Những cơ chế ưu đãi cũng như chế tài ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư tư nhân tại 8 dự án theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) cao tốc Bắc -Nam phía Đông sẽ sớm được cụ thể hóa bằng một nghị quyết của Chính phủ.

Chốt lợi nhuận cho nhà đầu tư

Có khá nhiều quy định đã nhận được sự đồng thuận cao của các bộ, ngành trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về triển khai Dự án Đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa được Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) ký trình Thủ tướng Chính phủ (phiên bản tháng 3).

Theo đó, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong tổng vốn đầu tư tại 8 phân đoạn cao tốc Bắc Nam dự kiến đầu tư theo hình thức PPP được Bộ GTVT bảo lưu ở mức 20%, thay vì 25% như kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước.

Đây cũng là tỷ lệ vốn chủ sở hữu được đề cập trong Dự thảo Nghị quyết được Bộ GTVT trình Chính phủ vào cuối tháng 1/2018 (phiên bản tháng 1).

Bộ GTVT cho biết, trong quá trình lấy ý kiến, tỷ lệ vốn chủ sở hữu 20% trong tổng vốn nhận được sự đồng thuận của 2 bộ Tư pháp, Tài chính, trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, không nên nâng quá cao yêu cầu về vốn chủ sở hữu, do sẽ kéo dài thời gian thu giá dịch vụ và hạn chế khả năng đáp ứng của các nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT), tại cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết vào cuối tháng 2/2018, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thống nhất tỷ lệ 20%, không điều chỉnh lên 25% theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Được biết, theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư dự án BOT. Trong thời gian qua, một số ngân hàng thường đã yêu cầu tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu là 20% tổng vốn đầu tư.

“Về bản chất, việc nâng tỷ lệ vốn chủ sở hữu càng cao sẽ đảm bảo dự án càng khả thi về huy động vốn tín dụng, nhưng dẫn đến tăng chi phí vốn đầu tư do tỷ suất lợi nhuận đối với vốn chủ sở hữu thường cao hơn lãi vay ngân hàng”, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết.

Dù còn một ý kiến chưa đồng thuận, nhưng trong đề xuất mới nhất, Bộ GTVT đề nghị bảo lưu tỷ lệ về mức lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.

Theo Quyết định số 3535/QĐ-BGTVT về việc công bố danh mục dự án xây dựng một số tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 104.079 tỷ đồng, trong đó, phần vốn đầu tư nhà nước là 40.362 tỷ đồng.
Tám dự án này gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến cao nhất là Phan Thiết - Dầu Giây, dài 98km, với 19.571 tỷ đồng, vốn đầu tư nhà nước là 5.551 tỷ đồng. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến thấp nhất là Nha Trang - Cam Lâm, dài 29km với 5.131 tỷ đồng, vốn đầu tư nhà nước 2.532 tỷ đồng.

Cụ thể, mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khi tính toán phương án tài chính để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư ở mức lợi nhuận trung bình trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư ở các dự án BOT đường bộ đã triển khai trong thời gian qua. Mức lợi nhuận chính thức của nhà đầu tư sẽ được xác định chính xác thông qua đấu thầu cạnh tranh.

Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc tham chiếu với các dự án tương tự để xác định lợi nhuận như vậy là không đảm bảo tính khách quan, khoa học, do đó, về lâu dài, cần phải xây dựng khung lợi nhuận cho từng ngành, từng lĩnh vực khác nhau.

Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ GTVT đã triển khai, mức lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư dao động từ 11,5 đến 14%; trung bình ở 67 dự án BOT đường bộ đã triển khai, lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu là 11,77%.

Ràng buộc trách nhiệm

Một trong những khác biệt lớn giữa hai phiên bản chính là quy định về thời hạn nhà đầu tư phải ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng để triển khai dự án.

Theo phiên bản tháng 3, nhà đầu tư bị coi là vi phạm hợp đồng trong trường hợp sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực. Bộ GTVT trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định như đối với trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư theo yêu cầu tại Nghị quyết số 52/2017/QH14.

Trước đó, Bộ GTVT đề xuất phương án, hợp đồng dự án sẽ hết hiệu lực nếu sau 3 tháng nhà đầu tư chưa ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án. Hợp đồng chính thức chỉ được ký kết khi nhà đầu tư đã hoàn thành việc thu xếp tín dụng đầu tư dự án.

Ông Huy cho biết, sự điều chỉnh này xuất phát từ đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Nhà nước nhằm giúp cho các ngân hàng có thêm thời gian thẩm định. Quy định này được thiết lập nhằm tránh tính trạng một số dự án khả thi về tài chính, các ngân hàng thương mại trước đây cam kết cung cấp tín dụng nhưng đã có văn bản từ chối, dẫn đến việc xử lý trách nhiệm của nhà đầu tư rất phức tạp, kéo dài thời gian và dễ dẫn đến tranh chấp pháp lý.

Trong thời gian vừa qua, các trường hợp dự án bị vỡ tiến độ do không hoàn thành thủ tục vay tín dụng dù đã khởi công hàng năm trời, trong đó có các dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; Trung Lương – Mỹ Thuận; Quốc lộ 30 Tiền Giang – Trà Vinh…

“Đây là những điều kiện cần để có thể ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư, tránh tình trạng xí chỗ, nhận phần như đã từng xảy ra trong thời gian vừa qua”, một chuyên gia đánh giá.

Anh Minh (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.