Theo một số chuyên gia ngân hàng phân tích thì trước hết phải nhìn nhận lại thực tế tốc độ giải ngân của gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng. Số liệu từ Vụ
Tín dụng Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 30/9 cho thấy, các ngân hàng mới tiếp nhận được 619 hồ sơ cá nhân với số tiền 203 tỷ đồng, trong đó chỉ có 590 khách hàng được giải ngân với tổng số tiền 142,5 tỷ đồng. Riêng khách hàng DN, các ngân hàng cũng mới giải ngân được 54,8 tỷ đồng.
Tuy tiến độ giải ngân chưa đạt được mục đích cũng như yêu cầu đặt ra, nhưng phải khẳng định việc giải ngân chậm của gói vay không phải vì lãi suất. Vấn đề chính đang khiến việc cho vay gặp khó đó là nguồn cung nhà ở xã hội hiện không nhiều. Nhiều dự án muốn chuyển sang nhà ở xã hội vẫn chưa thực hiện được. Việc xác nhận thực trạng nhà ở chưa giải quyết được nhanh chóng. Chưa kể, chuyện chứng minh thu nhập để trả nợ cũng mất nhiều thời gian khiến cho việc giải ngân bị chậm bởi cũng như các khoản vay thương mại khác, ngân hàng phải xác minh kỹ để không thành nợ xấu.
Dưới góc độ là chủ dự án BĐS, nhiều chủ đầu tư cho rằng: Gói 30 nghìn tỷ đồng hiện chưa được lưu thông xuyên suốt chính là do thị trường BĐS đang thiếu hụt những loại căn hộ có diện tích nhỏ. Nhiều dự án xin chuyển đổi sang căn hộ diện tích nhỏ để phù hợp với nhu cầu của người mua nhà cũng vướng mắc ở nhiều khâu như thủ tục, hồ sơ, vốn…, dẫn đến việc giải ngân gói hỗ trợ này bị “tắc” là tất yếu. Nếu như có sản phẩm nhà ở phù hợp là những căn hộ nhỏ (giá từ 500 - 700 triệu đồng/căn) sẽ quyết định 60% thành công của gói hỗ trợ, còn thủ tục khi đi vay quyết định đến 30%. Trong khi đó, lãi suất cho vay chỉ quyết định ở mức 10%.
Bàn về vấn đề trên, ông Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) nhận định: Để xuất giảm lãi suất cho vay ưu đãi xuống 3% có thể tốt và hợp lý đối với người thụ hưởng, người đi vay nhưng khó khả thi. Bởi nếu giảm lãi suất xuống thì phần chênh lệch Nhà nước phải bù ra chứ ngân hàng không phải chịu. Trong khi Ngân sách Nhà nước đang trong tình trạng khó khăn. Hơn nữa, trên thực tế, nếu không có sản phẩm ra hàng thì lãi suất có giảm thấp hơn nữa cũng không giải quyết được vấn đề gì.
Cuối tháng 8/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61/2014 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu… nhằm tăng tốc độ giải ngân gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thời gian khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay vốn tối đa thay vì 10 năm thì tăng lên 15 năm khi vay vốn để mua, thuê mua nhà ở tại các dự án thương mại trên địa bàn. Nghị quyết 61/2014 cũng mở rộng thêm đối tượng được vay gói 30 nghìn tỷ đồng khi sửa chữa hay thuê, mua nhà ở.
Theo ông Liêm, mức lãi suất 5% mà hiện tại gói 30 nghìn tỷ đồng đang áp dụng là cơ bản hợp lý. Vì nếu so với lãi suất cho vay mua nhà tại các ngân hàng thương mại thì mức này vẫn thấp hơn nhiều.
Thực tế cho thấy, vấn đề tồn tại của gói 30 nghìn tỷ đồng là thời hạn trả nợ. Điều này người mua nhà đang rất quan tâm. Thời gian cho vay càng kéo dài thì số tiền phải trả cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi hàng tháng của người đi vay sẽ giảm đi nhiều. Những ưu đãi thế này sẽ giúp người dân có thể trả nợ dễ dàng hơn, từ đó thúc đẩy gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng cần tạo thuận lợi hơn trong vấn đề thủ tục cho người dân khi đi vay.
Do đó, tiến độ giải ngân không nằm ở chỗ giảm hay ổn định lãi suất mà điểm mấu chốt cần phải tháo gỡ là ngân hàng cần phải thay đổi cơ chế vay cho người thu nhập thấp, cần thiết đơn giản về thủ tục xác nhận đủ điều kiện mua NƠXH... Đặc biệt phải có những sản phẩm nhà ở phù hợp với nhu cầu và kinh tế của người dân. Nếu làm được như vậy, thị trường sẽ được vận hành và những khó khăn chắc sẽ được gỡ bỏ nhanh chóng…