23/02/2017 10:04 PM
Cuộc sống con người có gì khác là ăn, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh và vui chơi giải trí!

NƠXH cho công nhân và người thu nhập thấp ở Bình Dương.

Chất lượng cuộc sống nhìn chung giờ đã khá lên nhiều. Từ phố thị đến các vùng quê, từng gia đình đổi mới trong sự đổi mới của đất nước.

Nhưng câu chuyện nhà ở cũng đang đủ bất cập không thể không lo. Người giàu có dư thừa nhà nọ, biệt thự kia cho thuê loạn xạ sống thoải mái từ tiền cho thuê. Chả thiếu những “thiếu gia” tuổi 13 - 14 đã sở hữu trong tay những “tư dinh” đáng nể. Nhưng cũng chỉ một bộ phận thôi, đa phần vẫn còn đó những phận người còn đang rất khó.

Ai cũng biết “an cư mới lạc nghiệp”! Nhưng có được chỗ ở để “an cư” đâu có dễ. Một cặp vợ chồng 2 con, thu nhập dưới 10 triệu đồng một tháng, thử nghĩ xem bao giờ mua nổi nhà? Cứ nói người quê kéo về phố, cứ nói lớp trẻ ở các KCN ăn ở ra sao, nếu không muốn nói đang quá chật chội, nhếch nhác.

Nhà ở xã hội (NƠXH) là một chủ trương rất nhân văn của Đảng, Chính phủ dành lo cái “an cư” cho dân, nhưng xem ra vẫn chưa lo xuể. Yêu cầu nhà ở của người lao động, của lớp người trẻ ở các KCN trong cả nước đang rất lớn và cấp bách. Nhưng xem ra những dự án, “phân khúc” nhà ở cho những người thu nhập thấp lại không đủ, còn quá ít.

Hãy nhìn lại từ gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng ưu đãi với lãi suất thấp của những năm trước dành cho người thu nhập thấp cũng “bật ra” đủ tranh luận bàn cãi. Tung ra một chính sách nhân văn mà các bộ ngành họp bàn tới lui lên xuống, tháo gỡ đủ cách. Một chính sách phải họp bàn tốn phí nhiều thời gian nhất. Nhưng gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng các ngân hàng dành cho người thu nhập thấp vay mua nhà cũng chả thấm tháp gì? Gói tín dụng này giờ đã khép lại, người mơ NƠXH dành cho thu nhập thấp vẫn đang chờ những chính sách mới với những gói tín dụng ưu đãi khác.

Mới lo được 3,7 triệu m2 nhà cho khoảng nửa triệu người có nhu cầu NƠXH mà đủ chính sách, thủ tục, cơ chế đặt ra. Ai hay người thu nhập thấp vẫn còn rất khó tiếp cận được giá nhà tốt nhất. Đã lại “phơi ra” đây đó chuyện lợi dụng NƠXH dành cho người thu nhập thấp, mà người khá giả có trong danh sách, người khó nghèo thật sự cần nhà lại “bật ra” không vào được. Càng thấy chính sách nào dù hay mấy, nếu không giám sát chặt chẽ đều bị nhóm lợi ích “thò tay” tìm cách lợi dụng vụ lợi. Ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM số hộ nghèo, cận nghèo chưa có nhà ở là bao nhiêu. Riêng TP.HCM tới 80 nghìn hộ nghèo, cận nghèo đang mơ nhà xã hội, thì con số cả nước rõ ràng là rất lớn.

Nhà nước đã dành nhiều ưu đãi, như miễn thuế sử dụng đất, hỗ trợ vốn tín dụng để thu hút các DN làm NƠXH. Nhưng người cần mua nhà liệu tiếp cận vốn vay ngân hàng có dễ, liệu các DN làm NƠXH có được các ngân hàng mặn mà cho vay không, khi mà các ngân hàng còn “nại ra” đủ lý do. Rõ ràng thủ tục quanh căn hộ NƠXH còn quá nhiều sợi dây giằng níu chăng? Rõ ràng nhiều DN còn ngó lơ với xây dựng nhà giá thấp vì lợi nhuận chả đáng gì. Rồi cả chuyện cứ nói ưu đãi đất đai, sao nhiều tỉnh thành vẫn chả mặn mà? Vì áp lực hạ tầng đè nặng thêm, vì nguồn thu từ đất lại không có. Thế nên, chính sách về lo NƠXH rất trúng, rất hay, nhưng nhiều địa phương còn ngó lơ bỏ mặc như việc của ai chăng?


Niềm vui trong tổ ấm 30m2.

Xây dựng nhà nói chung, NƠXH nói riêng đều cần phải có đất, có vốn. Vậy quỹ đất để làm nhà thế nào, quy hoạch đất đai xa dài cho nhà xã hội ra sao? Hà Nội với khu NƠXH với cả loạt chung cư Đặng Xá đang như một mô hình kiểu mẫu để chăm lo cho người thu nhập thấp có nhà ở, nhưng nhìn về khu Pháp Vân, bao năm chung cư cũng vút cao ai có tiền mua? Có người bảo chung cư đặt vị trí ấy không thuận cho đi lại. Nói dành là ký túc xá cho sinh viên, lại quá xa các trường đại học, nên nhiều sinh viên đến thuê ở rồi lại bỏ đi!

