Cái lí công bằng ở đâu?
Người dân bị mất đất đều hiểu rất rõ cái riêng bị mất có ý nghĩa lớn đối với sự nghiệp chung thì họ vui lòng tham gia vào một vở kịch bi hùng, nhưng cái mất mát riêng lại để công hiến cho lợi ích riêng của người khác thì chỉ còn lại hờn giận trong một vở kịch bi hài.
Việc người dân hiến đất làm đường cho phát triển là câu chuyện thường ngày ở nhiều nơi; nhưng việc người dân bỏ ăn, bỏ ngủ đi khiếu nại khi đất của họ bị thu hồi để cho nhà đầu tư sửa sang đôi chút rồi bán thu lợi cũng là câu chuyện thường ngày ở nhiều nơi.
Pháp luật cũng có thể còn khoảng trống, những hướng dẫn không lấp đầy cũng là một hoàn cảnh, những cái khó chịu hơn là đã có đủ pháp luật nhưng thực thi bị biến dạng. Những câu chuyện thực tế được mô tả cụ thể trong bài viết này.
Nhiều khi tôi cũng bất lực
Một ý tưởng được nhiều người nói đến khi xây dựng Luật Đất đai 2003 là cư xử thế nào với cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Chắc chắn rằng không thể bỏ đi vì sự can thiệp của Nhà nước để lấy đất sử dụng cho các mục đích quốc gia và công cộng là cần thiết. Có 3 loại ý kiến đáng lưu ý: thứ nhất là phải thay thuật ngữ "Nhà nước thu hồi đất" bằng thuật ngữ khác cho hợp Hiến khi quyền sử dụng đất và tài sản trên đất là tài sản của người dân, thứ hai là phải hạn chế việc áp dụng cơ chế này lại chỉ cho những trường hợp vì lợi ích chung, và thứ ba là phải cụ thể hóa nhiều đất để tránh các biến dạng thực tế.
Loại ý kiến thứ nhất không được chấp thuận vì chủ trương đã được xác định, loại ý kiến thứ hai được chấp nhận một nửa vì vẫn còn một số loại dự án có mục đích lợi ích kinh tế được áp dụng cơ chế này, loại ý kiến thứ ba chỉ được thực hiện trên văn bản vì không thể kiểm soát được các biến dạng trên thực tế.
Những người tham gia xây dựng Luật Đất đai 2003 cũng nghe khá nhiều ý kiến từ nhiều khu vực khác nhau, từ chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp. Tôi còn được nghe ý kiến khá nhiều người dân qua điện thoại, thư điện tử về những biến dạng trong cơ chế thu hồi đất. Tôi cũng đã cùng nhiều đoàn đi khảo sát thực tế ở nhiều địa phương để nghe ý kiến từ những người dân bình thường. Những ý kiến buồn vẫn chiếm đa số.
Đến địa phương, tôi gặp một cụ bà, dáng người mòn mỏi với một cặp mắt khô như đã hết nước mắt. Người ta nói rằng cụ sống một mình, con cháu không còn, người con trưởng đã hy sinh ngoài mặt trận, người con thứ bị bệnh nặng rồi cũng ra đi theo anh. Hàng ngày cụ vẫn đi lại thẫn thờ trên đoạn đường có cây xăng đầy xe tấp nập chờ đổ xăng.
Đất để xây dựng cây xăng ấy là một sào đất nông nghiệp cụ được giao vào năm 1993 khi Nhà nước giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình, cá nhân. Cụ được chính quyền ưu tiên nên giao cho mảnh đất tốt ven đường. Cụ đã rất ấm lòng khi miếng cơm, manh áo nhờ vào sào đất ấy. Thế rồi cái ưu ái của chính quyền năm xưa lại trở thành mối họa cho cụ khi một doanh nhân đã nhìn thấy lợi thế của một trạm xăng dựng trên sào đất của cụ.
Mọi thủ tục được doanh nhân này làm rất nhanh chóng, Nhà nước đã quyết định thu hồi sào đất đó để giao cho doanh nhân nọ với mục tiêu hiện đại hóa con đường. Cụ được bồi thường 17.000 đồng cho mỗi mét vuông đất nông nghiệp, tổng số được hơn 6 triệu đồng. Tần tiện ăn hơn một năm là hết. Cụ nói rằng thấy cây xăng còn nhiều đất trống xin đến trồng luống rau ăn thì bị nhân viên ở đó đuổi đi như đuổi tà.
Chính quyền xã không biết làm gì hơn khi được cấp trên hướng dẫn là chính sách như thế thì cứ phải thực hiện. Một số người trong chính quyền thôn, xã hỏi tôi rằng tại sao chính sách không bắt doanh nhân kia phải thuê đất của cụ có hay hơn không?
Tôi trả lời rằng tôi sẽ cố gắng đề xuất thay đổi, nhưng rồi cũng chưa thay đổi được gì...
Những ám ảnh như vậy còn rất nhiều ở các miền quê. Người ở quê mất đất là mất hết. Doanh nhân thì hy vọng giầu lên từ đất. Một dự án có được đất là có tất cả, có đất rồi thì biến báo sau. Lấy đất dễ thì sinh ra đầu tư mạnh, cào tiền ra để đầu tư. Đầu tư nhiều quá làm cho tăng trưởng mạnh nhưng không sinh lợi được thì dồn lại thành tồn kho và nợ xấu. Quy luật này giản dị lắm...
