08/12/2020 7:42 AM
Các bộ ngành giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài mới đạt 45,51% kế hoạch điều chỉnh, như vậy nhiệm vụ còn lại trong tháng 12 là trên 50% dự toán được cơ quan có thẩm quyền giao.

“Trong 11 tháng của năm 2020, các bộ ngành giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài đạt 6.312 tỷ đồng, bằng 45,51% kế hoạch đã được điều chỉnh (4.346 tỷ đồng). Như vậy, nhiệm vụ còn lại trong tháng 12 là trên 50% dự toán được cơ quan có thẩm quyền giao. Đây cũng là tháng tập trung cao điểm trong việc vận hành các thủ tục kế toán, lập hồ sơ đánh giá xác định khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành, chuyển hồ sơ sang Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi cũng như thủ tục giải ngân rút vốn với các nhà tài trợ và quyết toán ngân sách Nhà nước.”

Thứ trưởng Bộ tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh nội dung trên tại Hội nghị về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ-11 tháng của năm 2020 diễn ra ngày 7/12.

Không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành

Theo ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) những vấn đề vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài tại các bộ ngành trong thời gian qua là không có khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành. Vì vậy, các đơn vị không có hồ sơ thanh toán, không thể giải ngân.

“Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ cần tiếp tục làm rõ vấn đề này và cụ thể hơn nữa trách nhiệm của từng khâu,” ông Hải nói.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết kế hoạch vốn được giao của đơn vị này là 6.131 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 4.648 tỷ đồng, chiếm khoảng 76%. Bên cạnh đó, vốn đối ứng đạt cao hơn 83,4%.

Hội nghị về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA, vay ưu đãi của Chính phủ-11 tháng của năm 2020, ngày 7/12. (Ảnh: Vietnam+)

Theo ông Đông, vấn đề nêu trên của Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại là hoàn toàn xác đáng bởi muốn giải ngân vốn các dự án phải có khối lượng cơ bản hoàn thành đạt đúng tiến độ cam kết.

Ngoài ra, ông cũng chia sẻ kinh nghiệm: “Bộ Giao thông Vận tải xác định những vướng mắc đều nằm ở khâu thủ tục nên chúng tôi tập trung giải quyết vấn đề này, nhờ đó kết quả giải ngân có nhiều thuận lợi.”

Bên cạnh đó, ông Đông cho biết Bộ Giao thông Vận tải nêu cao vai trò trách nhiệm, đặc biệt là các ban quản lý dự án. Cụ thể, các giám đốc ban quản lý không thực hiện được kế hoạch giải ngân sẽ phải chịu trách nhiệm đồng thời bị đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ vào cuối năm. Theo hệ thống quy định của Việt Nam, các cá nhân là người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm liên tiếp sẽ không được giữ cương vị hiện tại.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khách quan khác do bởi tác động của đại dịch COVID-19 cùng với tình hình thiên tai, lũ lụt.

Ông Vũ Thanh Liêm, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ kế hoạch vốn sau khi được điều chỉnh của bộ này là 1.830 tỷ đồng. Kết quả giải ngân tính đến ngày 30/11 của tất cả 18 dự án là 763 tỷ đồng tương đương 41,7% khối lượng được giao. Theo tính toán đến 30/1/2021 khối lượng cam kết thực hiện là khoảng 1.648 tỷ đồng và đạt 90%-94% kế hoạch sau khi điều chỉnh.

Ông Liêm chỉ ra một số nguyên nhân khiến một số dự án giải ngân có chậm trễ là do thiên tai xảy ra liên tục xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung. Do đó, một số dự án bị ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện từ tháng 11 cho đến nay. Hiện, các dự án này đang phải dừng và hoàn thiện hồ sơ để thanh toán các khối lượng đã hoàn thành.

