22/12/2020 8:14 AM
Người dân muốn được cấp phép xây dựng cho những căn nhà siêu nhỏ, siêu mỏng chỉ có thể hợp khối với căn liền kề.

Sau một năm triển khai dự án mở rộng đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh, TP.HCM), đến nay dự án đã cơ bản xong phần giải phóng mặt bằng. Dự kiến đến tháng 6-2021, nút thắt cổ chai trên đường Bùi Đình Túy chính thức được xóa bỏ.

Giải pháp cho nhà siêu mỏng sau khi mở rộng đường - ảnh 1

Một căn nhà siêu mỏng trên đường Bùi Đình Túy sau khi giải phóng mặt bằng để mở đường. Ảnh: Thái Nguyên

Tuy nhiên, sau khi giải phóng mặt bằng để mở đường thì nhiều căn hộ mặt tiền đường còn lại diện tích rất nhỏ.

Đường mở rộng, nhà thu hẹp

Theo ghi nhận của PV ngày 21-12, đoạn được mở rộng trên đường Bùi Đình Túy cơ bản đã xong phần giải phóng mặt bằng. Mặt đường hiện hữu rất nhỏ, chỉ rộng khoảng 3 m, hai ô tô khó tránh được nhau khi đi ngược chiều.

Người dân gọi đoạn này là nút thắt cổ chai bởi lượng xe qua lại rất lớn nhưng diện tích mặt đường lại quá nhỏ. Khi di chuyển qua đoạn này vào bất cứ thời điểm nào cũng đều gặp cảnh ùn tắc giao thông. Do vậy, việc mở rộng đường này là hết sức cần thiết nên đa số người dân cũng đồng tình giao đất để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, sau khi bàn giao đất cho dự án thì hàng chục căn nhà trên tuyến đường này trở thành siêu nhỏ, siêu mỏng. Có những căn chỉ rộng khoảng 4-6 m2, cá biệt có những căn chiều dài chỉ còn khoảng 1 m.

Theo quan sát, đoạn đường Bùi Đình Túy được mở rộng dài hơn 200 m, có khoảng 70 hộ dân thuộc phường 12, 14 và 24 bị ảnh hưởng. Tuy diện tích nhà nhỏ, song không ít người dân vẫn cải tạo lại để phục vụ cho sinh hoạt và buôn bán.

Anh Bình (người dân kinh doanh ở đây) cho biết: Anh thuê một căn nhà mặt tiền rộng khoảng 4 m2 với giá 4 triệu đồng mỗi tháng để kinh doanh. Theo anh, nhà tuy nhỏ, song mặt tiền nên làm ăn cũng tiện.

“Căn nhà kế bên rộng khoảng 6 m2, chủ nhà đã chuyển đi nơi khác và hiện được rao bán với giá 1,3 tỉ đồng” - anh Bình thông tin.

Hợp khối để được cấp phép xây dựng

Một cán bộ phụ trách giải phóng mặt bằng (thuộc Ban quản lý đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Thạnh) cho biết: Sau khi mở rộng, đoạn đường này sẽ rộng 12 m, lề đường mỗi bên 2 m, đúng lộ giới 16 m (hiện tại chỉ có 4 m). Tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 180 tỉ đồng.

Khoảng 10 nhà sau giải tỏa có phần diện tích bị thu hẹp, trở thành những căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ. Tuy vậy, khi chính quyền tổ chức họp bàn và giải tỏa, hầu hết các hộ đều mong muốn ở lại dù biết nhà sẽ nhỏ, hẹp.

“Các hộ dân cho rằng sau khi mở rộng đường, họ có lợi thế về mặt tiền để kinh doanh, buôn bán. Do đó, các căn nhà sau khi được giải tỏa, người dân chỉ sửa chữa nhà trên hiện trạng cũ để cho thuê lại hoặc trực tiếp kinh doanh” - cán bộ này nói.

Về hướng giải quyết cấp giấy phép xây dựng cho những trường hợp này, vị này cho biết các hộ dân phải hợp khối với nhà liền kề mới đủ diện tích để cấp giấy phép xây dựng. Đối với các hộ dân muốn giải tỏa trắng thì phần diện tích còn lại được giữ nguyên và sau đó sẽ tổ chức đấu giá hoặc chỉ định bán cho hộ giáp ranh và phải nối ra mặt tiền đường.

Nói thêm về hướng giải quyết cấp giấy phép xây dựng cho những căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ này, ông Hồ Phương, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho hay UBND quận sẽ hướng dẫn chi tiết cho người dân về thủ tục cấp phép xây dựng theo hình thức hợp khối (hợp thửa với nhà liền kề để đủ diện tích cấp phép xây dựng).

Còn thông tin về dự án mở rộng đường Bùi Đình Túy, ông Phương cho biết: “Dự án này sẽ được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Thạnh nỗ lực hoàn thành trong tháng 6-2021. Từ đó, nút thắt cổ chai trên đường Bùi Đình Túy sẽ được xóa bỏ”.

Cần có quy hoạch tổng thể với bốn sở tham gia

Khi mở rộng đường để thực hiện giải pháp cho giao thông thì UBND TP và các địa phương cần có sự tính toán. Bởi những dự án này không chỉ đơn thuần là mở rộng đường mà còn phải thực hiện chỉnh trang đô thị nên cần có quy hoạch cụ thể. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường hiện nay chỉ lo mở rộng mà không có quy hoạch, đây là cách làm lạc hậu.

Ở nhiều nước trên thế giới, nếu muốn mở rộng một tuyến đường thì cần có sự tham gia của bốn sở, ngành gồm Sở GTVT, Sở Tài chính, Sở QH-KT, Sở Xây dựng.

Theo đó, UBND TP cần giao cho bốn sở, ngành trên để kết hợp đưa ra một quy hoạch tổng thể. Sau đó, một sở sẽ đại diện tiến hành trình UBND TP kế hoạch tuyến đường, khu phố cần mở rộng. Từ đó mang đến kiến trúc hoàn chỉnh nhất cho dự án.

Theo tôi, khi mở rộng đường mà hình thành những căn nhà siêu mỏng thì UBND TP cần đưa vào hình thức giải tỏa luôn.

Trường hợp thứ nhất, UBND TP sau khi thu hồi diện tích nhà siêu mỏng sẽ xây dựng một quỹ đất chung, sau đó cần bán lại cho nhà kế cận theo giá thị trường. Đây cũng là nguồn thu để thực hiện bồi thường cho nhà mặt tiền phía trước. Lúc này, giá đất ở các tuyến đường được mở rộng sẽ cao hơn và UBND TP cũng thu được ngân sách cho dự án này.

Trường hợp thứ hai, nếu diện tích thu hồi mà bán không được thì UBND TP cần quy hoạch làm đất công cộng, làm mảng xanh, trạm dừng xe buýt, nhà vệ sinh công cộng…

Sau khi thực hiện được các điều trên, các tuyến đường mở rộng sẽ đều đẹp, không còn tình cảnh các căn nhà xấu xí, nhấp nhổm xuất hiện trên các đại lộ lớn như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt.

KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia quy hoạch đô thị

Thái Nguyên (Pháp Luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.