7 năm trước Đà Nẵng thực hiện Đề án phân bổ dân cư trên địa bàn TP đến năm 2020 với mục tiêu cơ bản là giảm tải dân số cho các quận trung tâm, tránh quá tải hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Mặt khác, Đề án cũng khuyến khích người có trình độ cao, có nhà ở và việc làm ổn định nhập cư vào khu vực ngoại thành để giãn dân, phát triển các khu vực đô thị mới. Thực tế đến nay, Đề án đã mang lại hiệu quả gì?

Một góc khu đô thị mới Hòa Xuân được phát triển phục vụ giãn dân cư.

Để xây dựng một đô thị có môi trường sống chất lượng thì Đề án phân bổ dân cư nhằm hài hòa với điều kiện hạ tầng xã hội là hoàn toàn phù hợp. Trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm thiểu tình trạng nhập cư, tạm trú vào các quận trung tâm, Đà Nẵng vẫn tuân thủ đúng quy định của Luật Cư trú. Cụ thể, TP quy định diện tích sàn về chỗ ở/đầu người nhất định trước khi thực hiện đăng ký thường trú để tránh tình trạng quá tải, gây sức ép về hạ tầng và dịch vụ xã hội tại các khu vực trung tâm.

Nhờ công tác tuyên truyền phát huy hiệu quả nên người dân hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong thực hiện đăng ký cư trú, số xử lý vi phạm trong lĩnh vực cư trú giảm qua các năm. Thống kê hiện Đà Nẵng có hơn 1,1 triệu người (hơn 985 ngàn người thường trú và hơn 223 ngàn người tạm trú, trong đó số người ngoại tỉnh tới TP hơn 152 ngàn người). Từ năm 2013 đến nay số người ngoài tỉnh nhập khẩu vào Đà Nẵng đã tăng gấp đôi song tỷ lệ vi phạm về cư trú qua kiểm tra đã giảm từ 17% xuống còn 2%.

Bên cạnh hiệu quả về quản lý cư trú, Đề án phân bổ dân cư góp phần quan trọng phát triển hạ tầng không gian đô thị vùng ven. Theo đó, nhiều dự án mới về đô thị, nhà ở, giao thông, y tế, giáo dục đã được đầu tư phát triển phục vụ giãn dân. Đơn cử về nhà ở, đến nay TP đã hoàn thành đưa vào sử dụng 208 khối nhà với hơn 12,7 ngàn căn hộ, các khu ký túc xá tại Hòa Khánh Nam hơn 1,1 ngàn phòng, khu chung cư cao tầng cho người thu nhập thấp ở Phước Lý hay 142 căn hộ chung cư nhà ở xã hội tại KCN Hòa Khánh... Đặc biệt, TP đã mở rộng phát triển các khu đô thị mới về phía Tây, phía Nam với 7 vùng quy hoạch phân khu quy mô hơn 52,3 ngàn ha, đảm bảo cho dân số tới 2,4 triệu người vào năm 2030. Từ đó, các khu đô thị Hòa Xuân, Đồng Nò, Golden Hill, Bàu Tràm, TĐC Hòa Liên... đã được xây dựng nhằm giãn dân.

Để thực hiện hiệu quả việc giãn dân, TP đã đầu tư đồng bộ hạ tầng xã hội ở các vùng đô thị mới, nhất là mạng lưới giao thông, y tế, giáo dục, cấp thoát nước... Cụ thể về giao thông, TP đã đưa vào 12 tuyến xe buýt kết nối nội thành với tất cả các vùng đô thị mới phía Nam, Tây, Tây Bắc. Đầu tư đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm như cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông, đường Võ Chí Công, nút giao thông Ngã ba Huế, đường Hoàng Văn Thái nối dài lên Bà Nà, đường vành đai phía Nam, phía Tây, đường ven sông Tuyên Sơn- Túy Loan...

Chỉ trong 7 năm, giao thông đường bộ của Đà Nẵng đã tăng từ 1 triệu lên 1,4 triệu km. Về cấp nước sạch, TP không ngừng đầu tư đảm bảo 100% dân cư thành thị được cấp nước sạch. Trong đó, TP đã nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ thêm 80.000 m3/ngày đêm, đầu tư thêm 1 dây chuyền xử lý mới tại Cầu Đỏ với công suất 60.000 m3/ngày đêm, đang triển khai Nhà máy nước Hòa Liên, công suất 120.000 m3/ngày đêm, nâng công suất Trạm bơm phòng mặn An Trạch thêm 210.000 m3/ngày đêm... Về y tế, các bệnh viện quận huyện đã đầu tư, triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến trong khám điều trị đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại địa phương, góp phần giảm tải cho tuyến trên, đặc biệt khi triển khai thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT...

Thêm một dây chuyền xử lý nước công suất 60.000 m3/ngày đêm được đầu tư tại Nhà máy nước Cầu Đỏ đảm bảo 100% cư dân đô thị được cấp nước sạch.

Ngoài ra, mạng lưới cơ sở hạ tầng y tế không ngừng được mở rộng ngoại vi trung tâm TP như đưa vào sử dụng Bệnh viện đa khoa Hòa Vang, Trung tâm y tế Liên Chiểu; đang triển khai thi công hoàn thành Bệnh viện Y học cổ truyền tại Hòa Xuân; tiếp tục Nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi tại Hòa Quý từ 600 giường lên 1.000 giường bệnh; chuẩn bị đầu tư Trung tâm y tế Cẩm Lệ, Bệnh viện Đà Nẵng cơ sở 2 tại Hòa Quý với 4 dự án (Trung tâm huyết học, Trung tâm Y học nhiệt đới, Trung tâm lão Khoa, Bệnh viện Đa khoa chất lượng cao).

Có thể nói, về cơ bản mạng lưới dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, lao động ở các khu vực đô thị mới được đầu tư đồng bộ đã góp phần hiệu quả trong thực hiện mục tiêu giãn dân, tránh áp lực quá tải cho khu vực trung tâm. Từ đây đô thị Đà Nẵng phát triển hài hòa, cân bằng giữa các khu vực, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Nói không quá, chính nhờ Đề án mà đô thị Đà Nẵng được mở rộng hơn với hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tuy vậy, nhìn lại quá trình thực hiện Đề án, nhiều bất cập mới cũng nảy sinh.

Chẳng hạn công tác quy hoạch và đầu tư chưa đồng bộ, nhất là trong việc phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị liên quan, chưa gắn kết với phát triển hệ thống giao thông công cộng, giao thông tĩnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất. Tiến độ đầu tư xây dựng một số dự án nằm trong quy hoạch được duyệt, có tác động thúc đẩy toàn vùng nhưng triển khai chậm, như cảng Liên Chiểu, Di dời ga đường sắt, nâng cấp QL14B, QL14G, QL14D... Trong khi đó, tại khu vực trung tâm, du lịch phát triển mạnh, du khách tăng cao dẫn tới quá tải giao thông, cấp nước sinh hoạt, đặc biệt khu vực ven biển phía Đông.

Rõ ràng, để Đề án thực sự hiệu quả như mục tiêu đề ra, ngoài việc đầu tư đồng bộ các vùng đô thị giãn dân thì ngay khu vực trung tâm cũng phải tái thiết lại, đảm bảo không để rơi vào tình trạng quá tải hạ tầng xã hội, giảm chất lượng môi trường sống.

Hải Quỳnh (Công an TP.Đà Nẵng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.