Một năm trở lại đây, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều sáng kiến để xử lý nợ xấu và nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn. Tại hội thảo "Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam" do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Công ty mua bán nợ Việt Nam (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 19/9, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến gợi mở khác nhau trong quá trình xử lý.

Có nên hình thành thêm công ty mua bán nợ?

Xử lý nợ xấu theo kinh nghiệm của thế giới có 3 biện pháp cơ bản. Đó là Chính phủ bơm tiền trực tiếp cho các ngân hàng để giải quyết nợ xấu và cho vay mới; Thành lập công ty mua bán nợ (AMC) quốc gia; và quốc hữu hóa những ngân hàng yếu kém. Theo các chuyên gia kinh tế, đối với nước ta, nếu Chính phủ bơm tiền ra sẽ không có lợi cho nền kinh tế.

Thị trường bất động sản đóng băng là một trong những nguyên nhân gây nợ xấu cho nhiều ngân hàng. Ảnh: Tú Oanh

Trong bối cảnh hiện nay, có nên thành lập các công ty mua bán nợ xấu của các ngân hàng hay không? Cơ cấu tổ chức, nguồn vốn và điều hành quản lý các công ty như thế nào? Đó là những câu hỏi cần giải đáp.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trên thực tế đã có một công ty mua bán nợ tài sản tồn đọng (DATC) do Bộ Tài chính quản lý. Tuy nhiên, sau 10 năm hoạt động, các trường hợp nợ xấu mà DATC mua lại và xử lý có giá trị không lớn. Việc "đẻ" ra công ty mua bán nợ chẳng khác gì thêm một DN độc quyền.

Chia sẻ quan điểm này, bà Dương Thu Hương, nguyên Phó Thống đốc NHNN đặt câu hỏi: DATC đã thể hiện hết vai trò của mình hay chưa? DATC thành lập từ năm 2003 và phải mất đến gần 3 năm (năm 2006) mới bắt đầu mua nợ. Nếu thành lập một AMC mới phải mất bao lâu mới có thể vận hành? Một đất nước có cần 2 công ty mua bán nợ quốc gia không, trong bối cảnh kinh tế hiện nay nguồn vốn sẽ lấy ở đâu và hoạt động thế nào? Theo bà Hương, thay vì thành lập AMC quốc gia nên tăng vốn điều lệ cho DATC. Còn nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đề nghị, cần ban hành khung pháp lý hoàn chỉnh cho công ty mua bán nợ hiện nay (ví dụ như quy định cụ thể quyền hành, các thỏa thuận giữa DATC và các tổ chức tín dụng, mức chiết khấu…) và công ty này có thể phát hành chứng khoán huy động nguồn vốn qua một tổ chức uy tín đứng ra bảo lãnh.

Nên thuận theo cơ chế thị trường

Hiện nay có nhiều con số đưa ra về nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Thống đốc NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tại các NHTM khoảng 10%. Tuy nhiên, theo bà Dương Thu Hương, nợ xấu thực chất hiện nay còn tiềm ẩn, bao gồm cả các khoản giãn nợ, hoãn nợ, đảo nợ… Để xảy ra nợ xấu trong kinh doanh ngân hàng, trách nhiệm chính trong việc thu hồi nợ xấu là chủ nợ - NHTM và con nợ - doanh nghiệp vay vốn.

Nợ xấu của các ngân hàng thực chất còn bao gồm cả các khoản giãn nợ, hoãn nợ, đảo nợ... Ảnh: Phạm Hậu
Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, khi vận hành theo nền kinh tế thị trường, chúng ta phải tuân thủ quy luật của nó, ai gây ra nợ xấu thì người đó phải tự xử lý. Lợi nhuận cao, kinh doanh hiệu quả nhất trong nền kinh tế, ngành ngân hàng hoàn toàn có thể tự xử lý nợ xấu của chính họ xuống mức an toàn.

Nếu ngân hàng không tự xử lý nợ xấu, cơ quan Nhà nước sẽ hạ chuẩn, hạ tín nhiệm. Thực hiện đúng nguyên tắc kinh doanh nói trên, sẽ biết thực chất "sức khỏe", "căn bệnh" của mỗi ngân hàng. Trong điều kiện đó, cơ quan Nhà nước có thể đặt ngân hàng vào diện giám sát đặc biệt, coi như đã phá sản và cơ quan quản lý có thể mua lại ngân hàng đó.

Để xử lý nợ xấu, theo ông Thành có nhiều biện pháp, nhưng biện pháp từ nội tại các NHTM phải được coi là chủ yếu thông qua việc nâng cao quản trị rủi ro và trích đúng, đủ dự phòng theo quy định. Ngoài ra, theo bà Dương Thu Hương, một biện pháp hết sức quan trọng nữa là việc giải quyết tình trạng sức mua giảm, để giảm tồn kho, đẩy nhanh đầu ra, trong đó cả vấn đề giảm VAT để nâng cao sức mua.

"Việc xử lý nợ xấu có nhiều vấn đề liên quan đến luật pháp, miễn, giảm thuế thu nhập DN đối với những ngân hàng sáp nhập, mua lại hoặc liên kết. Với khối lượng nợ xấu như hiện nay, nếu không có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài mà chỉ trông cậy vào thị trường nợ nội địa rất khó có thể xử lý nhanh. Tuy nhiên, nhiều thủ tục liên quan đến sở hữu và cho thuê đối với người nước ngoài cũng cần phải được giải quyết, làm rõ." TS Võ Trí Thành
Theo Nguyên Anh (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.