GPBank là ngân hàng lận đận trong việc tái cơ cấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước
Nguồn tin cho biết, hiện đối tác đang còn đàm phán về giá, nhưng quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là không được bán quá rẻ. Theo đó, nếu thương vụ này thành công, GPBank sẽ có thêm cổ đông.
Tuy nhiên, danh tính đối tác hiện vẫn chưa được tiết lộ, nhưng nguồn tin khẳng định đây sẽ là một cổ đông lớn có tiềm năng, bên cạnh việc bổ xung thêm nguồn vốn cho ngân hàng, đối tác này có thể hỗ trợ cho hoạt động của GPBank tốt lên.
Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, hiện cổ đông chiến lược đối với một tổ chức được sở hữu 20%, một nhóm là 30% còn muốn nhiều hơn thì phải đợi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
GPBank là một trong 9 ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu vào năm 2012, nên có lẽ, lượng sở hữu cổ phần của cổ đông chiến lược sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Phước Thanh cho biết sẽ mua lại với giá 0 đồng nếu ngân hàng này không có phương án khắc phục tình trạng âm vốn của mình.
Trước đó, GPBank thu hút sự quan tâm của thị trường do có thông tin bán 100% cổ phần cho đối tác nước ngoài là ngân hàng UOB đến từ Singapore. Tuy nhiên, đến đầu năm 2015, phương án này đã gián tiếp được thông báo là không đi đến hồi kết.
Đối tác nước ngoài đến từ Malaysia cũng không chốt phương án sẽ mua lại ngân hàng này.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước có gửi công văn đến LienVietPostBank đề nghị ngân hàng này xem xét nhận GPBank vào hệ thống, tuy nhiên lãnh đạo ngân hàng này đã từ chối với lý do đang còn phải đầu tư vào hệ thống sau khi sáp nhập với Công ty dịch vụ tiết kiệm bưu điện.
Đây là ngân hàng lận đận trong việc thực hiện tái cơ cấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Hiện GPBank đang được Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ.