29/07/2013 9:03 PM
Vẫn còn nhiều “góc khuất” trong báo cáo của Bộ Xây dựng về việc triển gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cần được làm sáng tỏ.

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo lên Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến giữa tháng 7/2013, cả nước có 47 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, quy mô khoảng 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng; 16 dự án nhà ở thương mại đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, quy mô thiết kế ban đầu khoảng 4.700 căn hộ, nay xin điều chỉnh tăng lên 6.600 căn hộ. Nhìn qua những con số trên, người đọc có thể hình dung ra một lượng lớn căn hộ nhà ở xã hội sắp được tung vào thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện chuyển đổi dự án gặp nhiều bế tắc, chưa được đề cập trong báo cáo của Bộ Xây dựng.

Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, trong số 21 dự án đăng ký xin chuyển đổi trên địa bàn, đến nay mới chỉ có Dự án Khu nhà ở cao tầng Đô thị Sông Đà (giai đoạn 1) tại 143 Trần Phú (Hà Đông), do CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà làm chủ đầu tư là đã có quyết định cho phép chuyển đổi. 20 dự án còn lại chưa biết đến bao giờ mới được phê duyệt, vì còn vướng nhiều thủ tục pháp lý, thậm chí, Dự án Tổ hợp chung cư AZ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội), do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư còn đang bị khách hàng kiện ra tòa yêu cầu làm thủ tục phá sản.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận khoản cho vay trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng với 2 doanh nghiệp, tổng trị giá 657 tỷ đồng

Cũng tại báo cáo trên, sau khi Thông tư số 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng và Thông tư số 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, ngày 4/6/2013, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1042/BXD-QLN đề xuất danh mục 30 dự án nhà ở xã hội và dự án chuyển đổi để Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại được giao triển khai thực hiện việc cho vay xem xét, thẩm định theo quy định. Tuy nhiên, danh mục 30 dự án này chưa được công bố công khai, mà chỉ cho biết chung chung là có 15 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã đăng ký vay vốn đầu tư trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 02; 12 dự án đăng ký vay vốn sau khi ban hành Nghị quyết 02 và 3 dự án chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đánh giá, các dự án được đề xuất cho vay vốn này đều đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Về tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội, theo ghi nhận của phóng viên ĐTCK, từ cuối tháng 5 đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 4 dự án nhà ở xã hội được động thổ khi chưa có giấy phép xây dựng, trong đó có 2 dự án chưa được cấp phép chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và 1 dự án chưa có “đất sạch”.

Về tiến độ giải ngân, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 2 DN là CTCP Vicoland, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại Thừa Thiên - Huế với số tiền hơn 117 tỷ đồng (đã giải ngân 34 tỷ đồng) và CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân, chủ đầu tư dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại TP. HCM với 540 tỷ đồng.

Thông tư 07 của Bộ Xây dựng quy định, điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng là đã có đất sạch và giấy phép xây dựng, trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về giấy phép xây dựng. Trong đó, theo một cán bộ của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), nhà ở xã hội là công trình không thuộc diện được miễn giấy phép xây dựng.

Trong khi đó, các ngân hàng được cho vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã liên tục ký các hợp đồng nguyên tắc đối với nhiều dự án, khiến dư luận cho rằng, việc ký kết này chủ yếu là để giữ chỗ, còn các đối tượng thực được giải ngân vẫn chưa lộ diện rõ.

Dư luận từng đặt nghi vấn Bộ Xây dựng “ưu ái” cho các doanh nghiệp thuộc Bộ ở phía Bắc. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đã bác bỏ cáo buộc này và cho biết, trong số 30 dự án mà Bộ đề xuất ngân hàng xem xét để cho vay, TP. HCM có 5 dự án, TP. Đà Nẵng 6 dự án, Hà Nội có 4 dự án, tỉnh Đồng Nai có 3 dự án, các địa phương còn lại (Thừa Thiên - Huế, Kiên Giang...) mỗi địa phương có 1 dự án. Tuy nhiên, tên dự án cụ thể vẫn chưa được công khai. Điều quan trọng khi triển khai gói 30.000 tỷ đồng là DN nào, dự án nào được vay vốn và tính pháp lý của các đối tượng vay vốn ra sao, rất cần thông tin rõ, không chỉ trong báo cáo, mà quan trọng hơn là phải minh bạch với nhân dân.

Minh Nhật (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.