Theo báo cáo mang tên Ý tưởng đầu tư 2022, Goldman Sachs cho biết cổ phiếu mang lại cơ hội tốt nhất để vượt qua lạm phát, đồng thời khuyến khích nhà đầu tư nên giữ vững niềm tin vào thị trường này.
Theo ngân hàng này, các cổ phiếu có tính chu kỳ đặc biệt được hưởng lợi khi giá cả tăng. Chúng thường tăng trưởng tốt nhất khi nền kinh tế hoạt động tích cực hoặc đang phục hồi sau khủng hoảng.
Khi lạm phát tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong gần 40 năm qua, các nhà đầu tư đang đánh giá lại các chiến lược tạo ra lợi nhuận. Sau hai năm khi mà giá cả của hầu hết mọi thứ, từ chứng khoán đến tiền mã hóa và bất động sản đều tăng vọt, triển vọng tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang làm xáo trộn thị trường chứng khoán và khơi mào cho một cuộc săn lùng các cơ hội mới.
Goldman Sachs cũng ủng hộ cổ phiếu trong các lĩnh vực như bất động sản và cơ sở hạ tầng, vì giá trị của các hợp đồng mua bán và hợp đồng thuê thường tăng khi lạm phát gia tăng. Thay vì bỏ tiền mặt vào các quỹ chỉ số, thường có giá thấp hơn, ngân hàng này khuyên nhà đầu tư nên rót vốn vào các quỹ quản lý tích cực.
Goldman Sachs cho biết trong báo cáo: “Các nhà quản lý quỹ có thể nghiêng về các công ty mà phần nào được “phòng ngừa” trước lạm phát hoặc có triển vọng hưởng lợi từ việc giá cả tăng. Việc lựa chọn các tập đoàn sản xuất năng lượng, các công ty có chi phí lao động thấp và chuỗi cung ứng linh hoạt… ở thời điểm hiện tại có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn so với chiến lược theo dõi điểm định chuẩn”.
Theo ngân hàng này, cổ phiếu tại thị trường châu Âu, Nhật Bản và các thị trường mới nổi có thể là một lựa chọn tốt, vì chúng hiện đang rẻ hơn so với tiềm năng tăng trưởng doanh thu. Đây là sự thay đổi so với hiệu suất năm 2021 khi S&P500 tăng 27%, còn chỉ số MSCI của châu Âu tăng 25% và chỉ số MSCI tại các thị trường mới nổi giảm 5%.
Goldman Sachs cho biết trong năm nay, mức tăng lợi nhuận tại Mỹ có thể khiêm tốn hơn do định giá cổ phiếu tại thị trường này quá cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở thị trường mới nổi thường có mối liên hệ nhiều hơn với lĩnh vực hàng hóa, giúp bảo vệ họ khỏi lạm phát tốt hơn.
Goldman Sachs cho biết các công ty ở Trung Quốc cũng vẫn hấp dẫn, bất chấp các chính sách hạn chế của chính phủ trong năm qua đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Các cam kết giảm lượng khí thải carbon cũng những đổi mới trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe là những mặt tích cực cho thị trường của đất nước tỷ dân.
“Tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc khiến thị trường này quá lớn và quá quan trọng khiến nhà đầu tư không thể bỏ qua. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn thiếu quan tâm đến việc phân bổ vốn vào Trung Quốc, quốc gia được dự báo sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030”, Goldman Sachs cho biết.
-
Quỹ VinaCapital: Năm 2022 sẽ đặc biệt tập trung vào cổ phiếu ngân hàng, bất động sản
Trong báo cáo “Nhìn về phía trước” năm 2022 (Looking Ahead at 2022) vừa mới công bố, VinaCapital đánh giá năm 2022 sẽ là một năm tốt lành nữa cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
-
VinaCapital muốn bán ra toàn bộ 23.425 cổ phiếu Nhà Khang Điền
Công ty cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital đăng ký bán ra toàn bộ 23.425 cổ phiếu KDH để giảm sở hữu về 0 cổ phiếu.
-
Vinhomes chính thức hủy đăng ký gần 247 triệu cổ phiếu VHM từ 17/12
Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) đã thông báo về việc hủy đăng ký cổ phiếu của Công ty CP Vinhomes (mã chứng khoán VHM) do giảm vốn điều lệ.
-
"Chê" PwC không đáp ứng yêu cầu, Novaland “chia tay” sau 9 năm hợp tác
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã chứng khoán NVL) công bố thông tin về việc thay đổi đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2024.