01/01/2017 8:30 PM
“Về vấn đề cao ốc tràn nội đô thì câu chuyện chính vẫn là chúng ta phải xem xét lại ai và khi nào thì được điều chỉnh quy hoạch? Pháp luật phải quy định rành mạch, ai điều chỉnh quy hoạch không đúng Luật, cần phải xử lý nghiêm khắc”.

Giáo sư Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT) đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với Dân Việt xung quanh vấn đề ngày càng có nhiều cao ốc mọc tràn lan trong nội đô, gây gánh nặng về hạ tầng giao thông và nhiều hệ lụy khác.

Thưa GS, hiện nay, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM có thực trạng nhiều tòa nhà chung cư, cao ốc liên tiếp mọc lên trên những tuyến phố có mật độ phương tiện giao thông đông đúc, gây nên cảnh tắc đường thường xuyên. Vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề cập tới trường hợp hàng loạt chung cư 50 tầng đang xây dựng ở ngay khu trung tâm Giảng Võ sẽ gây hậu quả ùn tắc giao thông nhãn tiền. Theo GS, đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này?

- Đây là câu chuyện về vấn đề quy hoạch của chúng ta. Quy hoạch hiện nay đang rất mất cân đối, không bảo đảm được sức tải của không gian. Trong vấn đề này, có biểu hiện là chúng ta chiều theo ý của nhà đầu tư nhiều hơn là bảo vệ cảnh quan đô thị của Hà Nội. Chính vì vậy, có những nơi ở Hà Nội chúng ta chất tải khu chung cư quá nhiều.

Ví dụ như trục đường Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy - Trần Duy Hưng. Tiếp đó, khu vực Mỹ Đình cũng là một khoảng không gian chúng ta để xảy ra tình trạng chất tải dân cư quá lớn. Ngoài ra, chúng ta còn không bảo đảm được các yếu tố về hạ tầng, xã hội như trường học, bệnh viện... Ngay cả không gian mang tính môi trường cũng không bảo đảm cho cư dân sinh sống tại khu vực đó.

Nhà đầu tư muốn có đất để xây nhà chung cư rồi bán. Và chỉ có kinh doanh chung cư, nhà ở mới có thu được nhiều lãi. Trong hoạt động kinh doanh chung cư, nhà ở lại xuất hiện nhiều chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng hạ tầng, bảo đảm hệ thống cấp thoát nước, chất lượng nước, không khí, cây xanh...

Điều này thể hiện sự yếu kém trong cách điều chỉnh quy hoạch của chúng ta. Nhiều khi quy hoạch chúng ta làm tốt, nhưng tới quá trình triển khai, điều chỉnh quy hoạch, chúng ta lại chiều theo mong muốn, ý định của nhà đầu tư. Nhiều trường hợp, chúng ta cắt đi khá nhiều không gian công cộng, dẫn tới không đảm bảo về hạ tầng, môi trường. Chính vì vậy, không gian và sức chịu tải ở nhiều khu chung cư quá lớn, không đảm bảo được điều kiện sống cho người dân và giao thông đô thị.

Tóm lại, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do trong quá trình điều chỉnh quy hoạch, chúng ta chiều theo lợi ích riêng của các nhà đầu tư nhiều hơn lợi ích chung của thành phố.

Vậy thưa ông, những nhà quản lý cần quan tâm tới vấn đề gì khi cấp phép, điều chỉnh quy hoạch các dự án xây dựng chung cư cao tầng của thành phố?

- Thực tế, trong một số Luật mới được ban hành gần đây, đã có những quy định mới khá chặt chẽ trong việc điều chỉnh quy hoạch. Ví dụ như Luật Đất đai mới ban hành năm 2013, chúng ta cũng có những quy định về điều chỉnh, trường hợp nào được điều chỉnh quy hoạch, trường hợp nào không.

Và chúng ta chỉ chấp nhận những hợp nào có thay đổi lớn về chủ trương phát triển, những trường hợp bất khả kháng về mặt thiên tai, địch họa. Còn với những đề xuất điều chỉnh của nhà đầu tư mà không liên quan tới những thay đổi chiến lược, chủ trương phát triển thì không được điều chỉnh.

Nhưng rất tiếc là Luật Quy hoạch đô thị ban hành năm 2009, trong đó có nhắc tới những trường hợp được điều chỉnh quy hoạch lại không sát với thực tế cuộc sống và sự phát triển của chúng ta hiện nay.

