14/06/2014 7:32 PM
Vì lý do sinh kế và giá trị “tấc đất, tấc vàng” của phố cổ, chuyện thỏa thuận ai đi, ai ở không hề dễ dàng và nhiều nguy cơ phát sinh tranh chấp, mâu thuẫn giữa chính những người ruột thịt.
Theo nội dung đề án giãn dân phố cổ, những hộ gia đình có diện tích bình quân dưới 5m2/người thuộc diện phải di dời. Phần lớn những cư dân kỳ cựu đã qua nhiều thế hệ sinh sống dưới cùng một mái nhà ở đây đều thuộc diện này. Họ có thể thỏa thuận với nhau ai đi, ai ở và có quyền bán lại diện tích nhà của mình cho hộ láng giềng, trường hợp không thỏa thuận được sẽ bị cưỡng chế di dời.
6m2 gầm cầu thang, mái ấm của 3 người
Đặc trưng nhà ở phố cổ Hà Nội là nhà hình ống, mặt tiền hẹp, trung bình chỉ từ 2-4m, chiều dài có thể từ 20-60m, một số trường hợp lên tới 150m. Diện tích mỗi phòng phần lớn từ 7 -10m2, rộng lắm là hơn 20m2, có những hộ gia đình chỉ sống trong diện tích vẻn vẹn 4m2.
Có những ngôi nhà được chia ra để cho con cái nhưng sau đó con cái bán đi mua nơi khác, dẫn đến tình trạng sau này cùng một số nhà nhưng có tới 5 hay 7 chủ cùng sở hữu, thậm chí có tới chục chủ sở hữu. Các hộ dân sống chung số nhà nhiều khi phải dùng chung công trình phụ, trưng dụng lối đi làm nơi nấu nướng, để vật dụng, gây bất tiện trong sinh hoạt gia đình và cả những hộ xung quanh. Với thực trạng này, có rất nhiều hộ phải di dời nhưng lựa chọn ai đi, ai ở là hết sức khó khăn.
Cô N.T.T (50 tuổi) sinh ra và lớn lên tại số nhà 33 Hàng Vải cùng 8 anh, chị em. Ngôi nhà do bố mẹ cô thuê của Nhà nước từ năm 1953 diện tích ban đầu chỉ 20m2. Nhưng do hoàn cảnh đông con nên sau đó được Nhà nước cho thuê lại chân cầu thang của số nhà này, diện tích hơn 6m2 - hơn 30 năm qua là nơi trú ngụ cho vợ chồng cô và đứa con.
Chồng làm xe ôm, cô T bán nước tại vỉa hè này đã ngót nghét 25 năm. Nhà chật nên đến mùa hè nóng nực, cả nhà nhiều lúc phải thay phiên nhau về nhà nghỉ trưa. Tối đến cả 3 người chui dưới gầm cầu thang của nhà, dắt thêm cái xe máy kiếm cơm vào thì coi như chật cứng, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Theo cô T, cái gầm cầu thang này từ xưa tới giờ vẫn là nhà cô thuê của Nhà nước, nếu có tiền đã làm sổ đỏ lâu rồi. Giờ có muốn bán cho nhà bên cạnh hay nhà ở lại cũng không bán được, mà cũng chẳng ai chui vào cái gầm cầu thang này ở làm gì. Sống khổ như vậy nhưng ít nhất vẫn có chỗ trú thân, nếu phải di dời thì tiền đâu để nhà cô mua căn hộ mới và lấy gì làm phương kế sinh sống trong các căn hộ chung cư?
Một căn nhà 50 hộ, ai bán cho ai?
Bà L.T.H đã gần 70 tuổi và cũng từng ấy năm sống tại số nhà 53 Hàng Buồm. Cùng số nhà này nhưng có tới hơn 50 hộ, với trên 200 người sinh sống. Số gia đình trong cùng số nhà này có thể tính được thành một tổ dân phố, sinh hoạt như một cộng đồng dân cư thu nhỏ. Bao năm qua chừng ấy con người vẫn cùng nhau chen chúc trong không gian chật hẹp, thiếu ánh sáng, trời mưa trong nhà vẫn phải căng bạt che; vẫn tranh nhau từng chỗ để xe, tận dụng lối đi và từng giọt nước sinh hoạt. Với một cộng đồng phức tạp như vậy thì việc thỏa thuận ai đi, ai ở là hoàn toàn không đơn giản và nếu cưỡng chế di dời họ dễ có thể nguy cơ xảy ra xung đột.
