Cách nay chưa lâu, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TPHCM hồ hởi thông báo rằng, TP tính toán sẽ mua lại căn hộ tồn đọng. Tưởng như phao cứu sinh góp phần vực dậy thị trường đang ế ẩm, tuy nhiên thực tế cho thấy: quá khó!

Một trong những dự án căn hộ đang xây dựng tại TPHCM. Ảnh: Thanh Tâm


Trở thành “gánh nặng”


Gần như án ngữ ở phía Tây đường Võ Văn Kiệt (quận 8), 6 cụm chung cư Carina với 736 căn hộ do Công ty cổ phần Đầu tư 577 làm chủ đầu tư đã hoàn thiện, bàn giao cho khách hàng từ giữa năm 2011. Hiện nay chủ đầu tư còn tồn đọng số lượng lớn căn hộ, nguyên nhân xuất phát từ việc bán cho quỹ nhà tái định cư.


Ông Nguyễn Thanh Quyết, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần 577 - chủ đầu tư dự án, cho biết: “Phương án triển khai dự án TP đồng ý mua 20% quỹ nhà làm nhà tái định cư, tương đương 159 căn hộ. Khi xây xong, tính toán cụ thể thì TP chỉ đạo quận 8 mua, dùng tiền ngân sách. Quận 8 trả lời, rất cần vì đang thiếu quỹ nhà để bố trí tái định cư cho hàng loạt dự án, nhưng nếu dùng ngân sách thì không kham nổi. Mặt khác, diện tích căn hộ của chúng tôi nhỏ nhất cũng 86m², trong khi đó phần lớn các diện tái định cư thì ven kênh rạch, diện tích mỗi căn nhà vài chục mét vuông, không đủ khả năng để thanh toán. Lúc đó lại đề xuất tách đôi căn hộ cho phù hợp, nhưng lại không khả thi vì không đúng quy hoạch. Thế là cuối cùng trả lại số lượng nhà này cho chúng tôi”.


Trong số lượng căn hộ trả lại, sau khi chào bán, hiện nay chủ đầu tư còn “ôm” trên 100 căn!


Những ngày qua, dự án chung cư Good House trở nên “nóng bỏng” vì xây xong phần thô nhưng chủ đầu tư không đủ khả năng hoàn thiện, khách hàng hết sức lo lắng. Thật bất ngờ, trong hàng loạt khó khăn thì có giải pháp mới là bán căn hộ cho quỹ nhà tái định cư.


Trần tình với khách hàng, bà Nguyễn Thị Minh Dung, Giám đốc Công ty cổ phần Lê Minh M.C., chủ đầu tư dự án nêu: TP đồng ý mua 75 căn hộ để phục vụ cho chương trình tái định cư tại quận 8, nguồn thu từ số lượng căn hộ này sẽ trả nợ và lãi ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay TP vẫn chưa ký hợp đồng và chưa ứng tiền nên không hoàn trả kịp cho ngân hàng, dẫn đến tình trạng nợ quá hạn!


Việc mua bán này cũng trở nên khó khăn khi các quận không mua mà chủ đầu tư không cho bán ra. Cách nay chưa lâu, UBND TP không đồng ý kiến nghị của Sở Xây dựng về việc cho phép chủ đầu tư hai dự án chung cư Ngọc Lan, quận 7 và Cao ốc Xanh, quận 9 được bán ra thị trường 20% quỹ nhà phục vụ tái định cư, vì sẽ tạo tiền lệ, ảnh hưởng không tốt đến chương trình nhà ở của TP.


Theo đó, đối với chung cư Ngọc Lan được TP yêu cầu bán 55 căn hộ làm nhà tái định cư. Tháng 6-2011, chủ đầu tư âm thầm bán ra thị trường 25 căn hộ thuộc diện này và đề nghị được bán luôn 30 căn còn lại. Sở Xây dựng tiến hành gửi công văn hỏi các quận 2, 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè về việc mua quỹ nhà này để tái định cư thì chỉ có quận 7 cần mua 2 căn! Dựa trên cơ sở này Sở Xây dựng đề nghị TP cho chủ đầu tư bán ra thị trường các căn hộ trên để thu hồi vốn.

Còn tại dự án cao ốc Xanh, Sở Xây dựng cũng làm thủ tục tương tự tại các quận 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức nhưng kết quả là không có quận nào đồng ý mua để làm quỹ nhà tái định cư.


Nhiều rào cản


Theo thống kê từ các công ty nghiên cứu thị trường, số lượng căn hộ ế hiện nay dao động từ 15.000 – 20.000 căn. Vòng đời của dự án xây dựng chung cư khoảng 3 năm, tiền vay thực hiện dự án tính theo lãi suất của ngân hàng, đến giai đoạn giao nhà chủ đầu tư sẽ thu 95%/tổng giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, nếu TP mua sẽ rất khó thực hiện phương thức thanh toán này: mua của doanh nghiệp trả ngay số tiền lớn, còn nhà bán cho diện tái định cư lại trả góp 10-15 năm, rồi được trả theo lãi suất ưu đãi! Như vậy, TP sẽ khó “kham” nổi khi phải bỏ ra vài chục ngàn tỷ đồng để mua sỉ rồi sau đó bán trả góp trong thời gian dài.


Mặt khác, vấn đề mua bán gặp khó khi phải định giá căn hộ. Một nghịch lý khác, hiện nay còn rất nhiều căn hộ tồn có diện tích quá lớn. Tại các dự án chung cư ở quận 8, 7, 2… mỗi dự án còn tồn trên 100 căn, diện tích trên 100m² đến 200m², hoặc diện tích lớn hơn nữa đối với các căn thông tầng, penthouse. Chắc chắn những “siêu phẩm” này nằm ngoài đích nhắm làm quỹ nhà tái định cư!


Ông Lê Hoàng Châu , Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết:


Điều kiện bắt buộc đó là TP sẽ cho kiểm toán để tìm ra giá thành, trong khi cơ cấu giá thành có những khoản rất khó hạch toán. Ví dụ, như bồi thường giải tỏa, thực tế phải thỏa thuận mua lại đất nông nghiệp của người dân với giá rất cao nhưng khi khấu trừ tiền sử dụng đất thì chỉ được khấu trừ theo bảng giá đất do thành phố ban hành. Hơn nữa, chủ đầu tư rất e ngại khi nhà nước bước vào kiểm toán…

Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.