Tại phiên họp sáng 6/3, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - Ngô Văn Minh đã đề nghị Bộ Xây dựng trả lại gói 30.000 tỷ đồng. “Tôi xin hỏi Bộ trưởng là gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở đâu rồi, nếu không phát huy được nguồn vốn này, đề nghị trả lại cho Chính phủ, Quốc hội để làm việc khác”, ông Minh thẳng thắn. Lý do để đại biểu Minh đưa ra đề nghị nói trên là tỷ lệ giải ngân quá thấp.
Ý kiến của vị đại biểu tỉnh Quảng Nam khiến gói hỗ trợ nhà ở nêu trên một lần nữa gây nhiều tranh cãi. Một số ý kiến đánh giá ông Minh có phần “ngây thơ” khi cho rằng gói 30.000 tỷ đồng là tiền thật giao cho Bộ Xây dựng, giải ngân không được thì nên trả lại. Trong khi đó, thực chất tiền này do Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các nhà băng thương mại, và chỉ khi có đối tượng vay được xét duyệt, ngân hàng mới giải ngân.
Trao đổi với VnExpress.net, đại biểu Ngô Văn Minh nhìn nhận: “Đúng là gói 30.000 tỷ đồng không có sẵn nhưng đó là nguồn lực đã được dành ra, không hiệu quả thì cần phải xem xét". Vấn đề 30.000 tỷ đồng theo ông Minh vướng mắc nhất là cơ chế chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Ông Minh nhận định, thời hạn cho vay phải dài hơn, lãi suất thấp hơn và nên tín chấp hoặc cho thế chấp ngay căn hộ đó, đồng thời không nên khống chế mức vay tối đa.
Bộ Xây dựng cho biết sắp ban hành thông tư cho phép thế chấp nhà xã hội hình thành trong tương lai để đẩy nhanh gói 30.000 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Lan
Đây không phải lần đầu tiên gói 30.000 tỷ đồng gây sóng gió. Gói hỗ trợ nhà ở từng gây tranh cãi khi một số ý kiến cho rằng, nên để thị trường rơi tự do để tránh lợi ích nhóm. Lãnh đạo Bộ Xây dựng phải đăng đàn khẳng định, gói hỗ trợ không đặt mục tiêu giải cứu thị trường mà nhằm giúp những người thu nhập thấp có chỗ ở, từ đó tạo cú hích cho bất động sản.
Trước ý kiến nên thu lại gói hỗ trợ nhà ở, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định gói 30.000 tỷ đồng có mục tiêu tốt, nhưng thực hiện chưa đạt như mong muốn do nhà ở xã hội hiện còn hạn chế. Ông Dũng phân tích, bình quân một hộ được vay 500 triệu đồng, 70% của gói này dành cho người mua, tương đương với 20.000 tỷ đồng được giải ngân thì phải phải có 40 nghìn hộ được vay. Gói tín dụng này để hỗ trợ người nghèo, không tiêu thì vẫn còn đấy.
“Không phải vì giải quyết chậm mà sai hướng được. Sai hướng thì người dân sẽ không đồng tình. Bộ vẫn tiếp tục kiên trì với gói 30.000 tỷ đồng vì đây là chiến lược lâu dài để người nghèo có nhà ở”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định với VnExpress.net.
Ông Dũng cho rằng, gói tín dụng có tính chất lâu dài mà muốn tăng lượng giải ngân thì cần nhiều nhà xã hội, nhà giá rẻ hơn nữa và cần có sự quyết liệt của các địa phương. “Điều quan trọng là phải giải ngân đúng đối tượng, tránh gây thất thoát tham nhũng”, ông Dũng tái khẳng định.
Tính đến ngày 17/2, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 17 doanh nghiệp với số tiền 1.466,5 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng đã giải ngân cho 11 đơn vị với số tiền là 536,5 tỷ đồng. Đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, ngân hàng cam kết cho vay 821,3 tỷ đồng; trong đó, đã giải ngân cho 2.261 khách hàng với dư nợ 550,5 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng hơn nửa năm, số tiền giải ngân khoảng gần 4%.
Đánh giá về gói 30.000 tỷ đồng, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, gói hỗ trợ mang ý nghĩa đối với phân khúc nhà giá rẻ, từ đó tác động tích cực tới thị trường bất động sản nhưng tốc độ giải ngâm chậm khiến nhiều người hoài nghi tính khả thi. “Thậm chí đối tượng vay khó tiếp cận giống như hình ảnh người leo cột mỡ mà một chương trình giải trí cuối năm vừa rồi so sánh", ông Võ đánh giá.
Theo ông Võ, câu chuyện lợi dụng chính sách trục lợi khiến ngành xây dựng và ngân hàng cẩn trọng khi cho vay cũng là điều dễ hiểu. Nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường dẫn chứng, chính sách nhà tái định cư từng bị một số đầu nậu thu gom với giá rẻ để thao túng thị trường bất động sản. “Cận trọng là cần thiết nhưng cũng cần phải có chính sách tháo gỡ để tăng tính hiệu quả của gói hỗ trợ”, ông Võ nhận định.
Ông Võ cho rằng, để nới điều kiện, Bộ Xây dựng cần đưa ra chính sách khách hàng có thể dùng chính căn hộ được vay trong gói 30.000 tỷ đồng để làm tài sản thế chấp. Để tránh chi sai đối tượng, theo ông Võ, ngân hàng cần liên kết chặt chẽ với nơi làm việc của người lao động giống như một số quốc gia Malaysia, Singapore áp dụng. Theo đó, ngân hàng sẽ trích một phần tiền lương thông qua nơi làm việc để trả dần cho khoản vay mua nhà, tránh nợ xấu. Đối với các trường hợp không đủ tiền vay để tiếp tục, Bộ Xây dựng có thể thu lại để bán cho các đối tượng khác.
“Hình ảnh ví vay gói hỗ trợ khó như leo cột mỡ sẽ nhạt dần khi Chính phủ có chính sách nới điều kiện cho vay để nhiều đối tượng tiếp cận”, ông Võ nói.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, để nới điều kiện cho vay, Bộ Xây dựng đang lên kế hoạch cùng Bộ Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp ký thông tư quy định về việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đối với nhà xã hội để người dân có thể thế chấp vay mua nhà.