04/04/2013 8:00 PM
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều ý kiến xoay quanh câu chuyện nên hay không nên giải cứu cho thị trường BĐS. Thậm chí nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu đăng đàn bày tỏ ý kiến của mình nên để cho thị trường rơi tự do, các DN phải tự cứu… Để rộng đường dư luận, Báo Xây dựng đã trao đổi với một số DN hàng đầu trong lĩnh vực BĐS - những người đang tham gia trực tiếp vào thị trường - để có một cái nhìn toàn cảnh xung quanh ý kiến “nên hay không nên giải cứu BĐS”.


Khu đô thị Xa la

Ông Lê Chí Hiếu - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM: Nói Nhà nước đang giải cứu thị trường BĐS là không chính xác

Những giải pháp hỗ trợ Nhà nước đang đưa ra hiện nay là cần thiết. Vai trò Nhà nước là điều tiết, mà BĐS là một trong những ngành quan trọng thì việc điều tiết là tất nhiên. Nếu nói rằng giải cứu là không chính xác, vì nếu giải cứu thì phải cần đến rất nhiều tiền, thực chất đây là những giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, tăng mức độ cung cầu. Trước đây mọi người xem BĐS phi sản xuất, bây giờ BĐS nằm trong nhóm sản xuất, thì việc đưa giải pháp hỗ trợ trong bối cảnh hiện nay là phù hợp không có gì phải bàn cãi.

Theo tôi những giải pháp hỗ trợ hiện nay vẫn còn quá nhẹ so với nhu cầu thực tế, vì giải pháp chỉ mới dừng lại ở mức cho vay tiêu dùng như một hình thức kích cầu, các DN BĐS đâu được tiếp cận với nguồn vốn này. Có thể nói những giải pháp này chỉ mới nhóm lại ngọn lửa, chưa thay đổi gì nhiều. Hơn nữa, những giải pháp hỗ trợ này chủ yếu là tháo gỡ, tạo cơ chế thông thoáng hỗ trợ DN như tháo quy định nhà nhỏ... Do vậy nếu nói rằng giải cứu BĐS tôi cho rằng không chính xác.

Ông Trịnh Hàng - Tổng giám đốc Cty CP Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT: Cần có sự can thiệp của Nhà nước trong mọi trường hợp

Theo tôi: Không thể để cho thị trường BĐS rơi tự do, mà cần phải có sự can thiệp của Nhà nước trong mọi trường hợp, vì: Nước ta đang tiến hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nên tất cả các vấn đề có liên quan đến thị trường phải tuân thủ định hướng chung này. Chúng ta đều biết, nền kinh tế hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có sự quản lý can thiệp của Nhà nước nhằm định hướng, điều chỉnh và can thiệp để nền kinh tế phát triển nhanh, mạnh, bền vững, đồng thời tránh các vấn đề nảy sinh phức tạp từ việc tự do hóa một cách tự phát. Nước ta đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên cũng không ngoại lệ, thậm chí là cần phải có sự định hướng can thiệp nhiều hơn nữa của Nhà nước để đảm bảo tốt hơn về vấn đề công bằng xã hội, đảm bảo định hướng XHCN.

Thị trường BĐS là một trong những thị trường quan trọng trong nền kinh tế, cùng với các thị trường về vốn, thị trường về nguồn nhân lực, thị trường về công nghệ... làm nền tảng cho toàn bộ nền kinh tế; Đồng thời thị trường BĐS có tính chất rất đặc biệt vì trong đó có bao gồm cả đất đai (theo Hiến pháp quy định đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, do Nhà nước đại diện quản lý) và nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến cơ sở sản xuất, kinh doanh, làm việc của các loại hình DN trong và ngoài nước, nó ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế... Chính vì vậy, Nhà nước can thiệp vào thị trường này bằng các chính sách, nguồn lực, công cụ pháp luật là hoàn toàn hợp lý.

