Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán DLG) thông báo vừa hoàn tất các thủ tục pháp lý, chuyển nhượng thành công một công ty thành viên tại Hồng Kông có nhà máy ở Trung Quốc.
Theo đó, Đức Long Gia Lai chuyển nhượng thành công toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited (gọi tắt Công ty Mass Noble) cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Alpha Seventrụ sở chính tại TP. Thủ Đức, TP.HCM với trị giá 255 tỷ đồng.
Trụ sở Tập đoàn Đức Long Gia Lai tại TP Pleiku.
Mass Noble từng được Đức Long Gia Lai mua lại vào tháng 5/2015 thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu để trở thành Công ty mẹ của Mass Noble Investments Limited, nắm giữ đến 97,73% vốn điều lệ.
Mass Noble có trụ sở tại Road Town, quần đảo Virgin Islands thuộc Anh. Ngành nghề chính là sản xuất linh kiện điện tử, đây là nhà máy sản xuất quy mô lớn được xây dựng trên khuôn viên 50.000m2, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Đức Long Gia Lai cho biết, mục đích của việc chuyển nhượng này nằm trong lộ trình tái cấu trúc toàn diện của doanh nghiệp, thông qua hình thức chuyển nhượng các dự án, tài sản không hiệu quả, nhằm giảm chi phí tài chính doanh nghiệp, tạo tiền đề để Đức Long Gia Lai phát triển nhanh và bền vững.
Toàn bộ số tiền thu được từ việc chuyển nhượng này được dùng để tất toán dứt điểm nợ tại Ngân hàng Sacombank và trả một phần tại Ngân hàng BIDV.
Hiện tại, Đức Long Gia Lai đã tất toán toàn bộ khoản nợ tại Sacombank với số tiền hơn 650 tỷ (bao gồm gốc và lãi). Đây là khoản vay từ nhiều năm qua tại Sacombank. Do vậy, Sacombank đã quyết định miễn giảm toàn bộ tiền lãi phát sinh và lãi quá hạn cho Đức Long Gia Lai với tổng số tiền lên tới 420 tỷ đồng.
Thặng dư từ việc chuyển nhượng vốn góp cùng với số tiền lãi được miễn, giảm sẽ được hoàn nhập dự phòng và ghi nhận lợi nhuận trong năm 2024, 2025 cho Đức Long Gia Lai.
Việc chuyển nhượng thành công nhà máy tại Trung Quốc, cùng với tất toán xong toàn bộ các khoản vay tại Sacombank, được xem là động thái tích cực của HĐQT đã cam kết với cổ đông, nhà đầu tư trong quá trình tái cấu trúc toàn diện.
Dự kiến đến 31/12 năm nay Đức Long Gia Lai trả trên 40% nợ quá hạn; đồng thời quyết tâm thu nợ trên 70% từ các đối tác, khách hàng (hoặc yêu cầu các đối tác phải có tài sản đảm bảo).
Trong năm 2025, doanh nghiệp sẽ thu hết số nợ còn lại từ các đối tác, khách hàng và huy động các nguồn khác để trả sạch nợ còn lại tại Ngân hàng BIDV.
Đức Long Gia Lai từng là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu tại khu vực Tây Nguyên. Công ty này hoạt động đa ngành ở nhiều lĩnh vực như gỗ, bất động sản, phân bón, năng lượng tái tạo, linh kiện điện tử, thu phí BOT...
Năm 2020, doanh nghiệp này lỗ ròng hơn 900 tỷ đồng. Lợi nhuận của họ trở lại số dương một năm sau đó, nhưng 2022 tiếp tục báo lỗ hơn nghìn tỷ. Thời điểm này đơn vị kiểm toán bắt đầu đưa ra ý kiến ngoại trừ, chủ yếu quanh việc thu hồi các khoản phải cho vay và khả năng hoạt động liên tục khi nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn.
Nửa đầu năm nay, ý kiến ngoại trừ tiếp tục được đưa ra khi Đức Long Gia Lai còn lỗ lũy kế hơn 2.600 tỷ, nợ ngắn hạn vượt tài sản hơn 800 tỷ và có hơn 2.300 tỷ đồng nợ phải trả, các khoản vay quá hạn thanh toán.
Trong thông báo gửi đến Đức Long Gia Lai hồi tháng 10, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã lưu ý công ty này về khả năng hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu DLG, nếu báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 tiếp tục có ý kiến kiểm toán ngoại trừ.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024, Đức Long Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần hơn 220 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, công ty ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước lên 180 tỷ đồng. Trong đó, gần 130 tỷ đồng đến từ việc thoái vốn công ty con.
Tính đến cuối tháng 9/2024, tổng tài sản của công ty xấp xỉ 4.860 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu kỳ. Phải thu về cho vay ngắn hạn chiếm 2.020 tỷ đồng trong cơ cấu tài sản của công ty. Nợ phải trả giảm từ 4.524 tỷ đồng hồi đầu năm xuống 4.216 tỷ đồng, trong đó phần lớn là mục ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 643 tỷ đồng, lỗ lũy kế còn 2.565 tỷ đồng.
-
Cổ phiếu Đức Long Gia Lai bị cảnh báo nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc
HoSE cảnh báo cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc, nếu báo cáo kiểm toán năm nay tiếp tục có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán.
-
Doanh nghiệp ông Trần Bá Dương trả HAGL hơn 1.000 tỷ đồng để thanh toán nợ trái phiếu
Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG) vừa báo cáo về việc trả bớt nợ trái phiếu phát hành năm 2016.
-
Một doanh nghiệp bị xử phạt do vi phạm về thuế, có tình tiết tăng nặng
Ngày 29/12, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm chủ tịch HĐQT thông báo việc đã nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính từ Cục Thuế tỉnh Gia Lai.
-
Con gái bầu Đức muốn mua 1 triệu cổ phiếu HAG
Bà Đoàn Hoàng Anh, con gái Bầu Đức, vừa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu HAG trong bối cảnh mã này tăng gần 20% ba tháng qua.