Khó như mua nhà giá rẻ
Sau 8 năm lấy nhau, cuối cùng, vợ chồng anh bạn tôi với đồng lương giáo viên ít ỏi, cũng may mắn mua được một căn hộ chung cư tại quận 9, TP.HCM rộng hơn 50 m2, với giá chỉ hơn 10 triệu đồng/m2.
Ngày ăn mừng nhà mới, anh chị kể về công cuộc tìm mua nhà của mình như một kỳ tích. Khi lấy nhau, xác định phải có nhà thành phố, nên anh chị tích cóp từng đồng. Với mức lương giáo viên, cùng tiền dạy thêm, thu nhập hai người mới được khoảng 15 triệu đồng/tháng, trừ tiền nhà thuê, tiền ăn, tiền con cái đi học…, anh chị chỉ tiết kiệm được khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Sau 5 năm, hai vợ chồng đã có hơn 300 triệu đồng tiết kiệm và rồi tới năm 2014, khi gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng được triển khai, anh chị may mắn mua được nhà với tiền vay từ gói hỗ trợ này để có được chỗ an cư, thoát khỏi cảnh ở trọ với nỗi lo phập phồng bị đòi nhà bất cứ lúc nào.
Có nhà, anh chị có hộ khẩu thành phố, con cái được đi học đàng hoàng và anh chị cũng an tâm công tác… Tuy nhiên, sau niềm vui là tiếp những tháng ngày chắt bóp để tất toán khoản vay nợ mua nhà.
“Kế hoạch đó cũng tạm gọi là ổn, bởi hai vợ chồng tôi chịu khó tiết kiệm và cũng đang có thu nhập tương đối ổn định hàng tháng”, anh nói.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như vợ chồng bạn, như tôi là một ví dụ. Vào TP.HCM lập nghiệp và xây dựng gia đình với tổng thu nhập 2 vợ chồng khoảng 17 triệu đồng/tháng, trong gần 10 năm sống Thành phố, vợ chồng tôi phải chuyển hết nhà trọ này đến nhà trọ khác.
Với mức thu nhập trên, vợ chồng tôi cũng tích cóp, dành dụm để tìm chỗ an cư tại Sài thành. Tuy nhiên, khi có khả năng mua nhà thì gói 30.000 tỷ đồng đã giải ngân hết. Vất vả đi tìm chung cư giá rẻ hết quận này tới quận khác, nhưng vẫn chưa thể tìm được dự án nào. Có hôm xem thông tin quảng cáo thấy có dự án chỉ 800 triệu đồng/căn hộ, hai vợ chồng rất mừng, nên vội vàng liên hệ để tìm hiểu. Tuy nhiên, khi đến công ty rao bán, thì được môi giới giới thiệu dự án mãi ở Bình Dương…
Cuối cùng, sau bao nhiêu tháng tìm kiếm, cũng tìm được một dự án nhà giá rẻ tại quận Tân Bình, phù hợp với khả năng của vợ chồng tôi. Thế nhưng, may mắn chưa tới, bởi dù nhà giá rẻ, nhưng với mức lương trả qua tài khoản của 2 vợ chồng, thì không đủ điều kiện để vay ngân hàng. Thế là, một lần nữa chúng tôi lại thất vọng và chờ đợi vận may trong tương lai chưa biết khi nào mới tới.
Cơ hội cho những giấc mơ
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, năm 2018, sẽ có gói tín dụng hỗ trợ mới cho người mua nhà ở xã hội. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP về nhà ở xã hội, trong đó quyết định lãi suất vay mua nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội là 4,8%/năm.
Tuy nhiên, do việc bố trí vốn còn khó khăn, nên gói tín dụng này chưa được triển khai. Chính vì vậy, sau khi gói vay 30.000 tỷ đồng kết thúc, người mua nhà giá rẻ, nhà ở xã hội phải vay vốn từ ngân hàng thương mại với lãi suất thị trường.
Tuy nhiên, rất ít người có nhu cầu về nhà giá rẻ, nhà ở xã hội vay được vốn để mua nhà, vì không đáp ứng đủ điều kiện thu nhập. Trong khi nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cũng phải tạm dừng triển khai, khiến nguồn cung phân khúc này thiếu trầm trọng.
Cuối năm 2017, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đề nghị phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2018 - 2020 để cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vay, với lãi suất 4,8%/năm. Đề nghị phân bổ nguồn vốn này cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 tổ chức tín dụng là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV để triển khai thực hiện.
“Về lâu dài, Hiệp hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở, trước hết là các dự án nhà ở xã hội cho thuê, tương tự như Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ trước đây, để làm giảm giá thành nhà ở xã hội”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.
Theo ông Châu, với những tín hiệu này, thị trường sẽ có sự đột phá từ phía doanh nghiệp địa ốc, họ sẽ sẵn sàng xây dựng những dự án nhà ở giá rẻ, cơ hội cho hàng triệu người dân cần nhà ở sẽ tiếp tục mở rộng với những cơ may lớn hơn.
Tuy nhiên, một tin vui đối với người thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở, là trong 2018 này, Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai gói tín dụng ưu đãi 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, thực chất, Chính phủ luôn xác định rõ chương trình cho vay mua/thuê mua nhà ở xã hội là chương trình có tính nhân văn cao, được cả xã hội mong đợi, nên ngay sau khi Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn ban hành, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiến hành các bước chuẩn bị để sẵn sàng thực hiện cho vay ngay khi Chính phủ cấp vốn thực hiện chương trình.
“Tin vui cho người dân có thu nhập thấp, đó là hiện Chính phủ cơ cấu dành cho Ngân hàng 500 tỷ đồng để tái khởi động chính sách này. Ngân hàng cũng huy động 500 tỷ đồng nữa. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng có kế hoạch ủy thác cho vay chương trình này. Từ năm nay, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ chính thức cho vay mua/thuê mua nhà ở xã hội”, ông Lý thông tin.
Đặc biệt, cũng theo ông Lý, hình thức vay lần này cũng có sự đột phá. Theo đó, khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay.
Ông Lý giải thích thêm, khách hàng gửi tiết kiệm cần xác định rõ, hoạt động tiết kiệm này không phải tiết kiệm lấy lãi, mà thực chất là hoạt động tiết kiệm của người vay vốn nhằm tạo vốn tự có tham gia vào dự án vay vốn.