Nhiều tuyến cao tốc chậm tiến độ do thiếu nguồn vật liệu xây dựng
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện về việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết trong đó có các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho phép rút ngắn các thủ tục khai thác các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, nâng công suất các mỏ cát đang khai thác để đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu của các dự án.
Dù được khởi công xây dựng từ 1/1/2023, tuy nhiên đến nay nhiều gói thầu của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông còn vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng thông thường.
Ủy ban nhân dân các tỉnh mới hoàn tất thủ tục đăng ký khai thác cho 14 mỏ trong tổng số 51 mỏ đã được Chủ đầu tư, nhà thầu trình. Sau khi hoàn thiện các thủ tục xác nhận đăng ký khai thác, các nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận giá chuyển nhượng, đền bù với người dân khu vực mỏ khai thác vật liệu xây dựng; điều này làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thi công của nhà thầu. Nguyên nhân chính là một số các cơ quan, địa phương chưa nỗ lực, tích cực triển khai các chỉ đạo của Chính phủ.
Do đó, để đảm bảo tiến độ của dự án quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:
Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ để có những giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc.
Với lãnh đạo địa phương có dự án đi qua và có mỏ vật liệu xây dựng cần giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ mới, nâng công suất mỏ.Đồng thời không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện, thủ tục hành chính gây khó khăn vướng mắc cho các nhà thầu, chủ đầu tư….
Khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các dự án rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công.
Bộ trưởng Bộ GTVT thành lập tổ công tác làm việc thường xuyên với các tỉnh thành nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dư án.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với chiều dài khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công, tổng vốn đầu tư gần 147.000 tỉ đồng.
Cụ thể, đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.
Về nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Giải phóng mặt bằng các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe; riêng đối với các dự án thành phần Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe.
Thời gian chuẩn bị dự án là năm 2021 - 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công năm 2023, áp dụng các công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025.
-
Quốc hội thông qua dự án cao tốc Bắc – Nam gần 147.000 tỉ đồng
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với chiều dài khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công, tổng vốn đầu tư gần 147.000 tỉ đồng.
-
Hai tuyến cao tốc nào vừa được bổ sung vào quy hoạch?
Chính phủ vừa đồng ý bổ sung vào quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hai dự án cao tốc gồm Cà Mau – Đất Mũi và Quảng Ngãi – Kon Tum.
-
Loạt “ông lớn” Vinaconex, Đèo Cả, Hòa Phát… đứng trước thời cơ chưa từng có
ACBS kỳ vọng các ông lớn ngành nguyên vật liệu xây dựng hạ tầng như Vinaconex, Đèo Cả, Hòa Phát sẽ bứt phá nhờ việc hưởng lợi từ cơ hội đầu tư công lớn nhất từ trước đến nay.
-
12 dự án hạ tầng giao thông quan trọng nào sẽ được khởi công trong năm 2025
Trong năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức khởi công 12 dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên cả nước. Trong đó, nhiều dự án sẽ được khởi công ngay trong đầu năm 2025.