Kể từ tháng Sáu, căn hộ thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú Nga Dmitry Rybolovlev có thêm một tính năng chỉ dành riêng cho giới siêu giàu: khoản thế chấp trị giá 42,5 triệu USD từ JPMorgan Chase & Co. Với lãi suất 2,9%, hàng tháng vị tỷ phú Nga chỉ phải thanh toán khoảng 177.000 USD.
Tăng sử dụng đòn bẩy
Rybolovlev, người từ chối bình luận về thông tin trên, đã mua căn hộ này từ Sandy Weill khoảng một thập kỷ trước cho con gái Ekaterina. Gia đình tỷ phú Nga từng cố gắng bán nó đi một vài năm sau đó vì giá các bất động sản siêu sang trong thành phố bắt đầu giảm. Còn hiện tại, thay vì bán, họ dùng căn hộ này như một đòn bẩy tài sản.
Đây là một trong những khoản vay thế chấp lớn nhất được thu xếp trong những tháng gần đây, nhưng nó không phải là duy nhất. Các ngân hàng và tổ chức tài chính đang tăng cường cung cấp tín dụng cho những khách hàng mang lại doanh thu lớn nhất cho họ, sau khi ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất để bảo vệ nền kinh tế khỏi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điều này cho phép những người siêu giàu có thể vay để đầu tư vào thị trường chứng khoán, tiền điện tử hoặc bất động sản, ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp kéo dài khiến tình trạng phạm pháp nghiêm trọng lên mức cao nhất kể từ năm 2010.
Casey S. Kriedman, cố vấn tài chính tại Broad Group, một công ty có trụ sở tại New York trực thuộc UBS Global Wealth Management cho biết: “Lãi suất thấp nên khách hàng đang tìm cách tận dụng lợi thế, sử dụng một số hình thức vay nợ để có thể tiếp cận nguồn tiền rẻ”.
Sau khi trả nợ trong những ngày đầu của đại dịch, số lượng các khoản vay mua nhà từ 766.000 USD trở lên đã tăng hơn 2/3 vào tháng Tám so với một năm trước đó, theo Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp Hoa Kỳ. Giúp thúc đẩy xu hướng đó, ngày càng nhiều người mua những ngôi nhà lớn hơn ở ngoại ô hoặc nông thôn khi họ tìm kiếm nơi ẩn náu xa các thành phố, các chủ nhà chọn xin ngân hàng tái cấp vốn, còn các chỉ số của thị trường chứng khoán thì tăng vọt.
Michael Fratantoni, nhà kinh tế trưởng của hiệp hội này, cho biết: “Thị trường thế chấp cao cấp rất tập trung vào lợi nhuận thu được trên thị trường tài chính. Điều này ngược lại đang cung cấp thêm nguồn vốn để cho vay thế chấp”.
New York là một trong số ít thành phố lớn công khai dữ liệu thế chấp. Vào tháng Tám, ông trùm quảng cáo ngoài trời Drew Katz đã có một khoản vay trị giá 15 triệu USD từ việc thế chấp một căn penthouse ở New York mà ông đã mua 4 năm trước với giá 22 triệu USD, hồ sơ cho thấy. Vào tháng Tư, người sáng lập quỹ đầu cơ Dan Och đã có được một khoản vay thế chấp trị giá 50 triệu USD cho một ngôi nhà nằm tại khu vực tập trung các tỷ phú ở Manhattan mà ông đã mua vào năm ngoái. Tháng Năm, một công ty Hoa Kỳ do nữ thừa kế người Mexico Karen Virginia Beckmann kiểm soát - cô là thành viên của gia đình đứng sau công ty rượu Jose Cuervo tequila - đã nhận một khoản thế chấp trị giá 19 triệu USD cho một căn hộ mà họ đã mua 3 năm trước ở cùng khu vực.
Đại diện của Och và Beckmann từ chối bình luận, trong khi Katz không trả lời phỏng vấn thông qua quỹ của gia đình anh.
Các khoản thế chấp lớn được thu xếp ngay cả khi một số cư dân giàu nhất của New York rời khỏi thành phố do đại dịch giữa những lo ngại về các vấn đề chất lượng cuộc sống. Việc di cư đã làm tăng thêm lượng căn hộ cao cấp trên thị trường Manhattan, và nếu giá tiếp tục giảm có thể gây rủi ro cho các tổ chức cho vay. Danh sách hàng tồn kho ở Manhattan trong quý 3/2020 đã tăng lên 9.319 đơn vị, mức chưa từng thấy kể từ giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 11 năm trước.
“Điều này có khiến mọi người rời bỏ các thành phố có mật độ dân cư cao hay không?”, Fratantoni nói. “Có vẻ như tình trạng đó đang xảy ra ở New York và San Francisco”.
Nhà càng đắt càng hút khách
Ngoài New York và San Francisco, các nhà môi giới bất động sản và các chủ ngân hàng tư nhân từ Los Angeles đến London cũng đang chứng kiến sự gia tăng các khoản vay của những người chưa chắc đã cần tới tiền mặt.
Theo Charles Boulton, Giám đốc điều hành của ngân hàng tư nhân HSBC Holdings Plc tại Anh, London đang chứng kiến giới siêu giàu mua những ngôi nhà mới xây với giá hơn 20 triệu bảng Anh (26 triệu USD) trong thời gian đại dịch, họ thường được giảm giá và thỉnh thoảng còn mua nhiều ngôi nhà cùng một lúc. Trong khi đó, doanh số bán nhà ở có giá trên 1 triệu bảng Anh tại Anh đã tăng gấp đôi vào tháng Tám, vượt trội so với các phân khúc còn lại của thị trường. Trong đó, các bất động sản đắt tiền ở ngoại ô London được hưởng lợi nhiều nhất.
Boulton cho biết: “Trong khi một số khách hàng đã bán tài sản để giảm tỷ lệ nợ, thì cũng có sự thay đổi rõ rệt trong nhu cầu vay vốn từ một số khách hàng có tài sản ròng lớn trong những tháng gần đây. Lãi suất rẻ nhất từ trước đến nay đã mang lại những cơ hội đầu tư và sinh lời đáng kể cho nhóm khách hàng này”.
Trong khi đó, thị trường thế chấp của Hoa Kỳ cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa người thắng và người thua khi những người đi vay giàu có tận dụng lãi suất dài hạn ở mức bằng hoặc dưới 3%, còn số lượng người vay mua nhà thế chấp không có việc làm thì ngày càng chậm trả tiền. Do đó, giới siêu giàu trên thế giới có thể là nhóm hưởng lợi nhiều nhất từ việc lãi suất chạm mức thấp kỷ lục.
“Trên thực tế, bạn càng giàu thì bạn càng vay nhiều tiền”, Remi Frank, người phụ trách nhóm khách hàng chính của công ty quản lý tài sản BNP Paribas, cho biết. "Và các ngân hàng rất vui khi cho những người siêu giàu vay”.
-
Bất động sản Mỹ đứng trước nguy cơ tăng trưởng nóng do hạ lãi suất
CafeLand - Điểm đặc biệt duy nhất của nền kinh tế thời kỳ Covid-19 không phải là tốc độ lập kỷ lục của thị trường chứng khoán mà còn là sự bùng nổ không lường trước của thị trường nhà ở. Lĩnh vực này vốn được coi là cơ bản, nhạy cảm nhất của kinh tế và cũng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua tại Mỹ nhưng vẫn tăng rất mạnh.