Thông qua triển lãm kéo dài đến hết năm 2013, BTC mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân.
Căn hộ giãn dân sẽ bị thu hồi nếu người dân quay về phố cổ
Đề án giãn dân phố cổ bao gồm các nội dung chính: Đề án giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm; giá trị di sản khu phố cổ; dự án đã thực hiện; các hộ dân đã di chuyển khỏi khu phố cổ trong năm 2010-2012; dự án khu nhà ở giãn dân phố cổ… Đề án này chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I dự án sẽ di chuyển khoảng 1.530 hộ dân trong khu phố cổ sang sống tại khu giãn dân Việt Hưng. Dự án sẽ bắt đầu từ quý IV-2013 và hoàn thành vào quý IV-2016. Giai đoạn I tập trung di chuyển những hộ dân hiện đang sống trong các công trình, di tích, công sở, trường học, những công trình nhà ở có giá trị cần bảo tồn, biển số nhà xuống cấp, nguy hiểm, các biển nhà đông hộ và những hộ dân tự nguyện xin di chuyển khỏi khu phố cổ. Giai đoạn 2 sẽ di dời 5.020 hộ dân ngay khi giai đoạn I kết thúc.
Đối với các đối tượng tự nguyện giãn dân, mỗi hộ giãn dân được mua một căn hộ, số nhân khẩu phù hợp với diện tích căn hộ và được miễn tiền sử dụng đất (không bao gồm giá đất và chi phí hạ tầng kỹ thuật). Ngoài ra, với các hộ trong diện giãn dân phố cổ - nếu đang sinh sống, kinh doanh tại diện tích nhà mặt phố trong khu phố cổ hoặc hộ dân có nhu cầu kinh doanh thương mại để đảm bảo cuộc sống - sẽ được xem xét bố trí kinh doanh dịch vụ tại tầng 1 của các tòa nhà 9 tầng trong khu nhà ở giãn dân phố cổ tại KĐT mới Việt Hưng.
Theo ông Phạm Tuấn Long, Phó trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội, có khoảng hơn 700 hộ thuộc diện bắt buộc phải di dời khỏi phố cổ và tổng mức đầu tư dự kiến cho giải phóng mặt bằng khoảng 1.572 tỷ đồng.
Lịch đề ra là quý IV năm nay, giai đoạn I đã bắt đầu triển khai nhưng khi tìm hiểu một số hộ dân sống tại di tích hoặc số nhà xuống cấp trầm trọng, thông tin họ nhận được vẫn hết sức ít ỏi.
Chúng tôi tìm đến hộ gia đình bà Nguyễn Thị Phương, sống tại đình Trung Yên, phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thì được bà cho biết, gia đình biết thông tin này qua triển lãm chứ cũng chưa có thông báo chính thức của cơ quan chức năng nào cả. Dù nhà bà chắc chắn nằm trong diện di dời do sống trong di tích. Gia đình bà Phương chỉ khoảng trên 10m2, ẩm thấp, tối như bưng nhưng là chỗ tá túc của 3 người lớn và 4 đứa trẻ. Quạt điện làm việc cật lực để thổi đi những bí bách, nóng nực và cả mùi cống rãnh. Đã thế không gian càng bí bức hơn khi được chủ nhân tận dụng để treo đồ đạc lên khắp nơi. Đây cũng là cảnh tượng chung của nhiều hộ gia đình trong phố cổ Hà Nội: Xập xệ, ẩm thấp, hôi hám. Người ta tận dụng từng cm tường, nền nhà, trần nhà, cánh cửa, giường, gầm giường, gác xép...
Tính tới thời điểm này, gia đình bà Phương đã sống ở đây tới thế hệ thứ 5. Bà nói hồi năm 2009, dù biết là nhà bà thuộc diện di dời mà vẫn có người tới trả 3 tỷ đồng nhưng do ở đây dễ kiếm sống nên gia đình không muốn bán. Với hơn 3 triệu đồng tiền lương hưu, bà Phương đã dành mặt tiền và một phần nhà ở cho thuê cửa hàng bán đồ ăn sáng và trưa. Bà Phương chia sẻ cũng không muốn sống thế này vì quá chật chội lại ở nơi linh thiêng, nhưng cuộc sống mưu sinh ở đây vẫn dễ thở hơn nên cố gắng bám trụ.
Tuy không ở trong khu vực di tích như nhà bà Phương nhưng nhà bà Trần Thị Lý, tại Hàng Bè lại khá chật chội, thuộc diện số nhà đông hộ. May mắn thay căn nhà của bà lại ở tầng 1 dù chỉ có 15m2 cho 7 nhân khẩu gồm cả trẻ con và người lớn. Dù chật, nhưng bà vẫn ngăn 10m2 ra để cho thuê kiếm 10 triệu đồng/tháng. Song vì quá chật, một đôi vợ chồng cùng đứa cháu nội của bà đã phải về nhà ngoại tá túc. Bà và hai người con sống trong 5m2 còn lại cộng với một căn gác lửng làm chỗ ngủ. Đã thế bà còn tận dụng mặt tiền bé xíu còn lại để bán trà đá. Bà cho biết: “Nếu phải giãn dân sang KĐT Việt Hưng, nhà tôi “thất thu” khoảng 20 triệu đồng/tháng. Trong khi hai người con của tôi một đứa thì ốm lâu ngày thất nghiệp, một đứa công việc bấp bênh, tôi còn phải chu cấp thêm cho đứa cháu, vậy cả nhà tôi lên tầng cao ở rồi ôm nhau chết đói?!”.
