CafeLand - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Carolyn Turk cho biết trước việc bị Bộ Tài chính Mỹ xác định thao túng tiền tệ, Chính phủ Việt Nam có thể nghĩ tới những khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới ở những lĩnh vực khác.

Tại buổi Công bố Báo cáo Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam tháng 12/2020 tổ chức vào chiều 21/12, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã trả lời câu hỏi của báo chí về việc Bộ tài chính Mỹ lần đầu tiên đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ sẽ có tác động thế nào đến hoạt động tài chính tiền tệ và thị trường tài chính tại Việt Nam.

Bà Carolyn Turk trao đổi tại buổi công bố báo cáo

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết Việt Nam đã làm rất tốt trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19, các công xưởng vẫn đang sản xuất, nền kinh tế vẫn đang xuất khẩu. Có thể thấy rõ, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn hiện nay. Một số công ty trên toàn cầu đã nghĩ đến việc chuyển sản xuất sang Việt Nam, khi nhà máy của các quốc gia khác đang gặp khó khăn để tiếp tục hoạt động trong bối cảnh phong tỏa vì Covid-19.

Bà Carolyn gợi ý rằng Chính phủ Việt Nam có thể tranh thủ giai đoạn này để suy nghĩ đến một số cải cách mang tính cơ cấu, thực hiện một số hoạt động đầu tư đảm bảo cho quá trình phục hồi sau đại dịch một cách chắc chắn.

Còn ông Jacques Morriset, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng Việt Nam đã làm rất tốt việc xử lý các thách thức trong đại dịch. Việt Nam đang có cơ hội để hoàn thiện chính sách của mình, ví dụ như chính sách tỷ giá hối đoái. Thế giới hiện nay đang có sự dao động nhiều đối với các loại tiền tệ lớn như đồng Euro, Yên, USD,…

Trong bối cảnh ấy, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét lại đồng tiền nào Việt Nam muốn chú trọng trong thực hiện điều chỉnh dự trữ. Đồng thời, cũng có thể suy nghĩ đến đa dạng hóa và đưa ra chiến lược hướng đến các đối tác khác về đầu tư và thương mại.

Hiếu Hiền
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.