Chuyện một Giáo sư bị thu hồi đất
Gs. TsKh. Nguyễn Hữu Việt Hưng, người có vai vế trong làng toán Việt cũng như làng toán quốc tế đột ngột bị Nhà nước thu hồi đất, trên đường Quan Nhân để phục vụ dự án "Dự án xây dựng Tổ hợp Trung tâm thương mại và Văn phòng cho thuê".
Gs. Nguyễn Hữu Việt Hưng tại Hội nghị Tôpô Đại số Đông Á lần thứ tư tháng 12/2011 tại Tokyo
Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận Thanh Xuân đã quyết định áp dụng giá đất 18.360.000 đồng/1m2 để tính giá trị bồi thường cho khu vực đường Lê Văn Lương. Theo quy định của pháp luật thì giá đất để tính bồi thường phải xác định căn cứ vào giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại địa phương (Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27/07/2007).
Người dân đã tự đi khảo sát giá đất ở khu vực đường Lê Văn Lương tại các văn phòng giao dịch bất động sản, xem giá trên báo mua và bán, hỏi giá tại các nơi Nhà nước tổ chức đấu giá đất, v.v. kết quả cho thấy giá đất khu vực này biến động từ 100 tới 250 triệu đồng/1m2, cao yới 10 giá đất được Hội đồng đưa ra.
Thấy vô lý, Giáo sư phải bỏ toán học đấy mà đi khiếu nại. Đơn khiếu nại được nộp lên quận ngày 29/09/2011 nhưng mãi tới 25/07/2012 ông Chủ tịch mới ban hành quyết định giải quyết, muộn hơn thời hạn pháp luật quy định tới hơn 8 tháng. Tất nhiên, quyết định giải quyết là Nhà nước (UBND quận) đúng và dân sai.
Điều đáng nói, dự án trên đã nhiều lần đổi chủ đầu tư, đổi thiết kế, dân không biết gì về điều chỉnh quy hoạch, đất đã nhận từ 2004 nhưng vẫn bỏ hoang...
Muốn đất thì có đất, nhưng đầu tư thì không làm, dự án đến nay vẫn đắp chiếu, hàng rào bằng tôn quây kín phía ngoài, bên trong cỏ mọc um tùm, lán trại công trường hoang phế.
Chắc chắn, Hà Nội không phát triển hơn vì dự án này và cũng không lạc hậu đi vì không có dự án này. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ra Văn bản số 2255/BC-STNMT-KHTH ngày 18/6/2012 kiến nghị thu hồi lại đất của dự án.
Hai năm nay, khu đất 4.6 NO của Công ty cổ phần Sông Hồng được quây rào, bỏ hoang
Bất bình đông người, vì sao?
Câu chuyện thu hồi đất cho các dự án nhỏ như trường hợp của Gs. Hưng trên kia cho thấy rằng có nhiều vô lý cả về pháp luật lẫn tình người.
Đất nước không phát triển nhanh hay chậm vì các đóng góp nhỏ nhoi đó. Từ một góc nhìn khác, rõ ràng đất nước đang cần tới các dự án lớn tạo nên bước phát triển thực sự về đô thị, công nghiệp, hạ tầng.
Nhà nước can thiệp về đất đai là có lý và cách can thiệp cũng phải có lý.
Việc thu hồi đất để phát triển các khu đô thị, gắn với thị trường bất động sản, đang làm ra bất bình đông người rất đáng quan tâm. Từ xưa tới nay, pháp luật quy định được áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất để phát triển đô thị, điều này là hợp lý vì có tác động tích cực vào quá trình phát triển đất nước. Tại rất nhiều khu đô thị mới phát triển, khiếu kiện đông người và dài ngày đang tồn tại. Vụ việc Văn Giang, Dương Nội, v.v. đang là điểm nóng hiện nay.
Khi đông người khiếu kiện cũng phải có lý ở một góc nhất định vì Nhà nước làm mà chưa đạt được sự đồng thuận của cộng đồng. Có thể đa số người dân không đồng ý với quyết định thu hồi đất thì công tác dân vận sẽ giúp để có được sự đồng thuận của dân.
Công tác dân vận phải bắt đầu từ quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, tiến độ triển khai, trình tự thực hiện, v.v. Sau đó, điều quan trọng hơn, sự không đồng thuận của người bị mất đất là đã nhận xong tiền bồi thường, hỗ trợ thì không còn liên quan tới các dự án đầu tư nữa. Điều này có nghĩa là người có đất phải ra đi sau khi nhận tiền, còn nhà đầu tư đi vay tiền của các tổ chức tín dụng, có đất do Nhà nước thu hồi rồi giao cho thì là chủ tất cả các lợi ích thu được từ dự án đầu tư. Cách bồi thường bằng tiền một lần như vậy là không hợp lý, làm nên sự không đồng thuận của cộng đồng.
Như vậy, trong những trường hợp buộc phải thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất thì sự tham gia của cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng. Người có đất phải được tham gia dự án đầu tư, phải là một vế của động lực phát triển địa phương. Sự đồng thuận như vậy cũng điều kiện an ninh đối với môi trường trường đầu tư.
Còn nữa