Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, bốn nhóm đối tượng sẽ được vay tiền từ các tổ chức tín dụng gồm: Nhóm có thu nhập thấp như sửa chữa, mua nhà để ở trả nợ bằng lương... Ngoài ra nhóm đầu tư kinh doanh bất động sản gồm xây nhà để bán cho người thu nhập thấp, cho công nhân khu công nghiệp, dự án hoàn thiện trước 1/1/2012 cũng được ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất. Tuy nhiên giải pháp trên chỉ tháo được một trong số nhiều “rào chắn” trong việc vay vốn làm dự án, mua nhà ở vì với lãi suất trên 20%/năm như hiện nay là quá cao.
Ngay sau khi có quyết định, nhiều Ngân hàng thương mại đã mở cửa cho vay mua nhà, sửa chữa nhà để ở với các điều kiện khá linh hoạt. Cụ thể, Ngân hàng ANZ mở cửa cho vay mua nhà với chính sách ưu đãi là được vay 70% giá trị tài sản, hưởng mức lãi suất thấp trong vòng 6 tháng đầu tiên , thời hạn vay đến 20 năm nhưng lãi vay khá cao đến 20%/năm.
Ngân hàng Châu Á cũng mở cửa cho vay đối với người có nhu cầu mua nhà thật sự với lãi suất từ 20 – 22%/năm. Ngân hàng OceanBank cho vay tối đa 80% giá trị căn nhà trong thời hạn lên tới 120 tháng.
Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu vay vốn để sữa chữa, mua nhà đất để ở dịp cuối năm, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBANK) cũng có chương trình "Dễ dàng vay vốn - sở hữu căn nhà mơ ước" cho các khách hàng cá nhân có nguồn thu nhập từ tiền lương , tiền công. Thời hạn vay tới 20 năm, thời gian ân hạn tối đa tới 36 tháng, có thể vay tối đa 90% tổng nhu cầu vốn và không vượt quá 70% giá trị tài sản đảm bảo.
Theo các Ngân hàng Thương mại, mặc dù nguồn vốn khơi thông là đều đáng mừng và rất nhiều cá nhân có nhu cầu vay vốn nhưng trên thực tế các hợp đồng vay thì không nhiều do lãi suất cao. Rất ít khách hàng đủ điều kiện xét duyệt trả nợ bằng tiền lương theo quy định của Ngân hàng Nhà nước để vay từ 300 – 500 triệu đồng.
Mặc dù lãi suất đã giảm nhưng người mua và cả doanh nghiệp địa ốc cũng không mấy mặn mà. Ảnh: Minh Nguyệt
Không chỉ riêng người có nhu cầu vay mua nhà mà các doanh nghiệp bất động sản cũng không còn mặn mà vay vốn Ngân hàng. Bởi theo một số doanh nghiệp, thị trường bất động sản đang ảm đạm, bung hàng ra thời điểm này bán hàng rất chậm, dù giá hạ đến mức bán tháo. Hàng bán không được, trong khi phải gánh lãi suất cao. Đó là chưa kể qui định chỉ cho vay đối với dự án hoàn thành trước ngày 1/1/2012 và những dự án như vậy không nhiều.
Theo ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Vinaland cho biết, chúng ta nên nhìn nhận lại rằng việc nới tín dụng cho 4 nhóm trong thời gian qua cũng không hẳn là cho thị trường bất động sản mà chỉ là một hành động mở cửa gián tiếp. Bởi việc mở cửa 4 nhóm này mang tính hỗ trợ các Ngân hàng nhiều hơn, giúp các Ngân hàng vượt qua thời kỳ khó khăn khi thị trường bất động sản đóng băng.
Trước đây khi có quy định kéo dư nợ vay phi sản xuất về dưới 16% (31/12/2011) đã gây áp lực lớn cho hệ thống Ngân hàng do khó khăn trong việc huy động vốn. Trong khi đó thị trường bất động sản lại đóng băng, các nhà đầu tư nợ nhiều cũng không thể bán được hàng nên việc rút tỷ lệ nợ vay về 16% là rất khó khăn, tạo áp lực lớn cho Ngân hàng.
Vì vậy việc đưa 4 nhóm ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất sẽ giúp việc kéo dự nợ vay về mức 16% là rất dễ dàng, giảm bớt áp lực cho hệ thống Ngân hàng thương mại. “Khi đó, các doanh nghiệp sẽ cũng ít bị thúc nợ hơn, doanh nghiệp ít rơi vào tình cảnh bán phá giá, bán tháo,… và về gián tiếp cũng giúp thị thường bất động sản bớt căng thẳng”, ông Hoàng cho hay.
Theo các chuyên gia bất động sản, với sức ép dân số, nguồn cung bất động sản vẫn còn khiêm tốn thì nhu cầu mua nhà ở vẫn rất lớn. Nhưng thực tế, thu nhập để mua nhà của người dân còn khá thấp so với giá trị bất động sản. Nên dù Ngân hàng Nhà nước đưa bốn hình thức vay, đầu tư bất động sản ra ngoài danh sách phi sản xuất thì sức cầu thị trường vẫn không lớn.