Mặc dù giá trị quy mô thị trường so với GDP còn ở mức thấp, song tốc độ tăng trưởng trái phiếu năm 2011 khá ấn tượng, tiềm năng phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn rất lớn cần có thêm giải pháp thúc đẩy.
Nhận định trên đã được Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đưa ra tại hội nghị thường niên diễn ra ở Đà Lạt ngày 9/12/2011.
Số liệu ấn tượng
Nhằm tạo hành lang pháp lý cho thị trường trái phiếu, trong năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2011/NĐ-CP ngày 5/1/2011 về “Phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương”; quy định thêm về hoán đổi trái phiếu, đưa ra khái niệm về nhà tạo lập thị trường; ban hành Nghị định 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN); quy định DN nhà nước không phải xin phép Bộ Tài chính mà thực hiện xin phép đơn vị chủ quản trực tiếp phê duyệt đối với phương án phát hành TPDN. Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư 28/2011/TT-NHNN ngày 1/9/2011 quy định trường hợp các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua TPDN; quy định về tính dư nợ mua TPDN vào dư nợ cấp tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Qua đó, hoạt động phát hành trái phiếu trong năm 2011 đã có sự tăng trưởng khá ấn tượng so với các năm trước.
Số liệu của VBMA cho thấy, năm 2009, giá trị khớp lệnh gọi thầu trái phiếu đạt khoảng 36.800 tỷ đồng; năm 2010 là 87.900 tỷ đồng; 11 tháng năm 2011 là 199.460 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh trúng thầu và tỷ lệ trúng thầu trái phiếu năm 2009 đạt 2.385 tỷ đồng, 6,5%; tương tự năm 2010 là 28.317 tỷ đồng, 32,2%; 11 tháng năm 2011 đạt 93.998 tỷ đồng, 47%. Lãi suất trúng thầu trái phiếu ở mức thấp cũng có xu hướng giảm dần.
Qua 11 tháng đầu năm 2011 đã có trên 130 đợt phát hành trái phiếu chính phủ và trái phiếu được chính phủ bảo lãnh, trong đó có 20 mã phát hành lô lớn, 75 đợt phát hành bổ sung; tổng giá trị trái phiếu chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh đang lưu hành trên thị trường là trên 280.000 tỷ đồng, với 458 mã.
Tuy nhiên, giá trị giao dịch trái phiếu trong năm 2011 lại giảm so với 2010. Năm 2010 tổng giá trị giao dịch đạt trên 81.000 tỷ đồng, bình quân mỗi phiên giao dịch đạt 340 tỷ đồng; tương tự năm 2011 chỉ đạt trên 73.000 tỷ đồng, bình quân 280 tỷ đồng/phiên. Thị trường TPDN cũng bị sụt giảm mạnh, ước tính trong năm 2011 chỉ có khoảng 27 đợt phát hành TPDN với tổng khối lượng vốn huy động khoảng 7.000 tỷ đồng, bằng 12,5% so với năm 2010; xuất hiện nhiều đợt phát hành TPDN riêng lẻ với thông tin hạn chế. Nguyên nhân do tác động từ khủng hoảng nợ công châu Âu, suy thoái kinh tế Mỹ, lạm phát cao ở nhiều nước châu Á, cùng với một lượng lớn trái phiếu chính phủ đã đến hạn (hơn 50.000 tỷ đồng), bội chi ngân sách… gây áp lực lên nguồn cung trái phiếu chính phủ ở thị trường sơ cấp; lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt đã hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đã có nhiều “biến tướng” trong phát hành TPDN làm giảm tính minh bạch của thị trường; nhiều trường hợp ngân hàng mua TPDN song thực chất lại là cho DN vay để tránh “né” quy định về trần tăng trưởng tín dụng khiến cho số liệu tăng trưởng tín dụng trong năm không phản ánh đúng thực tế.
Tiềm năng còn lớn
Quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay mới chiếm khoảng 16-17% GDP, đây là tỷ trọng rất khiêm tốn so với các nước trên thế giới với quy mô của họ từ 50-100% GDP. Điều này có thể khẳng định, tiềm năng phát triển thị trường trái phiếu ở Việt Nam còn rất lớn.
Chính phủ đang xúc tiến tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tạo ra chất lượng tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn, điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho thị trường trái phiếu phát triển (công cụ nợ dài hạn có lãi suất cố định). Đặc biệt, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đồng thời với việc sẽ giảm tỷ lệ cung vốn cho nền kinh tế từ hệ thống các ngân hàng thương mại, tăng tỷ trọng huy động vốn từ kênh TPDN sẽ khiến cho vai trò của thị trường trái phiếu ngày càng quan trọng. Mặt khác, sự quan tâm và tham gia ngày càng tích cực, hiệu quả của các chủ thể trên thị trường như các cơ quan quản lý, các thành viên thị trường, VBMA cũng sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho thị trường trái phiếu phát triển.
Thêm giải pháp thúc đẩy
Để thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển nhanh, các chuyên gia cho rằng, chủ trương tái cấu trúc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế cần phải thực hiện kiên định thông qua những giải pháp cụ thể, thiết thực. Nguồn vốn huy động được từ phát hành trái phiếu chính phủ cần phải phân bổ hợp lý, theo dõi và kiểm soát chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và uy tín chủ thể phát hành. Cần tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư dài hạn trong và ngoài nước đầu tư vào trái phiếu.
VBMA cho rằng, Bộ Tài chính cần sớm hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành kế hoạch tổng thể phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam đến năm 2020. Kế hoạch phát hành và đấu thầu trái phiếu cần công bố sớm và đầy đủ để các thành viên thị trường có tính chủ động hơn. Cơ cấu lại thị trường trái phiếu theo hướng thu gọn số lượng mã trái phiếu chuẩn, tạo ra các dải kỳ hạn trái phiếu chuẩn hợp lý, đồng thời thúc đẩy nhanh phát triển thị trường trái phiếu sơ cấp. Cho phép thành lập cơ quan định giá tín nhiệm chủ thể phát hành trái phiếu trong nước.
Trong điều kiện hiện nay nhà đầu tư chỉ thực sự quan tâm khi trái phiếu có bảo lãnh của các ngân hàng có định hạng tín nhiệm tốt. Trước mắt, một số DN phát hành trái phiếu cần cam kết bảo lãnh thanh toán (gốc, lãi, hoặc cả hai) để gia tăng tín nhiệm phát hành./.
Theo Lan Ngọc (Báo kinh tế VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh