TS. TRẦN DU LỊCH, Đại biểu Quốc hội:
Nhanh chóng xử lý thanh khoản
|
Lãi suất NH chưa giảm được chủ yếu do
thanh khoản một số NHTM vẫn chưa ổn. Đến nay, vẫn có không ít NH huy
động vượt trần đưa lãi suất thực tế lên 18-19%/năm. Nhưng khác với trước
đây, lần này các “ông chủ” NH chấp nhận chi phần chênh lệch 3-4% chứ
không hạch toán vào chi phí NH để tránh bị thanh tra NHNN phát hiện.
Các vị này thà chịu một khoản chi phí để
giải quyết thanh khoản còn hơn vay liên NH lãi suất cao mà phải có tài
sản thế chấp, chưa kể khi vay liên NH còn thể hiện khả năng mất thanh
toán cao. Riêng với NHNN dù không nói ra nhưng dường như tinh thần là để
cho các NHTM yếu thanh khoản chống gượng đến lúc “đuối sức” mới xử lý.
Và mục tiêu của NHNN thời điểm này là
tập trung tái cấu trúc và xử lý các NHTM yếu kém. Những bất cập hiện tại
của các NHTM nhỏ, NHNN thừa năng lực tài chính để xử lý bằng việc mua
lại NH nhưng vấn đề còn lại là thời gian.
Dù mặt bằng lãi suất cho vay trên thị
trường còn cao nhưng thực tế hiện nay các doanh nghiệp lớn có uy tín vẫn
vay lãi suất rất thấp.
Đơn cử doanh nghiệp ô tô Trường Hải cho
biết chưa bao giờ vay lãi suất quá 15%/năm thậm chí 14%/năm. NHNN thừa
biết những doanh nghiệp như Trường Hải không bao giờ vay cao, trong khi
những NH lớn không mất thanh khoản cho vay khách hàng tốt của mình lãi
suất rất thấp.
Những doanh nghiệp vay lãi suất cao thì
bản thân doanh nghiệp đó cũng đã khó khăn, mất thanh khoản. Tuy nhiên,
NHNN cũng cần nhanh chóng xử lý rốt ráo vấn đề thanh khoản của hệ thống
NHTM nhằm kéo giảm nhanh mặt bằng lãi suất cho vay xuống phù hợp, bởi
nếu kéo dài tình trạng này nền kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng đình trệ,
kéo theo hệ lụy bất ổn bất ổn kinh tế xã hội rất lớn.
Ông ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia ngân hàng:
Cung tiền có kiểm soát lãi suất sẽ giảm
|
Đặc điểm nền kinh tế nước ta là sử dụng
vốn nhiều, trong vòng 5 năm trước bình quân tăng trưởng tín dụng của nền
kinh tế trên dưới 30%. Như vậy, cách thức sử dụng tiền của nền kinh tế,
trong đó có doanh nghiệp cần phải cấu trúc lại theo hướng giảm dần thâm
dụng vốn vay.
Tuy nhiên, để làm được điều này cần có
lộ trình, ít nhất cũng phải 2-3 năm mới kẻo giảm xuống. Năm 2012 trong
lộ trình thực hiện cầu tín dụng vẫn rất lớn và nền kinh tế vẫn đang
trong tình trạng khát vốn. Nói như vậy để thấy rằng trong khi nhu cầu
vốn rất lớn mà cung tiền của NHNN ra nền kinh tế năm nay vẫn hạn chế.
Các NHTM gặp khó khăn về thanh khoản
không phải không huy động được vốn mà vì cung tiền chặt, dòng vốn lưu
thông trong nền kinh tế ít đi nên khả năng huy động vốn khó hơn.
Có 2 điều kiện để lãi suất NH giảm. Thứ
nhất, lạm phát phải ổn định để người gửi tiền có thể chấp nhận mức lãi
suất thấp mà không thấy bị thiệt. Điều này Việt Nam đang tiến tới và
đang có tín hiệu khả quan.
Thứ hai, cung tiền và thanh khoản trong
hệ thống NHTM phải dồi dào. Nhưng điều này đang bị gặp khó, vì vậy dường
như NHNN đang mâu thuẫn 2 mục tiêu: muốn kéo giảm lạm phát phải giảm
cung tiền, nhưng lại vấp phải mục tiêu muốn kéo giảm lãi suất phải bơm
cung tiền, tạo thanh khoản cho các NHTM.
Vừa qua NHNN đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc
xuống cho 5 TCTD có tỷ lệ cho vay nông nghiệp - nông thôn cao. Đây là
động thái nới cung tiền có kiểm soát giúp lãi suất cho vay giảm.
Việc này thời gian tới NHNN nên phát
huy, bởi bên cạnh yêu cầu các NHTM phải kéo giảm lãi suất cho vay, NHNN
cần bơm tiền qua thị trường mở có kiểm soát. Theo đó hướng dòng vốn đổ
vào khu vực sản xuất thì dòng vốn giá rẻ sẽ giúp tăng trưởng kinh tế
hiệu quả.
Đặc biệt, tái cấu trúc lại dòng vốn của nền kinh tế cần phải có thời gian để tránh gây sốc cho doanh nghiệp và nền kinh tế, bởi việc thắt chặt cung tiền sẽ gây khó không chỉ doanh nghiệp mà hệ lụy cho hệ thống NHTM rất lớn.