Một số vấn đề từ phía nhà tài trợ

Tuy nhiên trên thực tế, ông Hoàng Hải cho biết ngay cả ở các khu vực ít chịu ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt song tiến độ triển khai và gửi đơn rút vốn vẫn còn chậm. Đơn cử việc chuẩn bị hồ sơ rút vốn của các chủ dự án còn chưa kỹ như hồ sơ chưa đầy đủ, thiếu chính xác, kế hoạch chi tiêu chưa phù hợp.

Ngoài ra, ông Hải cũng nêu nguyên nhân khác tác động đến hoạt động giải ngân vốn trong đó có một số vấn đề từ phía nhà tài trợ như thời gian cấp ý kiến không phản đối với hoạt động mua sắm, tuyển tư vấn tại một số dự án bị kéo dài.

Thêm vào đó, một số nhà tài trợ yêu cầu sử dụng tư vấn của nước tài trợ trong thực hiện dự án nhưng chất lượng của tư vấn còn hạn chế, không đảm bảo tiến độ dự án; vai trò, quan điểm của nhà tài trợ đối với hoạt động của tư vấn không rõ ràng...

“Một số dự án vướng cơ chế nên chưa xác định được phần cấp phát/cho vay lại để giao vốn triển khai thực hiện trong năm 2020. Ví dụ, các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam-VEC vay Cơ quan Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản-JICA chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt cơ chế chuyển từ vốn vay lại sang cấp phát,” ông Hải nói.

Ngoài ra, theo phương thức giải ngân tài khoản đặc biệt của một số nhà tài trợ (như Ngân hàng Thế giới-WB, Ngân hàng phát triển châu Á-ADB, JICA) khiến nhiều chủ dự án bị chậm trễ khi thực hiện thủ tục hoàn chứng từ cho các khoản rút vốn từ tài khoản đặc biệt, nhà tài trợ phê duyệt hồ sơ rút vốn bổ sung tài khoản đặc biệt cho các khoản chi nhỏ lẻ thường kéo dài.

Đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đến ngày 30/11 đã giải ngân vốn ODA được 945 tỷ đồng/1.954 tỷ đồng kế hoạch đã được điều chỉnh giảm, đạt 48,36% kế hoạch… Đến ngày 31/12, Bộ cam kết sau khi các dự án lớn rút vốn thuận lợi, giải quyết các vướng mắc bộ sẽ giải ngân từ 90%-95% nguồn vốn và 5% còn lại chỉ là lý do khách quan không lường trước. Vị đại diện này cũng kiến nghị Ngân hàng Thế giới đẩy nhanh tiến độ xem xét gia hạn thời gian thanh toán đến tháng 5/2021.

Về phía mình, đại diện Bộ Y tế cho biết đã giải ngân 65% kế hoạch vốn được giao sau khi điều chỉnh là 656 tỷ đồng. Tuy nhiên, vị này cũng kiến nghị các nhà tài trợ cần tạo thuận lợi trong quá trình giải ngân. Ví dụ như dự án bệnh viện chợ rẫy có thời gian rút vốn ngày 31/12 song do khâu hoàn thiện hồ sơ phải đến 31/1/2021.

Bộ Tài chính kiến nghị các đơn vị cần thúc đẩy triển khai thực hiện dự án để có khối lượng hoàn thành cho giải ngân, đặc biệt đối với các dự án kết thúc năm 2020, 2021.

Để thực hiện được, các bộ, ngành chủ dự án phải khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án...

  • TS. Nguyễn Văn Đáng: 'Giải bài toán đầu tư công 2020 là một thách thức rất lớn'

    TS. Nguyễn Văn Đáng: 'Giải bài toán đầu tư công 2020 là một thách thức rất lớn'

    CafeLand - Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, đẩy mạnh đầu tư công đang được xem là giải pháp quan trọng để chặn đà suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành và địa phương mới giải ngân được gần 29% lượng vốn đầu tư công theo kế hoạch. Trong khi đó, năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016- 2020.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.