Người mua đang nắm trong tay quyền chi phối thị trường, hay nói đúng hơn là công cụ điều tiết thị trường. Với nguồn cung sản phẩm nhà ở đa dạng như hiện nay cùng hệ thống thông tin "mở", khách hàng có đủ dữ liệu để nhận biết năng lực chủ đầu tư, tính pháp lý, tiềm năng của các dự án trước khi đi đến quyết định mua hay không.
Do đó, sẽ rất khó để có hiện tượng đặc biệt như năm 2007 quay trở lại. Còn việc sử dụng "quyền năng" này như thế nào là tùy thuộc vào người mua.
Bên cạnh những quy định bảo vệ người mua, theo tôi, dần dần, cũng nên thay đổi quan niệm trong các giao dịch nhà đất. Hiện, có khá nhiều quy định để bên bán tuân thủ, trong khi đó, người mua chưa được chú trọng.
Thực tế là không ít khách hàng tìm đến các công ty tiếp thị, phân phối BĐS đưa ra tiêu chí cụ thể để tìm mua BĐS, chẳng hạn, họ muốn căn hộ ở quận 4, có diện tích từ 65 - 70m2, hai phòng ngủ, giá dưới 2 tỷ đồng, hướng Đông - Nam, nhưng khi tư vấn tìm được sản phẩm đúng các tiêu chí này thì khách hàng lại bảo người nhà muốn mua căn hộ ở quận 2 hơn mà không trả bất kỳ một khoản phí nào.
Vậy trách nhiệm ở đâu?
Tại Việt Nam, việc áp dụng thu phí đối với người mua nhà chưa được quy định và có thể điều này sẽ trở nên viễn vong, nhất là trong thị trường khó khăn, đầy cạnh tranh như hiện nay sẽ không doanh nghiệp nào dám áp dụng phí, nhưng theo tôi, chí ít, phía người mua phải ý thức được trách nhiệm của mình trong một giao dịch mua bán.
Thị trường BĐS Việt Nam vài năm nữa phải thay đổi quan niệm này. Bên mua muốn nhà cung cấp dịch vụ tư vấn cho một BĐS thì phải trả tiền, dù không nhiều nhưng đó là khoản phí cần phải thu, ở nước ngoài, chuyện này là bình thường, nhằm tránh tình trạng một người mua nhưng đến 8 người phải chạy theo phục vụ.
Trong trường hợp sản phẩm đáp ứng đúng yêu cầu nhưng khách hàng không mua phải bồi thường hợp đồng dịch vụ đã ký giữa hai bên. Ở khía cạnh khác, việc không quy định rõ ràng trách nhiệm người mua đã khiến thị trường mất tính chuyên nghiệp, nhân viên của các đơn vị tiếp thị, môi giới BĐS thường "hóa trang" thành khách hàng chỉ để tìm hiểu thông tin lẫn nhau, đôi khi tạo nên hiện tượng "sốt ảo" vì giao dịch thực không diễn ra.
Do vậy, để hình thành nên một thị trường BĐS "chính quy" trong tương lai thì vấn đề không chỉ nằm ở nhà phát triển dự án, đơn vị tư vấn, tiếp thị dự án mà còn ở phía người mua. Nếu một trong các bên tham gia vào thị trường chưa được quy định rõ về quyền và trách nhiệm thì rất khó có một thị trường ổn định.