Khách hàng tại Dự án Chung cư mini Vinacomplex III mới đòi được chưa đến 30% số tiền đã góp. |
Gần
một năm qua, 12 khách hàng đóng tiền mua căn hộ của Dự án The Montana
(số 360 - Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) đã gửi
đơn đến Tòa án nhân dân quận Tân Phú để khởi kiện Công ty cổ phần
Thương mại dịch vụ may mặc xuất nhập khẩu Ngân Thanh, chủ đầu tư Dự án
The Montana để đòi lại khoản tiền họ đã góp để mua căn hộ. Tuy nhiên,
theo ông Nguyễn Anh Tú, khách hàng mua căn hộ B37 của Dự án The Montana,
đại diện cho những khách hàng mua căn hộ cho biết, dù Tòa đã thụ lý
đơn, thu tiền án phí, nhưng đến nay, vụ việc vẫn chưa được đưa ra xét
xử.
Ông
Tú cho biết, năm 2008, Dự án The Montana công bố khởi công và quảng bá
rằng, đây là căn hộ cao cấp nhất của quận Tân Phú, được xây dựng theo
phong cách châu Âu… Cam kết của chủ đầu tư là tháng 6/2010 sẽ bàn giao
nhà cho khách hàng.
“Tuy nhiên, sau khi huy động vốn của khách hàng, chủ đầu tư dự án này không tiến hành xây dựng như cam kết, sau đó gửi thông báo đến cho chúng tôi với nội dung tạm ngưng xây dựng”, ông Tú than thở và cho biết, sau khi thông báo ngưng xây dựng, họ trả lại cho khách hàng khoảng 30% số tiền đã góp rồi im hơn đến nay.
Tương tự, sau nhiều lần đòi lại tiền không được, mới đây, nhiều khách hàng mua căn hộ Dự án Chung cư mini Vinacomplex III đã phải “đội đơn” đến cơ quan cảnh sát điều tra tố cáo ông Dương Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Tổ hợp Vina (Công ty Vina), đơn vị tự nhận là chủ đầu tư của Dự án Chung cư mini Vinacomplex III đã có hành vi lừa đảo, vẽ dự án “ma” để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của khách hàng. Tuy nhiên, con đường đòi lại tiền của khách hàng sẽ còn lắm gian truân.
Theo
tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, đầu năm 2011, Công ty Vina đã thông
tin rầm rộ việc mở bán Dự án Vinacomplex III. Đây được xem là dự án
chung cư mini đầu tiên ở TP.HCM, nên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ
các khách hàng có nhu cầu mua để ở. Theo đó, “dự án” mà ông Hùng công bố
chính là căn nhà số 622/38 Cộng Hòa, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM,
do hai vợ chồng bà Trần Thị Hồng Loan đứng tên.
Pháp
lý để ông Dương Mạnh Hùng trưng ra lúc đó làm cơ sở để thu tiền của
khách hàng là một hợp đồng ủy quyền ngày 9/12/2010, do vợ chồng bà Loan
ủy quyền cho Công ty Vina (do ông Hùng làm đại diện pháp luật), được
thay mặt vợ chồng bà Loan quản lý sử dụng, xin phép, sửa chữa, hoàn
công, cho thuê, cho mượn, bán, tặng cho…
Từ nội dung hợp đồng ủy quyền này, ông Hùng đã “vẽ” ra dự án chung cư mini có quy mô 9 tầng với 19 căn hộ. Tin vào giấy ủy quyền này, gần 20 khách hàng đã đóng cho Công ty Vina số tiền gần 5 tỷ đồng để mua căn hộ. Mọi người đã tá hỏa, khi sau đó, bà Loan thông báo, ông Hùng không có quyền gì liên quan đến căn nhà trên, đồng thời đưa ra giấy hủy nội dung ủy quyền (ngày 9/12/2010) có xác nhận của công chứng.
Không
còn gì để nói, ông Hùng đành chấp nhận trả lại tiền cho các khách hàng.
Nhưng gần một năm qua, sau khá nhiều lần khất nợ, đến nay, ông Hùng mới
trả lại cho khách hàng chưa đến 30% số tiền đã đóng.
Bài học nhãn tiền
Có
thể nói, việc vẽ dự án rồi huy động tiền của khách hàng trong lĩnh vực
bất động sản là câu chuyện không mới, nhưng dường như vẫn còn giữ nguyên
tính “thời sự” về bài học cho khách hàng mua nhà ở, đặc biệt trong bối
cảnh có khá nhiều dự án mờ nhạt về tính pháp lý, nhiều chủ đầu tư yếu về
năng lực tài chính để triển khai dự án như hiện nay.
Theo
Luật sư Nguyễn Tấn Hải (Đoàn Luật sư TP.HCM), nhìn lại những vụ việc
khách hàng mua phải dự án dỏm gần đây, có thể thấy, phần nhiều có các
yếu tố lừa đảo hoặc chiếm dụng vốn.
Cũng
theo Luật sư Hải, kết luận lừa đảo hay không đối với vụ việc hình sự
và ai đúng, ai sai trong các vụ việc dân sự thuộc về trách nhiệm của cơ
quan chức năng. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là, việc đòi lại được tiền
của khách hàng sẽ rất nhiêu khê.
“Cách tốt nhất là khách hàng phải biết tự bảo vệ mình, phải tìm hiểu kỹ tính pháp lý dự án, uy tín, năng lực chủ đầu tư trước khi quyết định mua nhà”, Luật sư Hải lưu ý.