13/10/2013 8:59 PM
Tính đến hết ngày 30-9, gói cho vay ưu đãi 30.000 tỉ đồng đã giải ngân được 142,5 tỷ đồng với 590 khách hàng được vay tiền. Một trong những nguyên nhân khiến việc giải ngân gói 30.000 tỷ không như mong đợi là do thủ tục chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội còn chậm trễ.
Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng vẫn chưa thực sự có hiệu quả đối với thị trường bất động sản. Ảnh: Lương Bằng
Tiền thừa, hàng tồn kho

Sau 3 tháng triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cho bất động sản, nhiều DN đã được hỗ trợ với số tiền khá lớn nhưng nhìn lại thị trường bất động sản hiện nay vẫn chưa thấy có tín hiệu khả quan, thậm chí hàng không bán được, nhiều DN phá sản và đứng trước nguy cơ đổ vỡ cả thị trường. Nguyên nhân do nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề xác nhận về thực trạng nhà ở, hoặc chưa có nhiều sản phẩm đáp ứng được điều kiện vay mua của gói 30.000 tỷ đồng, đặc biệt là thiếu nguồn cung về nhà ở xã hội. Sự mất cân đối cung - cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại trong khi phân khúc nhà ở thương mại lại đang tồn kho với số lượng lớn dẫn đến nghịch lý hàng tồn kho như hiện nay.

Ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà thuộc Bộ Xây dựng cho biết, đến nay, tồn kho bất động sản toàn quốc khoảng 27.805 căn, tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và hạng sang, còn phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở xã hội không đáng kể. Về nguồn cung nhà ở, thời gian trước đây các DN chỉ chú trọng đầu tư nhà ở thương mại cao cấp, có quy mô lớn và giá bán cao nên quỹ nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 tại các địa phương đến thời điểm hiện nay rất khan hiếm. Việc xem xét cho chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp tiêu chí vay đang rất chậm, đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó nguồn cung về nhà ở thương mại lại đặc biệt nhiều, dẫn đến tình trạng tồn kho lớn như hiện nay.

Tuy nhiên, đối tượng chính của gói tín dụng này là khách hàng cá nhân, ngoài các điều kiện như: Phải thuộc đối tượng lực lượng vũ trang, công nhân viên chức... thì người dân muốn vay được tiền để mua nhà ở xã hội còn phải chuẩn bị hơn 10 loại giấy tờ khác nhau như: Xác nhận của địa phương về tình trạng nhà ở, xác nhận của cơ quan công tác, chứng minh thu nhập...

Giảm cung nhà ở thương mại

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, thị trường bất động sản đã bước đầu hướng tới việc cung cấp hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường. Tuy nhiên, tính đến nay, việc chuyển đổi vẫn gặp rất nhiều vướng mắc.

Theo một số DN tại Hà Nội, Thông tư 02 của Bộ Xây dựng về việc cho phép DN chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội đang tồn tại rất nhiều quy định làm khó DN như phải đạt được 100% sự đồng thuận của khách hàng mua nhà.

Ông Lê Tấn Hòa, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lilama SHB cho rằng, để nhận được gói ưu đãi này, DN bất động sản phải chưa thực hiện hợp đồng mua bán và chưa vay vốn ở đâu. Trong thời điểm hiện nay có rất ít DN có thể đáp ứng được điều kiện này. Thực tế xin chuyển đổi cho thấy, hiện vẫn chưa có quy định riêng về giá đất, tiền sử dụng đất, mức bù trừ cho những dự án đã giải phóng mặt bằng, thi công 1 phần hay như quyền lợi của khách hàng khi đã ký hợp đồng mua bán. Đặc biệt, nếu các dự án đều ồ ạt xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội thì liệu có hay không sẽ xảy ra tình trạng dư cung đối với phân khúc này.

Để giảm cung nhà ở thương mại, Bộ Xây dựng vừa có văn bản kiến nghị cho phép tạm dừng không triển khai tiếp các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị chưa giải phóng mặt bằng hoặc giải phóng mặt bằng dở dang đạt dưới 30% diện tích của dự án tại tất cả các địa phương trên cả nước theo danh mục mà các địa phương đã báo cáo. Đối với các dự án đã giải phóng xong mặt bằng dở dang đạt trên 30% và dưới diện tích 70% diện tích của dự án thì giao cho địa phương rà soát, đề xuất phương án xử lý để báo cáo.

Những dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương thì theo yêu cầu của chính quyền địa phương tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh tạm.

Ngoài ra, với các địa phương có ít dự án trong khi vẫn có nhu cầu cấp bách về nhà ở thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cho phép tiếp tục triển khai. Các dự án đã giải phóng mặt bằng trên 70% đang thi công xây dựng dở dang, cho phép cơ cấu lại dự án theo hướng tăng căn hộ diện tích nhỏ dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, cho phép một số dự án chuyển công năng từ nhà ở sang nhà dịch vụ, văn phòng, trung tâm thương mại mà thị trường có nhu cầu; lựa chọn một số trong các dự án này để chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động khu công nghiệp.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo các cơ quan chức năng rút ngắn thời gian xem xét thẩm định để cho phép các chủ đầu tư dự án có nhu cầu điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội nhằm tăng nhanh nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 để đáp ứng nhu cầu của người dân và điều kiện vay vốn từ gói tín dụng, đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án nhằm tạo ra sản phẩm nhà ở xã hội để người dân lựa chọn.

- Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị Bộ Xây dựng rà soát lại các dự án nhà ở xã hội hiện không được phép thế chấp để tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng căn nhà mua làm tài sản thế chấp khi vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với ngân hàng trong việc tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn.

- Đánh giá về gói hỗ trợ 30.000 tỉ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, với chính sách chỉ cho người dân và DN vay 70% số tiền họ bỏ ra để mua nhà hoặc xây dựng nhà ở xã hội, 30% nữa họ tự bỏ tiền ra, như vậy sẽ có thêm 10.000 tỷ đồng nữa lưu thông trên thị trường bất động sản. Nhưng điều quan trọng nhất là gói tín dụng này sẽ giúp rất nhiều người thu nhập thấp có thể mua được nhà ở cho mình trong điều kiện khó khăn về vốn…

Xuân Thảo (Báo Hải quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.