GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Ảnh: ĐT
Đó là nhận định của GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Trong cuộc trao đổi với CafeLand, ông Võ cho rằng với nhu cầu nhiều như hiện nay, phân khúc bất động sản giá thấp sẽ có cơ hội ấm lại, thậm chí sẽ có bước phát triển đáng kể trong năm 2014.
Ông có đánh giá gì về thị trường bất động sản trong năm 2013?
Năm 2013 là năm mà thị trường bất động sản khu vực giá thấp phát triển khá tốt. Một mặt nhà là ở xã hội đang lên, một mặt là nhà ở thương mại giá rẻ cũng được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Số lượng người dân có đủ tiền và còn tiền để mua nhà ở dạng này tăng lên rất nhiều. Tính mua thực tế trên thị trường đó là điểm quan trọng nhất của năm 2013.
Tất nhiên năm 2013 cũng có việc giải ngân gói 30 nghìn tỷ để hỗ trợ cho khu vực nhà giá thấp thì chúng ta làm chưa thành công. Cụ thể là mới giải ngân được hơn 1%, còn rất nhiều việc chúng ta chưa đề cập đến.
Còn đối với khu vực giá cao thì thị trường, số lượng bất động sản tồn đọng còn nhiều. Chúng ta sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh giải quyết kho tồn đọng đó. Nhưng có lẽ việc này phải tiếp tục thực hiện vào năm sau.
Theo ông, hiện nay các nhà đầu tư có nên quay lại thị trường hay chưa? Và nếu có thì nên trở lại từ phân khúc nào?
Tôi cho rằng thị tường bất động sản hiện nay đang có rất nhiều nhà đầu tư đang đầu tư chứ không bế tắc đến mức mà không có chỗ nào để đầu tư. Như vậy chỉ có vấn đề là chúng ta quay lại và đầu tư như thế nào.
Hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư ưa chuộng phân khúc giá thấp vì khu vực này có sức hấp dẫn, sức tăng khá mạnh vào năm sau do nhiều người có nhu cầu. Còn việc quay lại phân khúc giá cao và quay lại như thế nào có lẽ phải đợi vào năm sau.
Nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, đầu tư vào phân khúc giá thấp lợi nhuận sẽ rất ít, thậm chí là không có lợi nhuận?
Tâm lý của các nhà đầu tư Việt Nam đã quen đầu tư vào khu vực giá cao, mật độ vốn cao và tất nhiên lợi nhuận cũng nhiều. Còn đầu tư vào khu vực giá thấp thì mật độ vốn không cao, lợi nhuận thu được cũng giảm hơn. Nhưng chúng ta cũng phải quen với việc đầu tư này vì ở mức độ đó nó mới bền vững chứ nếu mà thị trường luôn đạt được siêu lợi nhuận thì chắc chắn thị trường như thế là không bền vững.
Thị trường bất động sản cả nước nói chung và phía Nam nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, theo ông chúng ta cần những giải pháp căn cơ nào cho tình trạng này?
Hiện nay cái khó khăn nằm ở khu vực giá cao với tồn đọng bất động sản khá nhiều. Vì thế nên thời gian tới chúng ta phải tăng được cầu cho khu vực giá cao. Điều này đã được Bộ Xây dựng nghiên cứu và đề xuất 1 số giải pháp như đồng ý cho chia lô bán nền ở một số chỗ, trình Dự thảo Luật Nhà ở về việc mở rộng thị trường cho người nước ngoài. Đó là những giải pháp tác động từ nhiều phía để chúng ta có thể giải quyết được kho tồn đọng dạng này.
Vậy còn nhà đầu tư thì sao, họ cần làm gì?
Một trong những điều mà các nhà đầu tư cần thiết phải nghiên cứu đó là sức mạnh của công nghệ. Chúng ta phải đổi mới công nghệ, đổi mới vật liệu, đổi mới công nghệ quản lý. Đó là một trong những giải pháp mà chúng ta phải làm để nó có cơ hội giảm giá thành nhà hơn nữa. Khi giá thành giảm bằng việc thực hiện các giải pháp công nghệ thì chúng ta sẽ đạt được những hiệu quả khá cao về việc phát triển thị trường.
Các nhà đầu tư cũng phải cùng nhau tìm cách tăng niềm tin cho thị trường. Việc niềm tin vào thị trường tăng hay không tăng là nằm chính ở các nhà đầu tư. Nhà đầu tư giữ chữ tín, giữ được thương hiệu, nhà đầu tư mà tính đến chuyện lâu dài thì đó là những động thái làm cho niềm tin vào thị trường tăng lên.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cần quan tâm đến việc tái cấu trúc thị trường thông qua tái công trúc doanh nghiệp sao cho sức cạnh tranh cao hơn, phương pháp kinh doanh chuyên nghiệp hơn. Nhà đầu tư cũng phải có những “thủ pháp” riêng về đầu tư bất động sản. Các nhà đầu tư ở nước ta thường không chuyên nghiệp, chính vì vậy việc tái cấu trúc thị trường trong đó có việc hoàn chỉnh ngay các doanh nghiệp bất động sản là việc làm quan trọng.
Cuối cùng, Giáo sư có nhận định gì về thị trường bất động sản năm 2014?
Tôi cho rằng 2014 khu vực giá thấp có cơ hội phát triển, còn toàn bộ thị trường thì cũng phải đến năm 2015. Vì khu vực giá cao cũng phải đến năm 2015 mới có thể đẩy được kho hàng tồn đọng. Nếu nhận định chung về thời điểm thị trường ấm lại thì rất khó vì hiện nay thị trường chia làm 2 phân khúc rõ rệt là phân khúc giá thấp và phân khúc giá cao. Phân khúc giá thấp sẽ có cơ hội phát triển, sẽ ấm lại và thậm chí sẽ có bước phát triển nhất định rất đáng kể. Còn khu vực giá cao thì chúng ta sẽ phải chờ một năm nữa.
Cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi này.