Gỡ rối gói 30.000 tỷ
Năm 2013, thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn, vì thế Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hướng dẫn gỡ khó cho thị trường bất động sản, trong đó có việc dành 30.000 tỷ nhằm giúp những người thu nhập thấp có chỗ ở, từ đó tạo cú hích cho bất động sản. Tuy nhiên, trên thực tế tồn kho thị trường bất động sản vẫn rất lớn và nợ xấu tăng cao.
Lý giải vì sao đến thời điểm này tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ vẫn ì ạch, ông Tuyến nói: “Gói 30.000 tỷ không phải là gói tiêu càng nhanh càng tốt mà phải có tiêu chí bình bầu. Không phải ai cũng có thể dễ dàng được vay gói hỗ trợ này mà nó chủ yếu dành cho những người nghèo, người có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở… Mặt khác, nếu so sánh với thời điểm tháng 12/2013 thì rõ ràng tốc độ giải ngân đã tăng lên”.
Theo số liệu từ Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp hiện nay khoảng 282.000 căn hộ (tương đương 11,28 triệu m2). Nhưng hiện tại mới có 11 dự án đang mở bán với khoảng 7.000 căn hộ. Còn lại, các dự án chủ yếu vẫn đang trong giai đoạn triển khai, chưa hoàn thiện. Con số này quá ít ỏi so với nhu cầu thực tế của người dân.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ chậm chạp. Thủ tục phê duyệt hồ sơ vay vốn rắc rối kéo dài cũng góp phần làm tiến độ giải ngân thêm chậm chạp.
Rót thêm 50.000 tỷ để “mua” niềm tin thị trường
Có thể nói sau khi gói tín dụng 50.000 tỷ đồng ra mắt, nhiều chủ đầu tư tỏ ra rất hứng khởi đón nhận, nhất là các chủ đầu tư có dự án triển khai dở dang nhưng thiếu vốn. Vì trên thực tế, một dự án mà người mua, chủ đầu tư và nhà thầu cũng vay sẽ khiến các ngân hàng dễ phát sinh nợ xấu.
Để khắc phục tình trạng này ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) cho biết: Ngân hàng VNCB đã xây dựng mô hình liên kết “4 nhà” (Ngân hàng - chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung ứng, sản xuất VLXD) nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng và dòng tiền được đi đúng hướng hơn. Đồng thời, khi doanh nghiệp tham gia liên kết “4 nhà” thì các khoản nợ xấu của doanh nghiệp sẽ được khoanh lại và tiếp tục cho vay vốn để hoàn thành dự án.
Còn ông Nguyễn Viết Mạnh – Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng: “50.000 tỷ là sản phẩm tín dụng để quản lý dòng tiền, tạo niềm tin thị trường, chứ không phải là gói tín dụng ưu đãi lãi suất. Vì khi bắt đầu sản xuất thì dòng vốn sẽ được xoay vòng và chủ đầu tư cũng phải tính toán để đưa ra mức giá thị trường mà người dân có thể chấp nhận được”.
Phản hồi ý kiến của nhiều người về tiến độ giải ngân của gói 50.000 tỷ liệu có ì ạch như gói 30.000 tỷ, ông Mạnh cho biết thêm “Theo Tổng cục Thống kê tổng giá trị ngành xây dựng 2013 là 770.000 tỷ đồng, đây là thị trường mênh mông nên tiến độ giải ngân của gói 50.000 tỷ sẽ nhanh hơn rất nhiều”.
Mặc dù thị trường đang nóng lòng chờ đợi gói 50.000 tỷ phát huy tác dụng nhưng có lẽ hiệu quả của gói tín dụng này đối với thị trường bất động sản hiện vẫn còn là một ẩn số.
-
Gói 50.000 tỷ đồng: Có cũng được, không có cũng chẳng sao
Các chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng, gói 50.000 tỷ chẳng những không có ưu đãi mà còn ràng buộc đối với đối tượng vay nó. Sự xuất hiện của gói tín dụng này liệu có giúp ích gì cho thị trường bất động sản hay không là câu hỏi đang còn bỏ ngỏ.