15/09/2017 2:34 PM
Việc lãi suất có thể giảm tiếp theo đề nghị của Chính phủ xem ra tương đối khó khăn.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu NHNN từ nay tới cuối năm giảm tiếp 0,5% lãi suất cho vay. Câu hỏi được đặt ra là điều này liệu có khả thi trong điều kiện hiện nay hay không?
Thực tế, những yếu tố có thể hỗ trợ cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay không phải là không có. Ví như, thanh khoản của hệ thống NH đang được duy trì khá tốt khi lãi suất liên NH các kỳ hạn duy trì mức thấp, tăng nhẹ từ 0,2 - 0,3% so với cuối tháng 7/2017. Hay, trong nửa đầu năm 2017, nhiều nhà băng báo lãi với những con số khả quan. Đến hết tháng 7/2017, ước tính lợi nhuận của các TCTD đạt khoảng 41.000 tỷ đồng, tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2016. Và sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ ngày 15/8/2017), thị trường kỳ vọng đây sẽ là cơ sở, tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu ngày càng phát huy hiệu quả hơn. Từ đó các NH có thể giảm chi phí, có thêm điều kiện giảm lãi suất.
Tuy nhiên, yếu tố hỗ trợ kể trên không đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay có thể giảm xuống một cách dễ dàng. Tín dụng cả năm theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017 là đạt khoảng 21%. Như vậy, là có khoảng hơn 600 ngàn tỷ đồng sẽ được “chảy” vào nền kinh tế trong gần 4 tháng cuối năm. Nhưng liệu có chắc DN có khả năng hấp thụ được khối lượng vốn này hay không?
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh Chính phủ muốn giảm lãi suất, đồng thời đẩy mạnh tín dụng tăng trưởng khoảng 21% có thể được xem là dấu hiệu của chính sách tiền tệ nới lỏng. Và nếu là chính sách tiền tệ nới lỏng như vậy thì mục tiêu lạm phát giữ ở mức 4% sẽ khó.
Giảm tiếp lãi suất là lộ trình gian nan đối với ngân hàng
Chính phủ muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là động cơ cho phát triển kinh tế những năm tới, cũng như để bù lại bội chi ngân sách phần nào thì có lẽ phải chấp nhận tỷ lệ lạm phát không thể ở mức 4%. Ngược lại, trường hợp Chính phủ và NHNN muốn duy trì tỷ lệ lạm phát như mục tiêu đặt ra và tăng trưởng tín dụng ở mức trên 21%, kết hợp với lãi suất giảm là khá gian nan.
“Vấn đề đặt ra là chúng ta sẵn sàng giảm lãi suất để tăng trưởng, chấp nhận một tỷ lệ lạm phát cao hay không? Nếu chấp nhận một tỷ lệ lạm phát cao hơn 4% - hy sinh phần nào sự ổn định tiền đồng thì việc giảm lãi suất mới tương đối khả thi”, chuyên gia thẳng thắn nhìn nhận.
Xu hướng lạm phát là một trong những nhân tố quan trọng quyết định tới điều hành lãi suất của NHNN. Trong khi đó, ghi nhận từ thực tế cho thấy, lạm phát so với cùng kỳ sau khi liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm đã có dấu hiệu tăng trở lại.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7/2017 tăng 0,31% so với tháng 12/2016 và tăng 2,52% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tháng 7/2017 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,30% so với cùng kỳ năm trước. CPI tháng 8/2017 tăng 0,92% so với tháng trước, tăng 3,35% so với tháng 8/2016. CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2017 tăng 3,84% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản tháng 8/2017 tăng 0,10% so với tháng trước và tăng 1,31% so với cùng kỳ 2016.
Với những số liệu thống kê nói trên, có thể thấy việc lãi suất có thể giảm tiếp theo đề nghị của Chính phủ xem ra tương đối khó khăn. Trong báo cáo mới nhất, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cũng khuyến nghị cần theo dõi, kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ công trong những tháng cuối năm để đảm bảo giữ lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, còn khá nhiều yếu tố khác tác động bất lợi đến điều hành lãi suất, đơn cử vấn đề tỷ giá. Tại thời điểm này, tỷ giá vẫn duy trì trạng thái ổn định dưới sự điều hành linh hoạt của NHNN. Nhưng từ nay tới cuối năm 2017, còn nhiều yếu tố có thể chi phối ảnh hưởng đến tỷ giá như: vấn đề nhập siêu, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất USD vào tháng 12/2017. Hay căng thẳng xung quanh vấn đề Triều Tiên cũng sẽ khiến kinh tế thế giới có biến động, tác động đến Việt Nam.
CEO một NHTM cũng nhận thấy, nền kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn có nhiều tác động từ bên ngoài tới từ các hiệp định thương mại cho tới tình hình kinh tế thế giới, diễn biến của đồng USD, biến động giá vàng thế giới. Trong trường hợp có những biến động về chính trị, kinh tế trên thế giới sẽ đẩy giá USD lên, tỷ giá USD/VND chắc chắn sẽ chịu rung lắc... Tỷ giá USD/VND bị đẩy lên sẽ tác động tới lạm phát, có thể tác động ngược trở lại đến lãi suất. Lạm phát tăng lên thì người gửi tiền tất yếu đòi hỏi lãi suất huy động tăng, khiến các NH khó có thể cho vay với lãi suất giảm.
Khuê Nguyễn (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.