Một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang đứng bên bờ vực phá sản. Ước tính, nợ xấu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lên tới 153.000 tỷ đồng, trong tổng số 200.000 tỷ đồng nợ xấu của các DNNN.

Những con nợ “khủng”

Ông Đinh Tuấn Minh, nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, báo cáo của Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9/2012 vừa qua có thống kê, “DNNN sử dụng vốn tín dụng chiếm khoảng 70% tổng số nợ xấu, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu”.

Theo ông Minh, nếu nợ xấu của hệ thống là 10% tổng dư nợ tín dụng (như theo công bố của Ngân hàng Nhà nước), thì nợ xấu của khu vực DNNN ước khoảng 200.000 tỷ đồng và nợ xấu của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty vào khoảng 153.000 tỷ đồng.

Theo Đề án tái cấu trúc khu vực DNNN của Bộ Tài chính năm 2012, thì dư nợ của 80/96 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến cuối năm 2010 là 872.860 tỷ đồng, bằng 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Tính đến tháng 9/2011, dư nợ vay ngân hàng của các DNNN lớn đạt trên 415.000 tỷ đồng, tương đương gần 17% tổng dự nợ tín dụng tại các ngân hàng. Trong đó, nợ vay của 12 tập đoàn kinh tế nhà nước là gần 218.740 tỷ đồng; dư nợ lớn nhất thuộc về những “tên tuổi” như Tập đoàn Dầu khí (72.300 tỷ đồng), Tập đoàn Điện lực (62.800 tỷ đồng), Tập đoàn Than và Khoáng sản (19.600 tỷ đồng)…

Ông Minh chỉ ra một đặc điểm về nợ xấu của khu vực DNNN cần lưu ý là khu vực này được vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển (VDB) và tỷ lệ nợ xấu ở đây cũng rất lớn. Báo cáo Kiểm toán Nhà nước về tình hình hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của VDB ở mức 12,05%. Với tình hình nợ xấu chung của toàn hệ thống năm 2011 cao hơn năm 2010 và năm 2012 cao hơn năm 2011, thì tỷ lệ nợ xấu của VDB hiện tại có thể cao hơn nhiều con số nêu trên.

Về tình trạng nợ nần, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu một phép tính để khắc họa rõ hơn: Hiện tại, tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng vào khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, nghĩa là nền kinh tế đang mắc nợ hệ thống ngân hàng 2,7 triệu tỷ đồng. Chỉ tính với lãi suất cho vay hiện nay khoảng 15%/năm, thì mỗi tháng nền kinh tế sẽ phải trả cho hệ thống ngân hàng món lãi suất 40.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD. Trong nền kinh tế có quy mô GDP 130 tỷ USD/năm, tức là mỗi tháng sản xuất được khoảng hơn 10 tỷ USD, thì số tiền lãi vay mà khu vực sản xuất phải trả cho các ngân hàng 24 tỷ USD/năm.

“Một con số quá lớn và là gánh nặng không dễ mang đối với doanh nghiệp”, ông Thiên nhận xét.

Tái cơ cấu là đòi hỏi cấp bách

Ông Minh cho rằng, để giải quyết tình trạng nợ xấu nêu trên, từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam trước hết nên xây dựng những nguyên tắc và luật lệ rõ ràng để tìm được sự đồng thuận của xã hội trong việc hình thành một định chế tập trung, mang tầm quốc gia để xử lý nợ xấu.

“Việc hình thành một định chế như vậy sẽ góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là khu vực DNNN, thu hút được đầu tư của nước ngoài và tránh cho thị trường BĐS tiếp tục bị đóng băng”, ông Minh nói và cho rằng, vì các DNNN và các ngân hàng thương mại nhà nước đều thuộc sở hữu của Nhà nước, nên khi xử lý nợ xấu giữa hai khu vực này với ngân sách nhà nước, ít nhiều mang tính chuyển giao tài sản nội bộ.

Tuy nhiên, ông Minh cảnh báo, không nên dùng giải pháp xóa nợ trong giai đoạn hiện nay, vì tuy là các DNNN hoặc ngân hàng thương mại nhà nước, nhưng các tổ chức kinh tế này đều đã vận hành theo Luật Doanh nghiệp, hoặc như là các CTCP hoặc như là các công ty TNHH.

“Việc tiến hành xóa nợ tại các DNNN sẽ dẫn đến những doanh nghiệp tư nhân có cổ phần trực tiếp hoặc gián tiếp (thông qua các công ty cổ phần của các DNNN) sẽ được hưởng lợi”, ông Minh nhận định.

Hướng giải quyết, theo ông Minh, nếu có một công ty mua bán nợ quốc gia, thì các khoản nợ tại khu vực DNNN có thể chuyển hoàn toàn sang cho công ty mua bán nợ này. Khi đó, bằng các giải pháp tập trung, công ty mua bán nợ quốc gia có thể dễ dàng trao đổi với bên chịu trách nhiệm tái cấu trúc các DNNN để xử lý nợ, theo hướng bán các gói nợ cho các tổ chức tín dụng hoặc chuyển đổi các gói nợ thành cổ phần.

Đồng tình với các kiến nghị trên, ông Thiên đề xuất một giải pháp cấp bách là chính quyền các cấp trả ngay cho các doanh nghiệp những khoản nợ đọng công trình lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, coi đây là giải pháp cơ bản để “cấp cứu” doanh nghiệp mà không làm “vỡ trận”.

Kiến nghị ở tầm nhìn dài hạn hơn, ông Trần Tiến Cường, Trưởng ban Nghiên cứu quản lý doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần xoá bỏ cách phân công, phân cấp quản lý DNNN theo kiểu hành chính, mà chuyển sang cách tổ chức quản lý DNNN của chủ sở hữu - nhà đầu tư nhà nước theo phương cách chuyên trách, chuyên nghiệp, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường.

“Cần tách quản lý nhà nước về kinh tế với phân công, phân cấp, ít đầu mối, nhưng rõ quyền, trách nhiệm đi kèm cơ chế giám sát, đánh giá theo cả hệ thống đại diện chủ sở hữu nhà nước, từ cơ quan quyền lực tối cao đến đại diện trực tiếp sở hữu nhà nước tại DNNN và đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đặc biệt là quản lý DNNN theo mục tiêu, sẽ giúp DNNN hoạt động lành mạnh và hiệu quả hơn”, ông Cường nói và kiến nghị, cần sớm ban hành Luật Quản lý và giám sát thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Theo Minh Nhật (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.