27/02/2014 8:28 AM
Do tăng tổng cầu và việc tăng cường phát hành trái phiếu có thể gián tiếp ảnh hưởng đến lạm phát, vì thế sức ép của lạm phát năm nay sẽ cao hơn năm ngoái.
Nền kinh tế vừa đi qua một giai đoạn hết sức khó khăn và đến giờ vẫn chưa hết khó khăn, tuy nhiên năm qua cũng có nhiều điểm đáng ghi nhận trong hệ thống ngân hàng nói riêng, kinh tế vĩ mô nói chung.

Chứng khoán tăng hơn 10% trong hai tháng

Cụ thể chúng ta đã kiểm soát được lạm phát từ 18,1% trong năm 2011 kéo xuống còn 6,7% năm 2012 và trong năm 2013 là 6%. Nếu loại trừ ảnh hưởng bởi điều chỉnh giá cơ bản như xăng, dầu, điện, dịch vụ y tế và giáo dục thì lạm phát thậm chí chỉ ở mức 5,03% mà thôi. Ổn định kinh tế vĩ mô cũng đã được thể hiện rất rõ trong việc chống đôla hóa, đặc biệt chúng ta đã loại bỏ vàng ra khỏi các ngân hàng thương mại.

Đến nay thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn là vấn đề đáng ngại, điều này thể hiện ở việc cân đối giữa vốn huy động và cho vay. Trước đây có thời kỳ ngân hàng huy động 100 đồng nhưng cho vay 120 đồng. Hiện giờ con số đó liên tục giảm trong các năm, đến nay con số cho vay chỉ chiếm 85% trong đồng vốn huy động. Đặc biệt lãi suất ngân hàng đã giảm rất mạnh, đường cong lãi suất đã trở lại xu thế tự nhiên của nó.

Cụ thể trước đây do lòng tin của người dân vào tiền đồng rất thấp nên không ai muốn gửi kỳ hạn dài, điều này làm mất cân đối nguồn vốn trong ngân hàng. Nhưng từ năm 2013 người dân gửi vào ngân hàng với kỳ hạn dài hơn, đây là điều không dễ dàng gì và đó là thành công lớn. Chính vì ổn định kinh tế vĩ mô nên lòng tin của nhà đầu tư được cải thiện rất rõ. Chỉ số CDS (chỉ số đánh giá rủi ro từ thị trường) đã giảm từ 400 điểm xuống mức trên 200 điểm. Như vậy trong ba năm chỉ số này đã giảm khoảng 40%. Bên cạnh đó, mức vốn hóa thị trường tăng 26% so với năm 2012, tương đương khoảng 31%. Đặc biệt, chỉ mới hai tháng đầu năm thị trường chứng khoán đã tăng trên 10%.


Đến nay thanh khoản của hệ thống ngân hàng không còn là vấn đề đáng ngại. Ảnh: HTD

Đưa tất cả về với quy luật thị trường

Mặc dù đã kiềm chế được lạm phát, song năm nay do tăng tổng cầu và việc tăng phát hành trái phiếu có thể gián tiếp ảnh hưởng đến lạm phát. Vì thế sức ép của lạm pháp năm nay sẽ cao hơn năm ngoái. Tuy nhiên, kiểm soát lạm phát vẫn sẽ được kiềm chế ở mức 7% bởi có nhiều yếu tố tích cực do giá cả thế giới giảm và các yếu tố trong nước.

Nhìn lại từ năm 2006 đến 2010 tốc độ tăng cung tiền cũng như tốc độ tăng tín dụng thường xuyên ở mức 30%/năm thì GDP thực tế chỉ tăng 1,2 lần (GDP danh nghĩa tính cả yếu tố theo thời giá cũng chỉ tăng 1,73 lần) trong khi đó cung tiền tăng trên hai lần. Như vậy lượng tiền đưa ra lớn hơn nhiều GDP thì không tránh khỏi yếu tố lạm phát. Do vậy, trong năm nay và cả các năm tới phải khẳng định một điều, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu xuyên suốt.

Còn nhớ trước khi có Quyết định 1792 của Chính phủ, có thể nói kỷ luật chính sách không chặt. Nhiều địa phương xây dựng triển khai các dự án không tính toán trên cơ sở nguồn thu của mình. Triển khai cùng một lúc nhiều dự án, dẫn đến nguồn vốn không cân đối. Cũng chính vì vậy nợ công trong thời gian qua tăng khá nhanh từ mức 41,5% GDP năm 2006 đến năm 2013 đã tăng lên 56,2% GDP.

Chúng ta đã qua rồi giai đoạn Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa mềm ấy.

Quan điểm chính sách là tăng cường tôn trọng quy luật cung cầu của kinh tế thị trường. Tất nhiên việc tăng cường có lẽ cũng cần có thêm thời gian và lộ trình nhất định. Cùng với đó, vai trò của Nhà nước cũng sẽ tập trung chủ yếu điều chỉnh thị trường thông qua chính sách. Vì thế tới đây giá hàng hóa sẽ được thực hiện theo quy luật giá thị trường. Sẽ tính đúng, tính đủ tất cả chi phí và hình thành thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Với các mặt hàng chưa thiết lập được thị trường cạnh tranh cũng phải yêu cầu minh bạch các chi phí.

TS Vũ Viết Ngoạn (Pháp luật TPHCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.