Đáng lẽ, chúng ta cần có những điều chỉnh về Luật để phù hợp với sự phát triển của cuộc sống hiện nay. Đặc biệt, đó là vấn đề khi nào được điều chỉnh quy hoạch? Đây là vấn đề quan trọng nhất. Nếu chúng ta vẫn cứ chiều theo ý nhà đầu tư để điều chỉnh quy hoạch thì vấn đề này sẽ còn phức tạp.

Tôi nghĩ chúng ta cần kiện toàn lại quy định của pháp luật về điều chỉnh quy hoạch. Đây là một điều rất cần thiết. Nó phải theo tinh thần của những Luật mới hiện nay, đặc biệt trong dự thảo Luật Quy hoạch hiện nay làm rất rõ vấn đề điều chỉnh quy hoạch. Nhưng Luật này hiện chưa được Quốc hội thông qua, nên chúng ta chưa thể áp dụng được.

Câu chuyện khi nào được điều chỉnh quy hoạch vẫn là câu chuyện chính chúng ta cần phải xem xét. Pháp luật phải quy định rành mạch, ai điều chỉnh quy hoạch không đúng Luật, cần phải xử phạt nghiêm khắc. Lúc đó mới có thể hạn chế được những trường hợp điều chỉnh quy hoạch không tốt trong thời quan qua, tạo ra sự bất hợp lý trong phân bổ dân cư của thành phố.

Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương, đặc biệt TP.HCM và Hà Nội cần nghiêm túc rà soát lại nhằm chấn chỉnh kịp thời vấn đề quy hoạch, quản lý xây dựng các tòa nhà cao tầng trong nội đô. Ông đánh giá thế nào về chỉ đạo của Thủ tướng trong bối cảnh hiện nay?

- Tất nhiên đó là một chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng, nhưng vẫn hơi muộn. Đáng lẽ, chỉ đạo này phải được đưa ra từ những nhiệm kỳ trước rồi bởi tình trạng quá tải dân cư, tạo ra sự bất hợp lý trong cảnh quan, kiến trúc đã xảy ra ở nhiều nơi bên trong hai thành phố Hà Nội và TP.HCM rồi. Dù vậy, chúng ta vẫn có thể đây là một chỉ đạo tốt của Thủ tướng Chính phủ, rất cụ thể, rất đúng. Giúp xóa bỏ tình trạng điều chỉnh quy hoạch vô lý và bừa bãi hiện nay.

Người dân rất bức xúc trước tình trạng các tòa cao ốc, khu đô thị liên tục mọc lên toàn ở trên các tuyến phố chật hẹp, khu vực có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông đúc… Đó là sự vô tình hay phải chăng đó là triết lý kiến trúc của riêng Hà Nội?

- Vấn đề này tôi đã nói ở trên, khi có quá đông người và phương tiện như vậy, không gian bị quá tải. Điều này dẫn tới tình trạng ách tắc giao thông, nơi ở của người dân cũng không đảm đảo được một số điều kiện sống, môi trường bị ô nhiễm, sức khỏe của cư dân không được đảm bảo.

Rồi sẽ còn phát sinh nhiều vấn đề nữa về mặt xã hội như việc chúng ta không quản lý được hết dân cư tại đó, không thể bảo đảm cho họ điều kiện về hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện có đủ hay không? Rồi con em trong các gia đình sinh sống ở khu vực bị quá tải đó sẽ phải học trái tuyến. Hiện nay, câu chuyện học trái tuyến, học không đúng khu vực vẫn là những vấn đề phải có tiền mới giải quyết được.

Đặc biệt, tôi thấy triết lý kiến trúc của Hà Nội đang bị phá vỡ quá nhiều. Trong khu vực nội đô, chúng ta không nên cho phép xây dựng nhà cao tầng để bảo đảm kiến trúc cũ của Pháp, bởi đó là một phần lịch sử Hà Nội. Nhưng những ngôi nhà cổ từ thời Pháp đã bị phá bỏ ở nhiều nơi, đó là minh chứng cho việc thiếu sát sao trong quản lý từ trước tới nay. Rất nhiều lần câu chuyện này bị đưa lên phê phán trên các mặt báo, nhưng rồi nó vấn tiếp tục lặp lại.

Xin cảm ơn Giáo sư.

Hoàng Thắng (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.