Động thái này của ông Strauss-Kahn đã làm giảm nỗi sợ của thị trường về khả năng sự đi xuống của đồng euro sẽ khiến khu vực đồng tiền chung châu Âu sụp đổ.
Giám đốc IMF đưa ra nhận định trên bất chấp thị trường chứng khoán thế giới đã giảm điểm sâu và nhà đầu tư đổ xô sở hữu đồng USD.
Trong bài phát biểu tại một cuộc họp ở Braxin khi được hỏi về liệu vấn đề từ Hy Lạp sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền và đẩy đồng euro vào “thế hiểm”, ông nói: “Tôi nghĩ không có mối họa nào với hệ thống đồng euro. Thật khó để Hy Lạp có thể làm được tất cả những gì họ phải làm, nhưng họ đã dám đưa ra quyết định cứng rắn, từ quan điểm này, thị trường hẳn đã đánh giá cao chính phủ Hy Lạp”.
Ông Strauss-Kahn khẳng định ông không hề đánh giá thấp gánh nặng tài khóa mà Hy Lạp đang phải chịu bởi chính phủ nước này chịu ràng buộc quản lý nền kinh tế theo kế hoạch EU và IMF đã đưa ra.
Ông tin tưởng: “Tôi nghĩ kế hoạch sẽ phát huy tác dụng tốt. Sự thực thi như thế nào sẽ mang lại câu trả lời đúng nhất.”
Ông nhận định kinh tế thế giới đang hồi phục, kể cả khi châu Âu và Mỹ vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009: “Phần lớn các nền kinh tế tại châu Á đã thoát khỏi khủng hoảng, nhóm nền kinh tế Nam Mỹ như Braxin, Chile, Peru đang tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên kinh tế Mỹ chưa hoàn toàn thoát khủng hoảng”.
Ông nói thêm châu Âu đang nổi lên với vấn đề liên kết hệ thống kém và tình hình châu Âu rất đáng lo ngại. Ông cảnh báo khủng hoảng nợ nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế.
Ông nhận xét Trung Quốc đã đảm nhiệm vai trò đầu tầu tăng trưởng kinh tế, thế nhưng chính sách khuyến khích tiêu dùng nội địa của Trung Quốc sau thời kỳ dài chỉ tập trung vào xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến đồng nhân dân tệ. Ông nói: “Trung Quốc cần định giá lại đồng nhân dân tệ”.
Cafeland.vn
Theo AFP