14/03/2014 10:32 AM
Người dân đang vay tiền từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng để mua nhà ở thu nhập thấp, thế nhưng, cái giá thực tế họ phải trả cho mỗi m2 căn hộ chung cư thì có nằm trong tiêu chuẩn nhà thu nhập thấp?
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS, cho biết, nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp hiện là 11,28 triệu m2, tương đương 282.000 căn; trong khi đó, hiện thị trường bất động sản Việt Nam mới có khoảng 20.000 căn. Như vậy, có thể thấy là thị trường bất động sản Việt Nam đang quá thiếu nhà thu nhập thấp.
Chính vì lẽ đó, trong thời gian gần đây, nhiều dự án chung cư dành cho người thu nhập thấp trở nên đắt giá. Theo khảo sát của phóng viên, phần lớn người mua chung cư tại những dự án này không mua được với giá do chủ đầu tư chào bán, mà luôn bị mua thông qua môi giới, khiến giá chênh lên từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng.
Thông tư số 07/2013/TT-BXD ngày 15/5/2013 do Bộ Xây dựng ký ban hành hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ quy định (gói hỗ trợ 30.000 tỉ) có quy định:cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng thu nhập thấp vay vốn để thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội.
Chính vì lẽ đó, nhiều nhà đầu tư đã chuyển phân khúc từ chung cư cao cấp, chung cư thương mại sang nhà ở xã hội (nhà thu nhập thấp) để được sử dụng gói hỗ trợ này. Phân khúc thị trường bất động sản chuyển hướng sang nhà ở có diện tích dưới 70m2. Giá nhà của những căn hộ này được chào bán với giá mềm, từ 11 triệu - 14 triệu, đảm bảo đủ điều kiện để người dân có thể vay tiền từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng để mua sản phẩm căn chung cư của họ.
Tuy nhiên, khoảng tiền thực tế người dân phải trả cho những căn hộ đó, có thực sự nằm trong tiêu chuẩn "nhà thu nhập" thấp hay không? Theo khảo sát của phóng viên, đa số người dân đều phải mua nhà thu nhập thấp với giá chênh hơn so với giá chủ đầu tư chào bán.
Đến bao giờ người dân mới thực sự được hưởng nhà thu nhập thấp?
Sốc nhất, mới đây, khoản tiền chênh một căn hộ tại Dự án VP5 Linh Đàm bị chào giá chênh lên đến 480 triệu đồng/căn. Trong vai người mua nhà, phóng viên báo Pháp luật & Đời sống đã liên hệ với “nhà môi giới” tên N. để hỏi mua căn hộ số 3248, diện tích 72,2m2 tại dự án VP5 Linh Đàm. Chị "cò" này nói thẳng: "Giá gốc vào hợp đồng với chủ đầu tư là 14,42 triệu đồng/m2. Tiền chênh phải trả là 360 triệu đồng... "OK" thì N. dẫn đi xem nhà, ký hợp đồng. N sẵn sàng "bao" phí sang tên trong hợp đồng với chủ đầu tư".
Cũng theo "nhà môi giới" này cho biết, nếu như là căn hộ có cùng diện tích nhưng ở tầng cao hơn (tầng 12), view đẹp thì số tiền chênh mà khách hàng phải trả là 480 triệu đồng (Số tiền chênh của căn hộ này gần bằng 50% giá trị căn hộ và bằng tiền một căn hộ diện tích dưới 50m2 tại dự án này - PV). Đặc biệt, càng gần đến ngày bàn giao nhà thì giá tiền chênh sẽ càng cao.
Trước Tết Nguyên Đán, chị Đinh Mai (nhân viên truyền thông) mua một cặn hộ tại dự án Kim Văn - Kim Lũ, Hà Nội giá gốc 14 triệu, tiền chênh 20 triệu. Đến thời điểm này, khi dẫn bạn đến mua tiếp một căn hộ 60 m2 ở tầng trên nhà mình, người bạn của chị Mai bị giới “cò” hét giá chênh đến 200 triệu đồng.
Quá bức xúc, chị Mai cho hay: Mua một căn hộ 60m2, giá chào bán là 14 triệu/m2, tiền chênh 200 triệu đồng/căn, thì tính ra, mỗi m2 chúng tôi vẫn phải mua với giá trên 15 triệu đồng/m2. Nếu vậy, đâu còn gọi là nhà thu nhập thấp nữa? Điều đang nói, khoản tiền này phần lớn là không có chứng từ, không có giấy biên nhận tiền.
Như vậy, rõ ràng, người dân đang vay tiền từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng để mua nhà theo diện hỗ trợ, thế nhưng, thực tế, họ có danh mà không được hưởng ưu đãi như đúng quy định của gói hỗ trợ đề ra?
Nhìn nhận một cách thẳng thắn từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng này, ai là người có lợi, người dân hay các chủ đầu tư?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng một lần nữa khẳng định về mục đích của gói 30.000 tỷ và giải thích về số tiền hiện đang được Ngân hàng nắm giữ thay vì Bộ Xây dựng khi trước đó đại biểu Ngô Văn Minh - ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã từng đề nghị Bộ Xây dựng trả lại 30.000 tỷ cho Quốc hội và Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện Bộ đang tích cực cùng ngân hàng tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn để giải ngân nhanh gói 30.000 tỷ. "Quan điểm là gói tín dụng này phải sử dụng đúng đối tượng, tránh lợi dụng để trục lợi và gây thất thoát", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ rà soát các thủ tục không cần thiết, cản trở người dân, đặc biệt Bộ Xây dựng cùng Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên môi trường, Ngân hàng nhà nước ký thông tư liên tịch cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.

Long Vũ (Pháp luật & Đời sống)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.