Thời gian gần đây, hiện tượng giao dịch nhà đất bằng vàng, USD tưởng đã tắt ngấm từ đầu năm, bỗng bất ngờ xuất hiện trở lại.
Giao dịch nhà đất bằng vàng, USD 'ngấm ngầm' quay trở lại?

Nhiều chủ đầu tư vẫn ngầm lấy vàng làm thước đo giá trị bất động sản.


Điều ngạc nhiên là nhiều khách hàng tỏ ra rất hào hứng mang vàng, USD đi mua đất.

Trong buổi chào bán 103 nền đất mới đây tại dự án The IJC Commercial Town (Bình Dương) do Công ty Becamex IJC làm chủ đầu tư, có 12 khách hàng đem vàng và 14 khách hàng đem USD đến để đặt cọc mua đất nền tại dự án này. Theo thông tin từ đơn vị phân phối dự án này, Công ty địa ốc An cư lạc nghiệp, có khoảng 50% khách hàng đăng ký mua nền đất tại dự án The IJC Commercial Town đã thông báo sẽ thanh toán bằng vàng thay vì bằng tiền đồng như thông lệ.


Điều đáng chú ý, việc thanh toán hay đặt cọc nhà đất bằng vàng và USD mới nghe có vẻ như bất lợi cho người mua, song nhiều khách hàng lại thích phương án này hơn là thanh toán bằng tiền đồng.


Trao đổi với PV , ông Nguyễn Vĩnh Minh Thành, Tổng giám đốc Công ty An cư lạc nghiệp, giải thích, việc công ty cho phép khách hàng đặt cọc bằng USD và vàng có nhiều cái thuận tiện cho họ. Hiện, nhiều khách hàng đang có sẵn USD và vàng tích trữ do mua được từ thời điểm giá thấp, họ chỉ việc mang ra đặt cọc. Nhiều người có tiền đồng nhưng gửi tiết kiệm ở các ngân hàng và chưa đến kỳ đáo hạn, nếu họ cũng có vàng hay ngoại tệ tích trữ, thì có thể mang đi đặt cọc thay, không phải rút tiền đồng trước hạn.


Theo anh Nguyễn Anh Hương, Giám đốc Trung tâm giao dịch Bất động sản Cent’s Group ở quận Đống Đa, việc người dân thanh toán nhà đất bằng vàng, nếu giá vàng cao, thì sẽ bất lợi cho những người phải mua vàng mới để thanh toán. Còn những người có sẵn vàng tích trữ từ trước, họ được nhiều cái lợi hơn. Chẳng hạn, khi giá vàng lên 48 triệu đồng vừa qua, các doanh nghiệp vàng niêm yết giá bán ra 48 triệu đồng, thì giá mua vào chỉ từ 47 triệu đến hơn 47,5 triệu đồng. Nếu người dân mang vàng đi bán để lấy tiền đồng mua nhà, họ chỉ bán được ở giá mua vào. Trong khi chủ đầu tư hoặc đơn vị phân phối nếu yêu cầu khách hàng thanh toán bằng vàng, thông thường họ sẽ yết giá vàng theo giá bán ra.


“Thế nhưng, việc giao dịch nhà đất bằng USD đã bị cấm hoàn toàn. Còn việc giao dịch bằng vàng, theo tôi được biết, không có hiện tượng này tại các sàn giao dịch bất động sản ở Hà Nội thời gian qua. Cũng không có công ty địa ốc nào thông báo bán nhà đất bằng vàng, USD. Có chăng chỉ là việc mua bán trao tay giữa các cá nhân với cá nhân, không thông qua sàn”, anh Hương nói.


Nhận định về việc này, ông Bùi Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Sài Gòn thương tín (Sacomreal), khẳng định, việc doanh nghiệp giao dịch nhà đất bằng USD hiện nay là vi phạm luật. Tại sàn giao dịch bất động sản của Sacomreal không có việc giao dịch bằng bất cứ hình thức nào khác ngoài tiền đồng.


