viên của toàn Công ty chúng tôi” - đơn đề nghị gửi các cơ quan chức năng của tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động và các cổ đông của Công ty CP May Lê Trực ghi rõ.
VTC News
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.