CafeLand - Sau sáu năm nghiên cứu thị trường, Tập đoàn Maeda đến từ Nhật Bản đã chính thức góp mặt vào thị trường bất động sản Việt Nam với một dự án ở phân khúc cao cấp. Nguồn vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn, các quỹ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây.

Đua nhau rót vốn

Dự án mà Meada đầu tư có tên là Wateria Suites, thông qua sự hợp tác với Công ty xây dựng Thiên Đức. Wateria Suites có tổng vốn đầu tư 30 triệu USD với 89 căn hộ có diện tích từ 150-200m2. Dù là nhà đầu tư “mới toanh” trên thị trường bất động sản, song cái tên Maeda không quá xa lạ vì đây chính là nhà thầu thi công dự án đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên.

Tương tự, Tập đoàn Mitsubishi cũng đã ký kết với Tập đoàn Bitexco thành lập liên doanh cùng phát triển dự án The Manor Central Park. Trong giai đoạn hợp tác đầu tiên, liên doanh này cùng phát triển 240 căn hộ thấp tầng và 2 tòa nhà cao tầng với 1.036 căn hộ. Ước tính tổng số tiền đầu tư đầu tiên là khoảng 290 triệu USD.

Đại diện Mitsubishi tin rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và tầng lớp trung lưu gia tăng, nhu cầu về nhà ở sẽ tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, với Luật kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, trong đó nới lỏng các điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cũng sẽ là động lực tốt để thúc đẩy thị trường phát triển.

Nhà đầu tư Capitaland với kinh nghiệm hàng chục năm trên thị trường Việt Nam cũng vừa mua thêm dự án mới để nâng số lượng dự án tại Việt Nam. Nhà đầu tư đến từ Singapore này vừa mua lại một dự án có diện tích 0,5 ha tại quận 1, TP.HCM, trị giá là 51,9 triệu USD. Sau dự án này, CapitaLand sẽ thành lập thêm một quỹ thương mại mới để mua lại các dự án bất động sản tại Việt Nam. Theo kế hoạch, quỹ này sẽ được thành lập vào năm tới với vốn đầu tư 500 triệu USD, tập trung vào các dự án bất động sản thương mại tại TP.HCM và Hà Nội. Đây là quỹ đầu tư thứ 2 của Capitaland tại Việt Nam sau quỹ đầu tư trị giá 200 triệu USD được công bố vào năm 2010 phát triển 3 dự án nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM. Theo đại diện Capitaland, Việt Nam là thị trường lớn thứ ba trong khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn, sau Singapore và Malaysia.Phát biểu trên tờ Straits Times (Singapore), Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn CapitaLand Lim Ming Yan chia sẻ: “Chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội phát triển bất động sản tại Việt Nam. Vì thế, chúng tôi đang chuẩn bị để có chỗ đứng trên thị trường này. Tôi nghĩ Việt Nam có tiềm năng và xu hướng này sẽ tiếp diễn ít nhất 10 năm nữa.

Dự án do một tập đoàn đến từ Singapore đầu tư xây dựng tại quận 2. Ảnh: Nguyên Mạnh

Cũng với mục tiêu phát triển dài hạn ở Việt Nam, một doanh nghiệp khác đến từ Singapore là Công ty TNHH Keppel Land cũng đang tích cực mở rộng thị phần thông qua việc đầu tư vào các doanh nghiệp trong nước.

Tháng 4/2016, Keppel Land thông qua công ty con của mình là Ibeworth đã ký kết thỏa thuận với Công ty cổ phần đầu tư Nam Long để đăng ký mua 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi đáo hạn năm 2020 với lãi suất thường niên là 7%. Trước đó vào năm 2015, Keppel Land cũng thông qua Ibeworth, đăng ký mua 7,1 triệu cổ phiếu được Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long phát hành.

Ở một dự án khác tại quận 2, Keppel Land đã ký kết thỏa thuận đầu tư có điều kiện để nắm giữ 40% cổ phần tại Công ty TNHH Empire City - đơn vị sẽ bỏ ra 1,2 tỷ USD để xây dựng khu phức hợp tháp quan sát cao 86 tầng ở Khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM.