Ông Vương Quốc Hải - Tổng giám đốc Cty BĐS Khang Linh: BĐS Việt Nam phải được quan tâm bởi cơ quan quản lý

Chúng ta có vẻ đang quan tâm đến ý kiến của một cá nhân hơi quá mức cần thiết trong khi DN đang dành thời gian tập trung vào nỗ lực vượt qua khó khăn và đang tự điều chỉnh theo quy luật của thị trường. Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã xác định cần phải làm gì và đang triển khai rất tốt từ việc ra nghị quyết cho đến sửa Hiến pháp, sửa Luật liên quan đến thị trường BĐS.

Để cho một loại hàng hoá vận động theo quy luật của thị trường là cần thiết, nhưng BĐS của Việt Nam còn quá non trẻ nên cần phải được quan tâm bởi các cơ quan quản lý. Tôi không nghi ngờ gì về khả năng phục hồi của thị trường BĐS trên cơ sở những gì chúng ta đang nỗ lực. Ý kiến của các cá nhân cũng làm phong phú bức tranh BĐS.

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Cty Đất Lành: Can thiệp của Chính phủ càng lớn thì sự khôi phục thị trường càng nhanh

Để BĐS rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay không chỉ do lỗi của DN mà còn có lỗi của Nhà nước và cả người dân, không thể đổ tội cho một mình DN BĐS. Bất chấp nhiều cảnh báo từ hơn 2 năm trước, nhưng người dân - DN - Nhà nước vẫn hồn nhiên dửng dưng mà không lường hết hậu quả và bây giờ “thảm họa sóng thần” dần dần tiến đến, đó là tình trạng thị trường đóng băng, núi hàng tồn kho, nợ xấu ngân hàng, người dân không nhà, DN sắp phá sản hàng loạt, bất ổn về kinh tế, đặc biệt là an ninh và an sinh. DN phá sản không những mất mát tài sản của DN mà còn mất tài sản của các ngành nghề khác, các ngân hàng, nghiêm trọng là người dân đã đóng tiền nhưng không đến được căn hộ đang dở dang vì không thể sử dụng được.

Đến cuối năm 2012 trước tình hình khó khăn của thị trường, nhiều DN kêu cứu, Chính phủ làm việc với 2 TP có thị trường BĐS sôi động và bị ảnh hưởng nhất là TP.HCM và Hà Nội, kết quả Nghị quyết 02 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS được ban hành. Việc làm này là quá trễ, đáng lý ra nó phải được tiến hành từ 2 năm trước. Sẽ có nhiều DN phá sản, chỉ khoảng 20 - 30% DN có thể tồn tại qua cơn khủng hoảng này.

Kinh nghiệm trên thế giới, giải cứu là chuyện Nhà nước đương nhiên phải làm, năm 1997 cả Thái Lan và Philippines đều phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ xấu, Thái Lan nhờ IMF can thiệp, còn chính phủ Philippines tự quyên góp tiền bán trái phiếu để giải quyết vấn đề. Sự can thiệp của Chính phủ càng lớn thì sự khôi phục của thị trường càng nhanh. Vì vậy Nhà nước phải có trách nhiệm giải cứu.

Chính phủ rót 30 nghìn tỷ đồng qua ngân hàng thương mại để tháo gỡ khó khăn cho địa ốc là hoàn toàn phù hợp với khả năng của Nhà nước và cân đối tài chính với các ngành nghề khác. 30 nghìn tỷ so với lượng hàng tồn kho hơn 200 nghìn tỷ là không thấm vào đâu. Việc hỗ trợ trực tiếp cho người dân mua nhà, giúp người dân có cơ hội sở hữu nhà, giúp DN tồn tại và cũng là giúp các ngành nghề khác ổn định.

Theo tôi, không cần và không thể cứu BĐS bằng tiền, mà là bằng thủ tục, vấn đề quan trọng nhất ở đây là cần “cởi trói” chính sách. Chính sách cấp phép, thủ tục cũng cần tạo điều kiện cho DN chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi công năng.

Mạnh Cường -Minh Tường (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.