Năm 2013 được cho là một trong những năm khó khăn đến với ngành ngân hàng (NH). Tuy nhiên, cùng với nhiều giải pháp của các ban ngành và sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và kết quả đạt được rất khả quan. Đến nay thanh khoản và hoạt động của hệ thống NH tiếp tục ổn định, lãi suất ở mức thấp, ngoại hối dồi dào, vàng tiếp tục được duy trì ổn định.
10 NH thương mại có dư nợ bằng vàng
Tính đến cuối năm 2013, huy động vốn của hệ thống NH tại TP.HCM đạt trên 1 triệu tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng tăng 11% so với cuối năm 2012. Trong đó tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng cao nhất, tăng 19,5% chiếm 55% trong tổng nguồn vốn huy động tại NH. Điều này phản ánh niềm tin của người dân đối với hệ thống NH trong năm.
Cùng với đó, sự chuyển dịch cơ cấu ngoại tệ theo xu hướng giảm dần trong tổng huy động vốn là dấu hiệu đáng mừng. Cụ thể tiền gửi ngoại tệ năm 2013 chỉ chiếm 16,3%, trong khi đó năm 2012 là 17,8% trong tổng huy động vốn. Điều này phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và phù hợp với định hướng điều hành của NHNN về lãi suất, tỉ giá khi đã chuyển từ quan hệ vay, mượn, gửi sang quan hệ mua - bán.
Giảm nợ xấu là mục tiêu quan trọng của ngành ngân hàng. Ảnh: HTD
Về vàng, đã chấm dứt hoàn toàn huy động và cho vay vốn bằng vàng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 10 NH thương mại có dư nợ bằng vàng, với tổng dư nợ 128.455 lượng, tương đương 4.496 tỉ đồng. Điều đó có nghĩa rủi ro tiềm ẩn từ các yếu tố đầu tư tài chính và tài sản ngoại tệ, vàng đã được kiểm soát. Góp phần duy trì ổn định thị trường ngoại hối và tỉ giá. Đã và đang mang lại hiệu quả quan trọng trong việc chống đôla hóa, vàng hóa trong nền kinh tế.
Song song với đó việc tháo gỡ khó khăn cho DN bằng nhiều giải pháp như kết nối giữa NH và DN, cơ cấu nợ, giảm mạnh lãi suất cho vay… góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong quá trình tiếp cận vốn NH.
Nợ nhóm năm chiếm cao nhất trong tổng nợ xấu
Song song với rất nhiều thành quả chúng ta đã đạt được, vẫn còn những hạn chế cần quan tâm. Cụ thể, nợ xấu trong năm tiếp tục phát sinh và làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các NH thương mại, trong đó biểu hiện rõ nét nhất là khả năng mở rộng và tăng trưởng tín dụng bị hạn chế. Kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng do các NH phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro và nguồn thu nhập bị giảm do không thu được lãi. Đến nay tổng nợ xấu trên địa bàn là 51.161 tỉ đồng, chiếm 5,49% trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ nhóm năm chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng nợ xấu. So với cuối năm 2012, nợ xấu tăng 3.297 tỉ đồng.
Một nguyên nhân khác làm tăng nợ xấu và mất vốn có liên quan tới các vụ án phát sinh trong NH thời gian qua. Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân liên quan đến yếu tố con người, đến đạo đức nghề nghiệp, có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tín dụng. Điều này không chỉ làm phát sinh nợ xấu mà dẫn đến thua lỗ kinh doanh và mất vốn. Bên cạnh đó, những hiện tượng thâm hụt quỹ, biển thủ quỹ vẫn xảy ra trở thành vấn đề nổi cộm, với nhiều câu hỏi liên quan đến yếu tố con người và sử dụng nguồn nhân lực… trong khi hệ thống quy trình kiểm tra, quản lý ngân quỹ là hết sức chặt chẽ.
Bởi vậy mục tiêu của TP.HCM trong năm 2014 là đưa nợ xấu về dưới 5% và giảm tỉ trọng nợ nhóm năm xuống dưới 50% trong tổng nợ xấu.
Tăng trưởng tín dụng có thể đã trên 12% Tính đến ngày 27-12 tín dụng đã tăng trên 11%, trong khi trước đó khoảng một tuần tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 9,5%. Tất nhiên việc tăng trưởng tín dụng trong tháng 12 đạt mức 3%-4% là điều hoàn toàn bình thường trong nhiều năm nay. Hơn nữa tính đến thời điểm hiện tại, Công ty Mua bán nợ (VAMC) đã mua được trên 36.000 tỉ đồng nợ xấu, tương đương hơn 1% tổng dư nợ hồi đầu năm. Nếu lấy quy mô tín dụng trừ đi con số này thì tăng trưởng tín dụng có thể đã trên 12% vào thời điểm này. Ông NGUYỄN VĂN BÌNH, Thống đốc NHNN Xem xét cho DN nữ trang vay vốn Tại TP.HCM có 3.100 DN có cơ sở kinh doanh chế tác nữ trang, với hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này phản ánh có nhu cầu vay vốn để nhập khẩu vàng, mua vàng nguyên liệu… Đề nghị thống đốc nên xem xét giải quyết nguồn vốn này để hỗ trợ DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nới tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn lên 35% Theo quy định hiện hành của NHNN, tỉ lệ tối đa dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đối với các NH thương mại là 30%. Tuy nhiên, năm qua các NH đã đồng hành cùng DN vượt khó qua các giải pháp như cơ cấu nợ, giãn nợ… và mới đây là Công văn 7558 của NHNN cho vay đối với cả những DN có nợ xấu nếu có phương án kinh doanh khả thi. Bởi vậy kiến nghị NHNN nới tỉ lệ này lên 35% để tạo điều kiện cho NH trong việc hỗ trợ DN tiếp cận vốn. Và trong thời điểm thích hợp lại đưa về 30%. Ông PHAN HUY KHANG, Tổng Giám đốc Sacombank |