Bà Hoàng Thu Hằng, Phó trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết các chính sách trong thời gian tới đây sẽ góp phần lành mạnh, cụ thể hóa hoạt động kinh doanh bất động sản.
Tại diễn đàn “Bất động sản miền Trung 2022: Xu hướng phát triển và lựa chọn đầu tư” vừa qua, ông Lưu Thanh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Saco, nhận định nhu cầu đầu tư bất động sản còn rất lớn, nhưng thị trường chỉ đáp ứng khoảng 60-70% nhu cầu thực tế.
Riêng khu vực miền Trung, ông Tuấn cho biết một số tỉnh trong quá trình làm việc vẫn chưa linh hoạt, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Thậm chí, ở một số khu vực môi trường cạnh tranh còn thiếu lành mạnh.
“Hiện đang xảy ra tình trạng các chủ đầu tư lớn khi tiếp nhận dự án ở miền Trung gặp vướng mắc trong khâu pháp lý. Ví dụ như thời gian cấp sổ hay các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án còn chậm trễ. Hay còn thiếu những dự án quy mô để thu hút các nhà đầu tư”, ông Tuấn nói.
Bà Hoàng Thu Hằng, Phó trưởng phòng Quản lý thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết các chính sách trong thời gian tới đây sẽ góp phần lành mạnh, cụ thể hóa hoạt động kinh doanh bất động sản.
Một số chính sách mới có thể kể đến như Nghị định 30/2021, Nghị định 49/2021, Nghị định 69/2021 và đặc biệt mới đây là Nghị định 02 sửa đổi một số điều của Luật kinh doanh bất động sản.
Theo bà Hằng, các chính sách mới đã góp phần tháo gỡ khó khăn trên thị trường. Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, sửa đổi, 2 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở đang chờ Chính phủ phê duyệt để trình Quốc hội sửa luật.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết, có 4 nhóm chính sách lớn hứa hẹn sẽ được sửa đổi trong thời gian tới gồm:
Một là nhóm chính sách liên quan đến kinh doanh bất động sản. Dự thảo làm rõ hơn phạm vi, các đối tượng, loại hình bất động sản được đưa vào kinh doanh như trường hợp công trình nhà ở có sẵn, công trình nhà ở hình thành trong tương lai.
“Các loại hình bất động sản được đưa vào kinh doanh đã có trong Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Tuy nhiên, trên thị trường, thời gian qua đã hình thành nên các loại hình bất động sản mới nhưng chưa có chế tài, hành lang pháp lý riêng. Do đó, Bộ Xây dựng đưa ra những quy định cụ thể hơn liên quan đến condotel, officetel, các loại hình mới mà các doanh nghiệp, các địa phương đã phản ánh", bà Hằng nói.
Thứ hai, Bộ Xây dựng cũng sẽ có nhóm quy định về kinh doanh bất động sản. Cụ thể là các quy định làm rõ vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh của các sàn bất động sản, hoạt động kinh doanh bất động sản, các cơ sở đào tạo môi giới bất động sản. Trong dự thảo này đưa các nội dung về việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn.
Thứ ba, chính sách liên quan đến điều tiết thị trường. Thời gian qua việc phân định vai trò liên quan của các đơn vị quản lý để điều tiết thị trường chưa được rõ nét. Do đó, việc điều tiết thị trường cần điều chỉnh để các bộ ngành chủ động hơn, giúp thị trường phát triển lành mạnh.
Cuối cùng là chính sách liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Dự thảo sẽ quy định, phân định trách nhiệm cụ thể về quản lý nhà nước giữa các bộ ngành, các địa phương để tránh việc chồng chéo trong quản lý và ngăn chặn tốt hơn các sai phạm có thể xảy ra trong thị trường bất động sản.
Ngoài ra, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, thời gian tới đơn vị này sẽ tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh các chính sách làm sao để phát triển các dòng bất động sản đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là các sản phẩm nhập thấp, nhà ở xã hội; khơi thông thủ tục pháp lý, thúc đẩy nguồn cung cho thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VaRS), dự báo trong năm 2022, với những lợi thế chính sách, chủ trương của Chính phủ, các doanh nghiệp sẽ đầu tư mạnh, kể cả đầu tư công để tạo ra hệ thống hạ tầng tốt hơn, phục vụ cho ngành kinh tế du lịch ở khu vực miền Trung, nhằm khai thác tốt nhất các lợi thế của vùng này.
-
Bất động sản miền Trung cần trợ lực nào để bứt phá?
Mặc dù có nhiều lợi thế về hạ tầng và cảnh quan thiên nhiên, nhưng sự phát triển của thị trường bất động sản miền Trung vẫn còn chậm và chưa có sự bứt phá tương xứng.
-
Giao dịch đất nền bật tăng
Trong quý 4/2022, lượng giao dịch đất nền thành công là 149.197 giao dịch, bằng khoảng 130% so với quý trước đó.
-
Khó chồng khó, doanh nghiệp bất động sản phá sản tăng gần 40%
Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 số doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
-
Bất động sản 2022: Một năm lạ lùng
Đầu năm 2022, sốt giá bất động sản diễn ra tại nhiều nơi. Giá đất tăng từ 2 đến 3 lần, nhưng cuối năm thị trường gần như đóng băng, nhiều nhà đầu tư muốn cắt lỗ cũng không thành. Gam màu xám được dự báo sẽ còn phủ lên thị trường bất động sản cho đến ...