Những hộ dân hiện sinh sống trong các khu vực có dự án "treo" sẽ được cấp giấy phép xây dựng tạm.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết cuối tháng 5-2017, người dân có nhà thuộc khu quy hoạch "treo" sẽ được nhà nước cấp phép xây dựng có thời hạn.
"Giờ thì tốt rồi"
Sau 3 năm, chúng tôi trở lại đường Hoàng Đạo Thúy, đoạn giáp ranh với xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh và phường 7, quận 8. Thoạt nhìn, khung cảnh chẳng có gì khác so với trước, đường vẫn còn nhiều "ổ voi, ổ gà" và lởm chởm đá. Trong khi đó, cơn mưa rạng sáng 11-5 khiến nước ngập lênh láng, có đoạn chảy như suối khiến xe máy qua lại rất nguy hiểm. Theo tìm hiểu, sở dĩ đường ở đây không được nâng cấp là do nằm trong một dự án quy hoạch 24 năm nhưng chưa triển khai.
Ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM nằm trong diện quy hoạch "treo" đã 20 năm
Xung quanh là hàng chục căn nhà mái tranh, vách lá, có người dùng tôn và ít gạch chắp vá. Kể về nỗi khổ của mình, ông Cao Thanh Bùi (50 tuổi) thở dài: "Chúng tôi có đất, có tiền nhưng không có quyền sửa chữa nhà. Chỉ cần chở bao cát, xe gạch là bị "hành" ngay. Mọi người mỏi mòn mong dự án triển khai để thoát cảnh đường hư hỏng, nhà xuống cấp như hiện nay".
Ông Phạm Văn Ba (hàng xóm của ông Bùi) cho biết cuối năm ngoái, đường ngập đến đầu gối. Căn nhà của ông do cha mẹ để lại nhưng nằm trong quy hoạch "treo" nên không được phép tách thửa. Hơn 24 năm ông không dám sửa chữa vì sợ bị cưỡng chế.
Còn ở ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, có đến hàng ngàn hộ nhưng nơi đây chẳng khác khu ổ chuột. Nhà lụp xụp, cũ nát và xung quanh nước ngập, đường lầy lội. Địa phương này đang gánh một dự án với tuổi đời 20 năm nhưng chưa khởi động xây dựng. Ông Trần Văn Ngộ (ngụ hẻm C7) kể: "Năm 2006, con đường xuống cấp đến mức xe máy chạy không được, sau đó mọi người gom góp tiền đổ bê-tông. Thế nhưng, đến nay tiếp tục hư hỏng mà không dám bỏ tiền sửa chữa. "Ở đây, các công trình công cộng muốn sử dụng thì dân phải bỏ tiền; còn chúng tôi chẳng thể chuyển nhượng, xây dựng hay sửa chữa nhà cửa gì được" - ông Ngộ cho biết.
Khi chúng tôi thông báo UBND TP vừa chấp thuận khu vực ấp 4, xã Bình Hưng được thoát dự án "treo", điều chỉnh ranh quy hoạch, ông Ngộ vui mừng và gọi điện thoại cho những người hàng xóm báo tin. "Mấy chục năm sống trong dự án "treo", chúng tôi mệt mỏi lắm" - ông Ngộ nói.
Còn ông Nguyễn Ngọc Giang (ngụ đường Phạm Thế Hiển, quận 8) cho biết căn nhà mình đang ở vướng quy hoạch "treo" 30 năm. "Hiện nhà xuống cấp trầm trọng, mưa dột liên tục. Có tiền nhưng không được ở căn nhà tử tế, giờ thì tốt rồi" - ông Giang vui mừng khi nghe tin được phép sửa chữa nhà trên dự án "treo". Theo dự kiến, tháng tới ông sẽ đi xin giấy phép làm thêm một phòng ngủ cho cô con gái.
Quản lý địa bàn dễ dàng hơn
Ông Trần Trọng Tuấn cho biết Bộ Xây dựng đã có công văn thống nhất với đề xuất của UBND TP về kiến nghị cho phép cấp giấy phép xây dựng tạm cho người dân trong các khu quy hoạch "treo". Sau đó, Sở Xây dựng đã hoàn thiện một dự thảo dựa trên Quyết định 27. Quyết định mới này cụ thể hóa những thực tiễn có trong đời sống mà Luật Nhà ở 2014 chưa thể hiện hết. Như vậy, đối với công trình hoặc nhà ở riêng lẻ của tổ chức, cá nhân thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất thì được xem xét cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo và xây dựng công trình hoặc nhà ở riêng lẻ.
Theo ông Tuấn, cuối tháng 5-2017, dự thảo sẽ được UBND TP chính thức phê duyệt. Điều này góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho rất nhiều hộ dân. "Cấp giấy phép được sửa chữa tạm, đến khi dự án triển khai thì người dân phải tuân thủ việc giải phóng mặt bằng" - ông Tuấn lưu ý.
Ông Trương Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Bình Hưng, cho biết hiện xã có rất nhiều dự án với tuổi thọ 10-20 năm chưa được triển khai. Trong lúc đang chờ quyết định mới cho phép cấp tạm giấy phép xây dựng thì địa phương chủ động kiến nghị UBND huyện Bình Chánh về việc thu hồi những dự án triển khai dưới 50%; còn trường hợp triển khai được 50%-80% sẽ điều chỉnh ranh quy hoạch dự án thu hẹp lại để người dân có điều kiện sửa chữa nhà.
"Nếu có quyết định mới cho phép cấp giấy phép xây dựng tạm thì không những người dân "đòi lại" được quyền lợi chính đáng của mình mà còn giúp công tác quản lý địa bàn được dễ dàng hơn" - ông Thành nhận định.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, trên địa bàn có 30 dự án "treo". TP sắp ban hành quyết định mới khiến người dân phấn khởi và cán bộ vui mừng không kém. "Người dân được khôi phục hệ thống hạ tầng và chất lượng cuộc sống sẽ đổi thay" - ông Hồng kỳ vọng.
Công khai thông tin các dự án quy hoạch
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết sẽ công khai thông tin quy hoạch và tiến độ thực hiện. Mục đích là giúp người dân biết phần đất của mình có hiện trạng ra sao và tránh mua nhầm nhà, đất thuộc khu quy hoạch, gây khó khăn trong quá trình xây dựng.
Lê Phong (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.