Mức lãi suất 5%/năm hiện nay của gói 30.000 tỷ đồng vẫn được đánh giá là cao so với người thu nhập thấp
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 31/5/2014, tổng số tiền 5 ngân hàng đã cam kết cho vay là 3.954,4 tỷ đồng, tổng dư nợ là 2.156,3 tỷ đồng. Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 5.378 hộ, với số tiền là 2.060 tỷ đồng, đã giải ngân cho 5.368 hộ, với số tiền là 1.343,7 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong 5 tháng đầu năm, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng có tốc độ tăng trưởng nhanh, tăng đến 225% so với cuối năm 2013 và đạt 13,2% tổng giá trị gói hỗ trợ.
Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Hà Nội mới đây, tính đến ngày 31/6/2014, Hà Nội đã giải ngân được 1.108 tỷ đồng từ gói hỗ trợ này, tăng gấp 4 lần so với cuối năm 2013.
Mặc dù khối lượng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng tăng nhanh trong những tháng đầu năm 2014, nhưng sau 1 năm triển khai, các ngân hàng cũng chỉ cam kết cho vay được 13,2% tổng số vốn từ gói tín dụng này.
Tại Hà Nội, từ đầu năm 2014 đến nay, rất nhiều dự án chung cư được các đơn vị phân phối mở bán đủ điều kiện vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo phản ánh nhiều đơn vị phân phối, không có nhiều khách hàng tiếp cận được gói tín dụng này.
Ông Nguyễn Viết Hải, Giám đốc sàn giao dịch VIC cho biết, đơn vị này đang bán hàng tại 2 dự án, với phần lớn căn hộ đủ điều kiện vay vốn gói 30.000 tỷ đồng là CT12 Văn Phú và Thăng Long Victory. Tuy nhiên, tỷ lệ khách hàng có thể vay vốn ưu đãi rất ít.
Cụ thể, tại Dự án CT12 Văn Phú, với 160 căn hộ đủ tiêu chí vay vốn, rất nhiều khách hàng mua căn hộ tại đây muốn được vay vốn ưu đãi, nhưng chỉ có khoảng 30 khách hàng được ngân hàng hỗ trợ vay vốn. Trong khi đó, tại Dự án Thăng Long Victory, với hàng trăm căn hộ đã được bán ra đủ điều kiện vay vốn gói 30.000 tỷ đồng, nhiều khách mua căn hộ dự án này cũng yêu cầu đơn vị bán hàng tư vấn vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi này, nhưng số lượng khách hàng chính thức được vay vốn đến nay chưa được 10 người.
Theo ông Hải, mặc dù gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã được mở rộng đối tượng, Chính phủ cũng lên tiếng thúc tiến độ giải ngân, song thực tế, các ngân hàng vẫn không mấy mặn mà hỗ trợ khách vay vốn. Trong khi đó, khách hàng thực sự muốn vay vốn lại gặp khó trong việc chứng minh thu nhập, một trong những điều kiện quan trọng để được ngân hàng giải ngân.
Cũng là một đơn vị bán nhiều dự án căn hộ đủ điều kiện vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng, ông Lê Ngọc Quỳnh, đại diện sàn Nhà đất 24h cho rằng, phần lớn khách hàng mua căn hộ đều xác định việc vay vốn ưu đãi mua nhà là rất khó khăn, nên thực tế, không có nhiều khách hàng thực sự mặn mà vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng.
Theo ông Quỳnh, hiện phần lớn người mua nhà là người mua để ở, nên nếu đã quyết định mua nhà, nhiều người đã có sự chuẩn bị tài chính từ trước, chứ không muốn vay vốn để mua nhà.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm cũng cho rằng, hiện phần lớn người mua nhà là để ở. Mà đã mua nhà để ở, thì họ đều đã chuẩn bị được nguồn tài chính đầy đủ, chứ đã khó khăn, thì không mấy người dám vay vốn mua nhà, dù đó là vốn ưu đãi. Vì thế, việc làm thế nào để đẩy mạnh việc giải ngân gói tín dụng này trong thời gian tới, theo ông Kha, vẫn rất khó khăn.
Đồng quan điểm, một số đại diện doanh nghiệp ngành bất động sản còn cho biết thêm, ngoài những khó khăn về thủ tục hành chính, thì lãi suất ưu đãi 5%/năm vẫn cao so với người thu nhập thấp, nên cũng là rào cản trong việc giải ngân. Đó cũng là thừa nhận của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam trong cuộc trao đổi gần đây.