02/12/2017 11:17 AM
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức cho rằng phải chấp nhận dự án BOT Cai Lậy đã thất bại về mặt tài chính và “thà một lần đau” để di dời trạm thu phí.
BOT Cai Lậy "thất thủ" ngày thu phí trở lại. Ảnh: Việt Tường.
Sáng 30/11, trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) hoạt động trở lại sau 3 tháng dừng thu phí. Tuy nhiên, ngay từ lúc thu phí trở lại, cánh tài xế đã phản ứng dữ dội. Trong hơn nửa ngày, trạm BOT Cai Lậy đã phải 3 lần xả trạm.
Trao đổi với phóng viên, tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia JICA, cho rằng việc giải quyết không dứt điểm quyền lợi của các bên đã dẫn đến tình trạng "tiến thoái lưỡng nan".
Bên nào sai, bên đó phải sửa
Tình hình tại trạm BOT Cai Lậy lại nóng bỏng cùng với việc thu phí sau hơn 3 tháng tạm ngưng. Ông đánh giá như thế nào về diễn biến lần này?
Tôi cảm thấy lo lắng. Việc người dân dùng tiền lẻ trả phí không sai nhưng họ cần phải bình tĩnh hơn.
Thực tế, hình thức, mức độ phản đối của người dân ngày càng ở mức cao hơn, quyết liệt hơn.
Nếu Bộ GTVT và các cơ quan chức năng không giải quyết thì sẽ đẩy tình hình thêm căng thẳng. Việc phản đối sẽ lan rộng ra nhiều dự án BOT khác, không còn là vấn đề của Cai Lậy nữa.
Ông nghĩ sao về việc tỉnh Tiền Giang huy động lực lượng hùng hậu gồm công an, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông tham gia xử lý sự việc ở BOT Cai Lậy?
Tôi cho rằng trong trường hợp này cần phải có cảnh sát, cơ quan chức năng hỗ trợ chủ đầu giữ trật tự an ninh. Bởi vấn đề mất an ninh đã được dự báo trước.
Nhưng vấn đề là cơ quan chức năng tham gia ở mức ở mức độ nào. Tôi xem trên báo chí thấy lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông rất đông. Việc huy động quá nhiều cảnh sát cơ động là điều không cần thiết. Nó cũng thể hiện sự lúng túng của tỉnh Tiền Giang và chủ đầu tư.
Bộ GTVT cần làm gì trong thời điểm này?
Với tình hình “nước sôi lửa bỏng” tại Cai Lậy, Bộ GTVT cần làm cho sự việc dịu xuống. Một trong những cách theo tôi là hợp lý nhất thời điểm này là xả trạm, dù biện pháp này chỉ là tạm thời.
Rõ ràng, xảy ra sự việc là do bản chất của vấn đề chưa được giải quyết. Trạm BOT Cai Lậy đặt sai vị trí và cần phải di dời.
Bộ GTVT đang đứng trước một bài toán cực khó. Di dời trạm cũng không được mà để thu phí cũng chẳng yên. Di dời thì phải bồi thường cho nhà đầu tư, đẩy rủi ro cho ngân hàng. Còn tiếp tục thu phí thì đau đầu trước sự phản đối của người dân.
Như vậy không có cách nào để giải quyết sự việc đang diễn ra ở BOT Cai Lậy?
Tôi cho rằng cần có cuộc đối thoại trực tiếp 3 bên: Bộ GTVT, nhà đầu tư và người dân.
Theo nguyên tắc, bên nào sai bên đó phải sửa. Mà chắc chắn, sự việc ở BOT Cai Lậy, người dân không sai.
Nếu Bộ GTVT sai, chủ đầu tư sai thì họ phải di dời trạm BOT về đúng vị trí. Và hơn nữa, chúng ta cần một giải pháp tổng thể giải quyết tất cả các trạm chứ không chỉ là trạm Cai Lậy.