Ngoài ra, trong vòng một năm trở lại đây, các tên tuổi lớn như Creed Group, Lotte, Mapletre cũng đã công bố rót vốn mạnh vào những dự án bất động sản đình đám tại TP.HCM. Theo quan sát của PV, dù mỗi nhà đầu tư thường nhắm đến một phân khúc “sở trường”, từ khách sạn, bán lẻ, đến cao ốc văn phòng. Nhưng nhìn chung trong một năm gần đây, các nhà đầu tư rất quan tâm đến thị trường nhà ở bán tại Việt Nam vì nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam hiện nay rất cao và có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư phát triển và xây dựng một dự án mới.

Xuất hiện yếu tố tích cực

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch đầu tư, 11 tháng qua bất động sản đứng thứ hai trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 49 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 740,93 triệu USD.

Ông Ban Gray Mrics, Giám đốc đầu tư thị trường vốn của Cushman & Wakefield, cho biết thời gian gần đây, các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều hơn đến thị trường bất động sản tại Việt Nam là do triển vọng kinh tế vĩ mô trong nước khá lạc quan, chính trị và tiền tệ tương đối ổn định. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng nhận thấy khả năng mang lại lợi nhuận từ bất động sản thương mại tại Việt Nam so với các khu vực khác trưởng thành hơn. Ví dụ, ở Việt Nam kinh doanh văn phòng có thể mang lại lợi nhuận từ 8-10%, trong khi đó tại Singapore một tài sản tương đương chỉ mang lại lợi nhuận từ từ 4-6%.

Còn theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam, làn sóng đầu tư bất động sản tại Việt Nam của khối ngoại ngày càng mạnh mẽ còn được lý giải bởi hai nguyên nhân.

Thứ nhất, thị trường bất động sản Việt Nam có những chuyển động mang tính tích cực và những rào cản trước đây đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang dần được tháo gỡ. Nếu như trước đây các nhà đầu tư nước ngoài khi bước chân vào thị trường còn thiếu rất nhiều thông tin để ra quyết định đầu tư thì trong những năm vừa qua, thông tin trên thị trường bất động sản đã phong phú, đa dạng và minh bạch hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến các chính sách cũng như các thủ tục hành chính để giúp các nhà đầu tư tiếp cận với các nguồn thông tin khi họ đã xác định được một dự án hay một khu đất cần đầu tư đã diễn ra nhanh chóng hơn. Điều này khiến họ tự tin hơn khi bước vào thị trường.

Bản thân thị trường cũng đã có những yếu tố tích cực hơn nhiều. Ở thị trường nhà ở, số lượng các dự án được tung ra rất nhiều nhưng lượng tiêu thụ tại nhiều dự án vẫn tốt, giá bán vẫn nằm ở mức ổn định, không bị đẩy lên quá cao, chứng tỏ không có quá nhiều nhà đầu tư có thể làm cho thị trường bị méo mó. Ở các phân khúc khác như văn phòng tại TP.HCM do nguồn cung hạn chế nên nguồn cầu vẫn đang tăng trưởng, nếu các nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến việc mua các dự án tòa nhà văn phòng sẽ mang lại lãi suất đầu tư cao.

Thứ hai, chuyển động tại thị trường bất động sản khác trong khu vực lại không được tích cực như thị trường Việt Nam. Nếu như trước đây các nhà đầu tư có rất nhiều lựa chọn thì bây giờ dường như thị trường bất động sản tại TP.HCM và Hà Nội đang có những điểm thuận lợi hơn so với những thị trường khác trong khu vực.

Theo chuyên gia này, cách thức phổ biến nhất mà các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là liên doanh, liên kết với các công ty nội địa để tận dụng lợi thế của các doanh nghiệp nội có sẵn đất sạch và những kết nối trên thị trường. Họ sẽ góp vào liên doanh đó nguồn vốn và như kinh nghiệm của họ tại những thị trường phát triển hơn.

Một hình thức khác cũng được các doanh nghiệp nước ngoài áp dụng đó là lập công ty chi nhánh của họ tại Việt Nam có 100% vốn nước ngoài. “Họ sẽ tự mua một dự án đã hoạt động hoặc mua một khu đất nào đó. Bên cạnh đó, nhà đầu ngoại có thể mua cổ phần của các công ty bất động sản tại Việt Nam hoặc mua cổ phần của những công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán nhưng trường hợp này cũng không nhiều”, bà Dung nói. 

Chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội phát triển bất động sản tại Việt Nam. Vì thế, chúng tôi đang chuẩn bị để có chỗ đứng trên thị trường này. Tôi nghĩ Việt Nam có tiềm năng và xu hướng này sẽ tiếp diễn ít nhất 10 năm nữa.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn CapitaLand Lim Ming Yan

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.