30/03/2014 10:39 AM
Các chuyên gia trong ngành tài chính cho rằng, gói 50.000 tỷ chẳng những không có ưu đãi mà còn ràng buộc đối với đối tượng vay nó. Sự xuất hiện của gói tín dụng này liệu có giúp ích gì cho thị trường bất động sản hay không là câu hỏi đang còn bỏ ngỏ.

Câu chuyện của thị trường bất động sản không phải là tiền mà là vấn đề niềm tin (ảnh: Ngôn Dân).

Tính đến thời điểm này đang có hàng trăm nghìn tỷ đồng “chực chờ” đổ vào thị trường bất động sản thông qua các gói hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước và gói thương mại từ các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, hiệu ứng của nó mang lại cho thị trường bất động sản thì rất mù mờ.

Ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có buổi làm việc với các ngân hàng thương mại nhà nước lớn cùng với hai ngân hàng là Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và SHB để bàn bạc cơ chế thành lập gói liên kết 4 nhà do NHNN nghiên cứu trong thời gian qua.

Được biết, mô hình của gói này nằm ở cơ chế kiểm soát dòng tiền, đảm bảo dòng tiền được vay đúng địa chỉ, tránh bị chiếm dụng. Đại diện NHNN cho biết, gói này do NHNN chủ trì và giao cho BIDV làm đầu mối chứ không phải ngân hàng nào khác.

Trước đó, ngày 25/3, VNCB cũng đã công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng thông qua chuỗi liên kết 4 nhà gồm ngân hàng, nhà đầu tư, nhà thầu và nhà cung ứng vật liệu xây dựng.

Bình luận về gói tín dụng này, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, khác hoàn toàn với gói 30.000 tỷ đồng do Bộ Xây dựng chủ trì, gói 50.000 tỷ không có gì đặc biệt, chỉ đơn thuần là một gói tín dụng thương mại, người vay chẳng được hưởng ưu đãi nào.

Trả lời trước báo giới tại buổi công bố, ông Phan Thành Mai, Tổng Giám đốc VNCB cũng thừa nhận rằng, gói 50.000 tỷ không phải là gói cho vay ưu đãi, lãi suất cũng không thấp hơn các chương trình cho vay thông thường và thủ tục cho vay cũng không được nới lỏng.

Rõ ràng, cơ chế cho vay của gói 50.000 tỷ đồng chẳng khác nào cơ chế cho vay của từng ngân hàng thương mại. Như vậy, câu hỏi đặt ra là lợi ích giữa các bên tham gia gói liên kết này là gì?

Được biết, gói 50.000 tỷ đồng do VNCB chủ trì, trong đó, VNCB hướng đến là ngân hàng tổ chức người bán, cung cấp nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản.

Còn Tập đoàn Thiên Thanh hướng tới là nhà tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, Thiên Thanh còn chủ trì Sàn giao dịch vật liệu xây dựng nhằm kết nối các chủ đầu tư, nhà thầu với nhà sản xuất vật liệu xây dựng trên cả nước.

Mặc dù cơ sở pháp lý cũng như lợi ích của các bên liên quan và điều kiện để tiếp cận nguồn tín dụng này chưa rõ ràng nhưng để có hợp đồng vay vốn, các doanh nghiệp là chủ đầu tư, nhà thầu phải ký kết hợp đồng mua vật liệu xây dựng thông qua Tập đoàn Thiên Thanh.

Thế là đã rõ, ai được lợi khi gói tín dụng này được triển khai. Còn sau khi triển khai thị trường bất động sản có chuyển biến hay không, giá nhà ở có giảm xuống hay không lại là câu chuyện của thị trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề của ngành bất động sản Việt Nam hiện nay là lành mạnh hóa thị trường, làm thông thoáng các điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư, giảm thiểu các khâu trung gian, loại bỏ đầu cơ để từng bước lấy lại niềm tin của người tiêu dùng chứ không phải bơm vốn là có thể cứu được thị trường.

Thực tế cho thấy, phần lớn các dự án bất động sản nhà ở tồn kho hoặc đang khởi công dang dở hiện nay chủ yếu do chủ đầu tư không bán được, không huy động được nguồn vốn từ khách hàng dẫn đến hụt vốn xoay vòng, không đáo hạn được vốn vay, gây ra nợ xấu và không thể tiếp cận được nguồn tín dụng mới.

Do đó, nếu niềm tin của thị trường bất động sản không phục hồi, người tiêu dùng còn quay lưng, chủ đầu tư không bán được hàng thì dù có tung ra hàng trăm nghìn tỷ đồng cũng không thể “cứu” được.
Ngôn Dân (Bizlive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.