Lo nhà ở cho người thu nhập thấp, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành và các địa phương cùng xắn tay tháo gỡ. Nhưng một mình ngành Xây dựng cũng chả đủ sức để lo, để làm. Nếu không có nguồn vốn từ các quy hỗ trợ, chỉ các ngân hàng lo sao cho đủ. Các DN xây dựng lớn có tiềm lực, tay nghề, ai hay đang mải lo làm nhà cao cấp ở các vị trí đắc địa thu lợi nhuận bán mỗi mét vuông chung cư 35 - 40 triệu đồng, có để ý gì đến xây dựng những chung cư bán giá 8 - 9 triệu đ/m2? Càng hiểu nhiều tỉnh thành mục tiêu làm NƠXH thực hiện quá thấp. Không thiếu chuyện NƠXH sử dụng sai mục đích, bán không đúng đối tượng. Đã có cả những “giao dịch ngầm” trong mua bán trao tay NƠXH. Có người gom vài căn hộ “hét” với giá 24 - 25 triệu đ/m2, nhưng giấy tờ sổ đỏ vẫn phải mang tên chủ cũ. Đã thấy ”phơi ra” những nhốn nháo trong những chung cư dành cho người thu nhập thấp bị biến tướng, bán mua trao tay người này sang người kia các cơ quan quản lý NƠXH có hay? Ấy là chưa kể những bất cập trong quản lý nhà chung cư khi chủ đầu tư xây dựng xong rút quân đi, phó mặc cho BQL tòa nhà “tự tung tự tác” trong vận hành, thu đủ các loại phí từ vệ sinh, quản lý trật tự, môi trường đến gửi xe chả ai kiểm soát?

Vì sao nhà ở dành cho người khó khăn về nhà ở, nhưng nhiều người dư dả giàu có vẫn sở hữu? Phải chăng nhiều nơi giao hết cho chủ đầu tư toàn quyền quyết định xét duyệt hồ sơ. Đó chính là khe hở lớn cho những lợi dụng, khi không thiếu chuyện khóc cười người giàu có vẫn cứ “chạy” được cả giấy xác nhận khó nghèo!

NƠXH là việc lớn đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội. Nhà nước chỉ có thể dành những ưu đãi về chính sách đất đai, về vốn vay. Nhưng để người khó nghèo thật sự an cư đâu chỉ dừng ở có ưu đãi về đất, về vốn liếng là xong!

Yêu cầu người cần nhà ở để “an cư” rất lớn cả nước đang cần 1 triệu căn hộ. Câu hỏi rất nóng từ thực tiễn: Người thu nhập thấp, những cặp gia đình công nhân trẻ ở các KCN bao giờ mới có được căn nhà? Liệu giá nhà thu nhập thấp có thể giảm thêm, cơ chế có thể thoáng hơn để người thu nhập thấp dễ tiếp cận?

Vẫn là phải gỡ cái “nút thắt” về đất đai, về vốn, về hạ tầng về dành quỹ đất mở nhà trẻ, trường học. Vẫn là tầm nhìn quy hoạch dài xa, là thu hút và khuyến khích các DN xây dựng vào cuộc. Nhưng cần hơn là những chính sách căn cơ “đột phá” phải gắn việc lo nhà cho công nhân, cho các gia đình trẻ với các thiết chế văn hóa của cuộc sống hiện đại chất lượng thế nào. Nếu không lường xa, không lo trước những vấn đề thiết yếu nhất ấy, không chừng những chung cư NƠXH rất dễ sẽ trở thành những khu “ổ chuột kiểu mới” của 10 - 15 năm sau!

Lo hôm nay phải lo cho cả mai sau là thế! Hơn ai hết, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch nhà ở cho người thu nhập thấp như thế nào đây? Hãy đến với các KCN với bao cô gái, chàng trai trẻ vì không lo được nhà ở mà chưa dám nghĩ đến cưới xin, đến chuyện xây cho mình “tổ ấm”. Hãy thấu hiểu cho bao khó khăn của những cặp vợ chồng trẻ đang loay hoay “nơi ăn chốn ở” thế nào để biết phải làm gì.

Chính sách nào cũng con người đặt ra. Quy định nào cũng con người phác thảo. Các cơ quan làm chính sách của các bộ ngành hãy từ thực tiễn nóng bỏng của cuộc sống mà kiến tạo những chính sách vì người dân, vì lớp trẻ đang còn loay hoay với nỗi khó tứ bề. Hãy “chắp cánh” cho những gia đình lao động trẻ có căn nhà để họ “an cư lạc nghiệp”!

Đỗ Quang Đán (Báo Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.