Khi được hỏi liệu việc cho phép khách hàng đặt cọc bằng vàng, USD để mua nhà đất có đi trái với quy định, Tổng giám đốc Công ty An cư lạc nghiệp giải thích, thực ra không phải khách hàng thanh toán bằng vàng, USD. Công ty chỉ tạm thu khoản đặt cọc bằng vàng, USD từ khách hàng và giữ cho họ. Sau đó, khi họ nộp tiếp tiền để mua đất nền, công ty sẽ trả lại họ số vàng, USD đã đặt cọc. Theo quy định, số tiền đặt cọc để mua đất nền tại dự án The IJC Commercial Town là 50 triệu đồng. Nếu người nào không muốn đặt bằng VND thì có thể thay thể bằng 1 lượng vàng hoặc 2.500 USD. Đây chỉ là một sự linh hoạt trong cách thức hỗ trợ thanh toán đối với khách hàng để kích cầu thị trường bất động sản hiện nay.


Thực tế, cách thức này lại được khá nhiều khách hàng ưa chuộng. Có đến 50% cá nhân đăng ký mua đất nền tại dự án trên bằng vàng. Ông Nguyễn Vĩnh Minh Thành cho hay, khi giá vàng đang chững lại, nhưng người dân còn hy vọng vào đà tăng của vàng, thì họ vẫn muốn giữ vàng. Song lúc cần tiền đồng thanh toán bất động sản, họ phải bán vàng đi. “Việc chúng tôi linh hoạt tạm thu vàng, USD của khách rồi trả lại giúp khách hàng không phải bán “lúa non”, lại tiết kiệm thời gian, công sức của họ”.


Ông Thành cũng cho biết, sẽ có thêm 2 – 3 dự án công ty phân phối thời gian tới được chào bán theo hình thức này.


Dù việc thanh toán bằng vàng, USD khá có lợi cho phía chủ đầu tư, nhất là khi giá vàng trong chu kỳ tăng nóng thời gian qua, song các doanh nghiệp bất động sản hiện nay lại không thích “phiêu” với phương thức này.


Phó tổng giám đốc Sacomreal Bùi Tất Thắng cho hay, nếu Nhà nước không cấm thì doanh nghiệp cũng không “mặn mà” với việc mua bán theo vàng, USD, bởi có khá nhiều rủi ro và rắc rối kèm theo. Bất động sản không nên được định giá theo vàng, bởi vàng lên xuống theo giờ, theo ngày. Hơn nữa, doanh nghiệp bất động sản không phải là doanh nghiệp kinh doanh vàng, nên khi họ thu nhẫn trơn hay vàng miếng từ khách, họ không thể giám định chất lượng, tuổi vàng của hết số vàng này. Có những giao dịch lên tới cả hàng nghìn lượng vàng, thì rủi ro sẽ rất lớn.


Theo thống kê sàn giao dịch địa ốc ACBR, số giao dịch nhà đất thành công bằng vàng tại TP HCM từ năm 2000 đến năm 2008, tỷ lệ mua bán nhà tính theo đơn vị lượng vàng tại sàn này chiếm 50-50 so với giao dịch bằng tiền đồng. Năm 2009, các thương vụ nhà đất bằng vàng đến 40% so với tổng số các thương được ghi nhận tại sàn. Đến năm 2010, tỷ lệ nhà phố giao dịch bằng vàng chỉ đạt dưới 10% và từ đầu năm 2011 đến nay, tỷ lệ này là 0%.


Nguyên nhân từ đầu năm đến nay, không có giao dịch nhà đất bằng vàng nào là do hồi đầu năm có tin đồn Ngân hàng Nhà nước sẽ cấm mua bán vàng miếng trên thị trường tự do.


Tuy nhiên, với khách hàng, điều quan trọng nhất không phải là thanh toán bằng hình thức nào, mà là giá nhà đất có tăng lên theo sự biến động của vàng, USD hay không.


Thực tế, dù số lượng giao dịch nhà đất bằng vàng giảm dần qua các năm nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn ngầm lấy vàng làm thước đo giá trị bất động sản. Ông Nguyễn Anh Hương cho hay, khi xây dựng phương án giá bán sản phẩm bất động sản, các chủ đầu tư đều có tính đến các yếu tố biến động tài chính trong đó có vàng, USD.

Theo Đông Nhiên (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.