Căn phòng bà H đang ở trước kia là nhà vệ sinh thời Pháp, chưa đầy 5m2. Chồng bà qua đời hơn chục năm trước, bà H hiện sống một mình, sáng sáng với gánh xôi và giỏ nước chè. Với bà, giờ đây nhà cao cửa rộng chẳng quan trọng, mà đúng hơn chính bản thân bà cũng không dám nghĩ tới điều cao sang đó. Bởi nhà bà ở cũng chỉ là đi thuê của Nhà nước, giờ có được đền bù hay hỗ trợ cũng lấy tiền đâu mua nơi khác.
Mặc dù sống khổ cực, khó khăn là vậy nhưng bà H vẫn luôn thấy vui vì ngày ngày được nhìn thấy mọi người nhộn nhịp đi lại. Bà đã quen với cuộc sống này bao năm qua và vẫn muốn nhìn thấy cuộc sống thế này tới khi nhắm mắt xuôi tay.
Ai cũng muốn bám trụ “đất vàng”
Những người ung dung nhất trước chủ trương này có lẽ là những gia đình sống tại mặt tiền của các số nhà, mở cửa hàng làm ăn buôn bán dễ kiếm tiền và quan trọng là không phải di dời đi đâu. Có tiền trong tay, họ có thể thương thảo mua lại được những diện tích bên trong từ các “di dân”.
Còn thực tế đang diễn ra tình trạng đáng buồn bắt nguồn từ việc giãn dân này. Cùng nhau chen chúc trong ngôi nhà chật hẹp mãi chẳng ai có ý kiến gì, anh em, họ hàng vẫn nhường nhịn, giúp đỡ nhau để làm ăn buôn bán. Nhưng tới khi xác định ai trở thành “di dân”, anh em máu mủ ruột già cũng phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp. Dù chưa có điều gì đáng tiếc xảy ra nhưng họ cũng ít nhiều tỏ thái độ bằng mặt mà không bằng lòng hay toan tính, cãi vã… Vì đâu nên nỗi, cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh, vì áp lực đồng tiền nuôi gia đình, vợ con.
Như trường hợp gia đình bà Đ.T.T ở phố Tạ Hiện, chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi hai cô con gái. Ngôi nhà đang ở được hơn 20m2 đã phải ngăn ra cho vợ chồng cô lớn gần nửa, bây giờ cô bé cũng tới tuổi cập kê. Cả gia đình bao năm nay sinh sống bằng cái quán nhỏ bán đồ ăn nhanh cho khách du lịch trong phố, cũng đủ ăn đủ sống.
Gia đình cô lớn được phần nhà trên để trông quán ăn, cô bé ở với bà nhà dưới. Hàng ngày cô bé bán hàng vải ở chợ Đồng Xuân, tối về lại phụ mẹ và chị bán hàng ăn. Ở khu phố này người ta chỉ kiếm tiền về đêm vì cứ từ chiều tới đêm lúc nào cũng chật kín khách du lịch tới ăn uống. Nhưng từ ngày mới nghe đến việc giãn dân, chưa biết thế nào nhưng hai con của bà T đã bất hòa, ai cũng muốn ở lại “đất vàng” này để dễ bề sinh sống.
Cô chị thì muốn lấy nốt phần nhà trong để mở rộng cửa hàng, cô em cũng muốn mua lại cửa hàng của cô chị nên chẳng ai chịu ai, chị em từ đó cãi vã to tiếng. Điều đó làm người mẹ rất khổ tâm. Bà cho biết đã ở tuổi gần đất xa trời nên thế nào cũng được, chết có mang được đi đâu, cũng để lại hết cho hai đứa con. Nhưng nhìn các con như thế bà có nhắm mắt cũng không đành lòng.
Có trường hợp còn dở khóc dở cười: Nhà ông N.T.D mấy anh em sống bao năm chung một số nhà ở phố Hàng Lược, luôn vui vẻ, khăng khít, giúp đỡ nhau. Nhưng từ ngày có việc giãn dân, kẻ ở người đi còn chưa ngã ngũ nhưng anh em đã hết gắn bó keo sơn. Họ tranh nhau từng chỗ để xe hay làm khó nhau từng xô nước sinh hoạt. Ai cũng muốn bám trụ lại mảnh đất này, ai cũng muốn sở hữu nốt phần còn lại của số nhà. Đó là lý do khiến bao nhiêu lần anh em “họp” lại nhưng chưa bao giờ có được kết quả ổn thỏa.
Thiết nghĩ một dự án cải tạo và phát triển dân cư đô thị phải dự đoán và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế, nếu không sẽ khó đạt những mục tiêu mong muốn mà còn có thể phát sinh những hậu quả khó lường về xã hội.
(Còn tiếp)
Khánh Tùng (Pháp Luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.