Đã sai là phải sửa, mà sửa sai thì đau và khó lắm.
Trạm BOT Cai Lậy đặt trên quốc lộ 1 thu phí cả tuyến tránh. Đồ họa: Minh Trí."Dự án đã thất bại về mặt tài chính"
"Dự án đã thất bại về mặt tài chính"
Bộ GTVT đã miễn, giảm phí nhiều trạm BOT trên cả nước, trong đó có Cai Lậy. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Tôi nhắc lại, miễn phí, giảm phí tại các trạm BOT thời gian qua chỉ là biện pháp tạm thời và đẩy rủi ro sang phía ngân hàng.
Mặt khác, bản thân cái từ “miễn, giảm phí” còn khiến người dân phản đối. Người dân lý luận rất chính xác là họ không sử dụng dịch vụ sao phải trả phí. Một khi đã không sử dụng dịch vụ người dân không cần miễn giảm, ban ơn.
Nhưng vấn đề người dân cũng cần cho Bộ GTVT thời gian. Bởi di dời trạm sẽ phá vỡ hợp đồng, phải đền bù cho chủ đầu tư.
Nhiều chuyên gia và cả lãnh đạo Bộ GTVT nói rằng nếu di dời Cai Lậy sẽ dẫn đến hiệu ứng domino, sự bùng nổ phản đối ở các trạm thu phí khác. Ông nghĩ sao về điều này?
Đây là điều mà ai cũng nhìn thấy. Tuy nhiên, nếu cứ sợ, lo lắng thì không ổn. Vì cái nỗi sợ đó mà không giải quyết vấn đề thì tình hình ngày càng nghiêm trọng và lan to hơn nữa. Khi đó, chúng ta sẽ không thể giải quyết được nữa và hậu quả nghiêm trọng.
Việc Bộ GTVT giảm, miễn phí tại các trạm BOT đặt nhầm vị trí cũng giống như một người bị bệnh. Họ tìm cách cắt cơn bệnh chứ không tìm ra biện pháp xử lý bệnh triệt để.
Căn bệnh vì thế âm ỉ và có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Trong vấn đề này, Bộ GTVT cần phải xác định "thà một lần đau". Nghĩa là nhìn thẳng vào sự thật rằng dự án đã thất bại về mặt tài chính để có hướng xử lý ở các bước tiếp theo. Từ đó, Bộ GTVT ngồi lại với ngân hàng và chủ đầu tư để cùng chia sẻ thiệt hại.
Theo đó, ngân hàng chỉ thu hồi vốn, không lấy lãi từ chủ đầu tư và coi đây là khoản nợ xấu. Chủ đầu tư sau khi trừ các khoản đã thu, phải chấp nhận chỉ thu hồi một phần vốn chủ sở hữu, như kiểu kinh doanh chịu lỗ.
Bởi khi chuyển về đúng vị trí thì phương án tài chính sẽ được đưa ra theo hướng xử lý thất bại dự án chứ không thể được như hiện nay. Vẫn biết điều đó là khó chấp nhận với chủ đầu tư và ngân hàng nhưng theo tôi đó là biện pháp tốt nhất hiện nay.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT xin Chính phủ cho dùng ngân sách bù nốt phần còn lại. Nghĩa là chấp nhận thất bại và chia sẻ rủi ro ở mức chấp nhận được.
Liệu những lùm xùm ở trạm BOT có ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam?
Tất nhiên, đó là điều Bộ GTVT đang lo lắng. Cao tốc Bắc - Nam làm theo BOT rất nhiều đoạn. Khi những lùm xùm này chưa được giải quyết, chủ đầu tư không dám mạo hiểm vào đầu tư.
Ngân hàng không dám giải ngân sợ rủi ro. Nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng kế hoạch phát triển giao thông hạ tầng của Chính phủ.
Cảm ơn ông!
Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Văn Chương (Zing News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.