Danh sách các hộ bắt buộc phải di dời tại sao đến thời điểm này vẫn chưa được công bố, ông Phạm Tuấn Long cho biết, danh sách hơn 700 hộ này sẽ được thông báo dần dần kế hoạch di dời tương ứng với sự hoàn thiện của các tòa nhà bên KĐT Việt Hưng. Với mức đền bù, sẽ tùy quy mô, diện tích mỗi khu nhà, khu phố và chính sách đền bù của từng năm để đền bù cho người thuộc diện phải di dời. Ông Long chia sẻ, năm nay, quận đang thực hiện di chuyển 5 hộ dân đang sống tại quán chùa Huyền Thiên, phường Đồng Xuân, mỗi hộ nhận mức tiền đền bù trung bình khoảng 2 tỷ đồng/hộ. Đồng thời tổ chức, kiểm tra ngăn chặn việc các hộ dân quay trở lại khu phố cổ xây dựng cơi nới diện tích trong các biển số nhà đã được giãn dân để đảm bảo mật độ dân số và điều kiện bảo tồn, tôn tạo các khu nhà cổ.
UBND quận Hoàn Kiếm cũng khẳng định, dù là đối tượng bắt buộc phải di dời hay tự nguyện di dời, TP sẽ kiểm soát nhân khẩu trong từng số nhà cả đầu đi và đầu đến. Trường hợp nhận nhà không đến ở, bán hoặc cho thuê, đồng thời quay trở lại nơi ở cũ thì sẽ bị thu hồi căn hộ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Niềm tự hào và áp lực mưu sinh
Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, bảo tồn phố cổ, phố cũ Hà Nội cần nghiên cứu theo hướng gìn giữ và khôi phục lại hình ảnh một cách tổng thể sao cho phù hợp với nhịp sống đương đại hơn là chỉ dựa trên ý chí chủ quan. Trong tâm thức của người Hà Nội có rất nhiều niềm tự hào là người dân phố cổ nhưng vì áp lực cuộc sống vẫn đang ngày đêm dồn ép lên vai họ. Trước khi kịp có thời gian nghĩ về một Hà Nội xưa đẹp ấy, thì họ phải lo cho cuộc mưu sinh trước đã. Đối với việc giãn dân phố cổ không chỉ là di dời các hộ dân sang tái định cư tại nơi ở mới, mà còn phải giải quyết được vấn đề mưu sinh, cuộc sống thường nhật của họ. Dân phố cổ bao đời nay tuy sinh hoạt có phần chật chội, nhưng đã quen với việc một bước ra phố. Giờ đây đưa họ sang một khung cảnh mới, thay đổi toàn bộ nếp sống, thói quen sinh hoạt và cả thu nhập là một bài toán không hề đơn giản. Rất nhiều khu tái định cư không chợ, không trường, không trạm xá, vẫn là nỗi lo lắng của không ít người.
Theo ý kiến của ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, ông luôn trăn trở với câu hỏi là bảo tồn phố cổ cho ai? Cho những người bên ngoài đến “ngắm” hay là cho những người dân phố cổ? Thực tế, phần lớn người dân phố cổ đã không còn nhu cầu bảo vệ nguyên trạng những ngôi nhà đó nữa. Do chất lượng cuộc sống trong những ngôi nhà cũ nát này quá thấp và không đảm bảo an toàn. Bảo tồn để giữ gìn vẻ đẹp Hà Nội xưa, để phát triển du lịch thì ai cũng hiểu và ai cũng muốn nhưng với người dân, cuộc sống hàng ngày luôn là những đòi hỏi cấp bách hơn nhiều. Vì vậy, bảo tồn phố cổ không thể thành công nếu như không có sự hợp tác của chính những cư dân đang sinh sống tại đây. Tiếp đến là bảo tồn phố cổ Hà Nội đó là bảo tồn cái gì? Như các nhà nghiên cứu đã nói, kiến trúc trong các khu phố cổ Hà Nội thật ra là không cổ, chỉ mới tồn tại từ đầu thế kỷ 20. Dù vậy, phố cổ Hà Nội vẫn hấp dẫn du khách ở dáng vẻ kiến trúc không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới, bởi lối sống, lối kinh doanh đặc trưng của người dân nơi đây. Ở phố cổ Hà Nội, đi một bước lại có cái mới lạ, bất ngờ; rẽ qua một con phố lại có một màu sắc khác, rất thú vị... Lối sinh hoạt thường ngày của người dân trong cái chật chội, việc kinh doanh san sát ở các mặt tiền, trên hè phố cũng làm nên hồn cốt phố cổ. Vậy làm sao giữ được những nét đặc trưng đó mới là quan trọng.
Còn cảm nhận riêng của người viết, khi xem mô hình trưng bày tại triển lãm đề án, rất đẹp, rất truyền thống, cổ xưa. Nhưng lúc đó các ngôi nhà thành di tích mang phong cách kiến trúc na ná nhau, nhịp sống tạo nên hồn phố cổ của người dân không còn nhiều như bây giờ, có khi hồn phách phố cổ lại mất đi ít nhiều.
16 tòa nhà giãn dân phố cổ có kinh phí 5.000 tỷ đồng |