08/10/2011 3:20 PM
Trong điều kiện nguồn tín dụng cho bất động sản khó khăn, theo ông PHAN THÀNH MAI, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, mô hình quỹ tín thác đầu tư bất động sản được xem là hướng đi khả thi cho vấn đề vốn của thị trường địa ốc.
Trong bối cảnh nguồn tín dụng ngân hàng cho lĩnh vực bất động sản bị siết chặt, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý bắt đầu nhắc tới hình thức sử dụng các quỹ tín thác đầu tư bất động sản để huy động vốn cho thị trường địa ốc. Ông có thể cho biết, lợi ích lớn nhất của quỹ tín thác đầu tư bất động sản là gì?

Quỹ tín thác đầu tư bất động sản là mô hình công ty quản lý quỹ đầu tư, nhằm đưa lại nguồn thu nhập thường xuyên ổn định cho nhà đầu tư, thông qua các khoản đầu tư tập trung vào các loại bất động sản, sản sinh thu nhập định kỳ. Đặc điểm nổi bật của REIT là tập trung đầu tư vào những tài sản bất động sản đã hình thành và đã đi vào hoạt động, có nguồn thu ổn định. Tiếp đó, các dự án đang khai thác, thay vì trước đây do chủ đầu tư tự quản lý vận hành, thì nay, sẽ được quản lý bởi các công ty chuyên nghiệp với kinh nghiệm quốc tế. Vì tính ổn định và chuyên nghiệp này, quỹ tín thác đầu tư bất động sản thích hợp cho các nhà đầu tư lâu dài, mong muốn có sự ổn định và bền vững cho thu nhập. Mô hình này có thể làm ổn định nguồn vốn cho thị trường, không phụ thuộc vào nguồn tín dụng, các chính sách cho tín dụng.


Để thúc đẩy hoạt động của mô hình này, Mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam khu vực miền Bắc phối hợp với Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ mời các chuyên gia, các nhà quản lý quỹ trao đổi thêm về những khó khăn và thuận lợi của mô hình đầu tư này vào ngày mai (8/10) tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (số 11 - Lê Hồng Phong, Hà Nội).


Những thành công và hạn chế trong hoạt động của các quỹ đầu tư đối với thị trường bất động sản Việt Nam thời gian qua là gì?


Trong 5 năm qua, hoạt động quỹ đầu tư bất động sản đã tạo ra một nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam, thúc đẩy công tác quản lý tài chính đầu tư chuyên nghiệp tại Việt Nam, tạo nên “cú huých” tích cực vào thị trường bất động sản nói chung, đặc biệt là các dự án du lịch ven biển miền Trung, các dự án khách sạn tại các thành phố lớn. Các quỹ đầu tư bất động sản cùng các quỹ khác cũng đã góp phần trong việc hình thành thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp. Việc đầu tư chuyên nghiệp tài chính vào bất động sản là yếu tố quan trọng góp phần minh bạch hóa thị trường.


Mặt hạn chế trong hoạt động của các quỹ đầu tư bất động sản là đa phần nguồn vốn cho thị phần bất động sản nhà ở vẫn từ hệ thống tín dụng ngân hàng và vốn huy động trực tiếp từ người mua nhà (mặc dù có thể chưa được quản lý minh bạch). Như vậy, sản phẩm của các quỹ đầu tư bất động sản thời gian qua chưa phong phú về thể loại và chưa tận dụng được nguồn vốn nhàn rỗi trong nước vào thị trường bất động sản giàu tiềm năng.


Với một thị trường bất động sản còn mới như ở Việt Nam, theo ông, cơ quan quản lý nhà nước cần có lưu ý nào về định hướng, hoặc chính sách mới cho hoạt động của các quỹ đầu tư bất động sản?


Chúng ta cần nghiên cứu để áp dụng những mô hình thành công về các nguồn tài chính/quỹ đầu tư bất động sản tại các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước phát triển tại khu vực châu Á.


Các điểm chính yếu chúng ta cần nhắm đến cho các mô hình quỹ mới là: nên là quỹ trong nước, được phép huy động nguồn vốn nhàn rỗi của mọi người dân Việt Nam cho thị trường bất động sản; đa dạng hóa các sản phẩm bất động sản của quỹ, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho chứng khoán hóa các bất động sản, các sản phẩm, đặc biệt là cần có cơ chế đặc thù về thuế...


Có như vậy, các quỹ bất động sản này mới có khả năng giảm thiểu sự ảnh hưởng khi thị trường bất động sản đóng băng; và nguồn vốn trung - dài hạn từ hệ thống tài chính này sẽ tác động tích cực đến việc giảm phụ thuộc của thị trường bất động sản vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng thương mại

Theo Ngọc Anh (Báo đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.